The Exorcist, bộ phim từng làm dậy sóng dòng phim kinh dị trừ tà, bởi độ hãi hùng và chân thật của nó đã khiến nhiều người phải “xỉu ngang”. Mình nghĩ có lẽ vì vậy, phong cách làm phim mô típ trừ tà được áp dụng ở những bộ phim gần đây, và Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) là một trong những bộ phim mình vừa được xem.
Theo mình thấy, thể loại phim kinh dị là đề tài dễ dàng cho các nhà làm phim thỏa chí sáng tạo với những cách kết hợp đa dạng như: kinh dị - tâm lý, kinh dị - hành động, kinh dị - viễn tưởng. Thậm chí nếu tách riêng nó ra, mình thấy thể loại này vẫn có thể xây dựng theo nhiều mô típ khác nhau nữa, như là kinh dị slasher, kinh dị tâm linh, bí ẩn.
Đặc biệt là kinh dị trừ tà, một đề tài từng gây sốt khắp thế giới bởi mình thấy hầu hết các nhà làm phim dễ dàng sử dụng lại những tư liệu có thật. Tất nhiên, cái gì thật nó cũng đều gây cảm giác gần gũi và khiến nhiều người phải “khóc thét”.
Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) bộ phim kinh dị mang phong cách trừ tà, kể về một nhà thờ Công giáo quyết định mở các lớp học trừ tà dành cho các nam tăng lữ. Tại đây, sơ Ann (Jacqueline Byers) cũng vô tình bị kéo vào cuộc chiến này.
Nhận ra khả năng cảm hóa của cô, cha Quinn (Colin Salmon) quyết định cho phép cô thực hiện nghi thức, mặc dù nhà thờ nghiêm cấm nữ tu tham gia lớp học này. Tuy nhiên, sơ Ann luôn ám ảnh bởi quá khứ của người mẹ từng bị nhập và đứa con cô đã bỏ rơi lúc 15 tuổi. Từ đó sơ Ann nhận ra mối đe dọa đang đeo bám mình.
Theo mình thấy, Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) vẫn tuân theo mô típ quen thuộc của dòng phim trừ tà, câu chuyện xoay quanh một nhân vật chính thực hiện những buổi trừ tà với 2 mục đích. Thứ nhất nhằm chế ngự thế lực tâm linh ác quái đang bám vào vật chủ, thứ hai là cách để nhân vật chế ngự nỗi sợ tồn đọng trong quá khứ.
>>> Xem thêm: Trailer Mồi Quỷ Dữ: Không khác gì phiên bản khác của The Nun
Ở câu chuyện của sơ Ann, mình nghĩ bản thân cô đã vướng vào những vấn đề cấm kỵ của một con chiên ngoan đạo. Dựa vào cốt truyện của Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ), chưa biết rõ nguyên nhân vì sao cô mang thai ngoài ý muốn, nhưng việc từ bỏ đứa con của mình đã là một việc làm xấu xí, nhem nhuốc tâm cô.
Chính vì thế xuyên suốt cả bộ phim Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ), mình thấy được Annie không ngừng muốn học cách trở thành một nữ tu trừ tà, mà còn đối mặt với chính nỗi sợ, bất an trong bản thân cô.
Với Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ), mình thấy kịch bản đã được tác giả tái sử dụng nhiều chất liệu quen thuộc ở những bộ phim liên quan đến nữ tu, tôn giáo, trừ tà trước như The Exorcist, The Nun. Ngay cả tạo hình của nhân vật khi bị quỷ dữ nhập vào, mình cũng thấy nó có phần giống với The Possession.
Mình thấy việc nhà làm phim xây dựng hình tượng nữ tu của Annie có phần mới mẻ và hiện đại hơn rất nhiều. Thay vì các bộ phim với thể loại kinh dị trừ tà, họ thường chọn nam tăng lữ làm người thực hiện các buổi trừ tà ấy. Điều này vẫn luôn khiến mình thắc mắc vì sao phải là nam mà không phải nữ.
Thông qua Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ), mình nghĩ rằng ở một khía cạnh nào đó của tôn giáo, họ vẫn có lòng tin vào nam giới bởi sự kiên định và sức mạnh họ được Chúa ban. Còn nữ giới, dẫu có một niềm tin son sắt, nhưng sức mạnh và khả năng của họ chưa đủ vững vàng như nam giới.
Chính vì vậy mình đánh giá rằng Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) không những khai thác câu chuyện kinh dị theo mô típ điện ảnh thông thường, mà nhà làm phim vẫn biết cách lồng ghép khéo léo vào các định kiến, những chuẩn mực áp đặt riêng cho từng giới.
Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) ghi điểm với mình nhờ cách nhà làm phim tạo ra một tác phẩm mang màu sắc tôn giáo, nhuốm màu u tối đầy ám ảnh. Thậm chí các pha jump-scare vẫn khiến mình “bật ngửa” bởi thứ âm thanh đáng sợ mà phim tạo ra.
Đáng buồn thay mọi trải nghiệm “tột đỉnh” cho nỗi sợ tại rạp phim của mình dành cho Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) lại không thật sự quá cao. Mình chỉ cảm nhận rằng cách nhà làm phim họ khai thác mọi diễn biến, sự kiện ở mức nửa vời, chưa thật sự đẩy tới cùng để bản thân phải ám ảnh như The Exorcist.
Dàn nhân vật xuất hiện trong phim được thủ vai bởi loạt diễn viên lạ lẫm mà mình chưa hề biết họ là ai. Cách diễn xuất của họ cũng không khiến mình có ấn tượng nào. Vai chính được đảm nhiệm bởi Jacqueline Byers, cách cô thể hiện cảm xúc của nhân vật, nó làm mình cảm giác như cô đang diễn chứ không thật sự xem Annie là một phần của mình.
Daniel Stamm là đạo diễn tạo ra thành công của 13 Tội Ác và Lễ Trừ Tà Cuối Cùng, nhưng có lẽ vì đam mê với dòng phim tôn giáo, trừ tà này mà mình thấy nửa đầu thời lượng của Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ), bộ phim chỉ toàn đề cập đến những giáo lý mà mình nghĩ khán giả nào theo đạo sẽ dễ hiểu hơn.
>>> Xem thêm: Đặc Vụ Xuyên Quốc Gia: Thoại thiếu tự nhiên, miếng hài "chọt lẹt"
Điều này khiến mình tự đặt câu hỏi rằng phải chăng anh chỉ đang làm phim ở góc nhìn phiến diện khi đưa ra một kịch bản chằng chịt các lý thuyết liên quan đến tôn giáo của cá nhân anh? Nếu thật vậy, thì mình đánh giá Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) chỉ dừng lại ở mức 4/10 khi bộ phim đưa ra vấn đề mới, đó là hình tượng nữ tu thực hiện nghi lễ trừ tà.
Nói chung với một khán giả đam mê dòng phim kinh dị, mình đánh giá Prey For The Devil (Mồi Quỷ Dữ) chưa thật sự làm “tới nơi tới chốn”. Cảm giác mọi thứ chỉ ở mức nửa vời, xem phim xong cũng không khiến mình nhớ gì đến các nhân vật hay sự kiện trong phim.
* Bài viết của Bánh Đúc chia sẻ tại box Mọt phim Review
Nếu bạn quan tâm những bộ phim kinh dị mang phong cách trừ tà, tôn giáo , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Mồi Quỷ Dữ? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận