Với sự khởi đầu suôn sẻ và giữ vững được tinh thần truyện ma của 2 mùa trước, những tưởng rằng mùa 3 của Một Nén Nhang Huỳnh Lập sẽ mang tới cho người xem nhiều câu truyện ma kinh dị hơn, nhưng có lẽ mùa này đã làm thất vọng một bộ phận người mê kinh dị, trong đó có mình.
Đầu tiên, không thể phủ nhận mùa 3 đã được người xem mong đợi rất nhiều sau thành công của 2 mùa trước. Hầu hết khán giả đều mong được nghe giọng kể của Huỳnh Lập với những câu truyện ma dân gian, cùng với đó là những bài học sâu sắc về giá trị cuộc sống mà các câu chuyện của anh mang lại. Nhưng qua 2 tập của mùa này, cá nhân mình lại thấy hơi thất vọng.
Câu chuyện của tập 2 mùa 3 không quá mới mẻ, nhưng nó đã chạm đến một vấn đề đang khá nhức nhối hiện nay: văn hoá ứng xử trên mạng. Đã từ rất lâu rồi, môi trường mạng xã hội Việt Nam vẫn là một trong những môi trường có văn hoá ứng xử tệ nhất trên thế giới. Nhìn vào tình hình hiện tại ở các group và các diễn đàn, không quá khó để chúng ta có thể thấy được điều đó.
Quay trở lại với chủ đề chính, câu chuyện trong phần 2 này là về một sinh viên tên Tùng, luôn sử dụng tài khoản “clone” của mình để đi khẩu nghiệp khắp nơi trên mạng xã hội với những lời lẽ vô cùng chối tai và mất nhân tính. Cuộc sống của anh vẫn cứ thế khi suốt ngày cắm mặt vào điện thoại, sử dụng cái tài khoản ảo ấy như một cái mặt nạ che đi thân phận của mình để rồi cậu mặc sức nói gì thì nói, làm gì thì làm. Cho đến một ngày, cậu bị chính những lời nói của mình quay lại cắn trả.
Chú công nhân quét đường bị tai nạn mất đi phần đầu, chú lái xe vì những lời lẽ sỉ vả trên mạng mà không làm chủ được mình để rồi gây ra tai nạn thương tâm, kéo theo cả những người vô tội khác. Tất cả xuất phát từ lời nói ác ý của những người như Tùng mà ra, nhưng mà cậu có quan tâm đâu. Chỉ khi cậu biết được tiền căn mà cậu gây ra tồi tệ đến như nào thì lúc ấy có muốn đưa người sống lại cũng đã muộn.
Nói đi cũng phải nói lại, câu chuyện mà Huỳnh Lập mang lại nó giống như một vấn đề xã hội hơn là một câu truyện ma. Mình không biết rằng liệu câu truyện này được bao phần thật, bao phần giả, hay đơn giản chỉ là một cách mà Huỳnh Lập nói khéo về những vấn đề xã hội qua một góc nhìn tâm linh hay không, nhưng mình thất vọng.
Nếu mùa 1 và mùa 2 của series Một Nén Nhang chúng ta đã có những câu truyện ma dân gian vô cùng quen thuộc nhưng không kém phần kinh dị, thì đến phần này mình cảm thấy như đang nghe một cuốn truyện cổ tích vậy. Nếu nói về mặt giá trị nhân văn mà hai câu chuyện đầu tiên mùa này mang lại, phải thừa nhận nó có nhiều giá trị hơn những mùa trước. Tuy nhiên, chắc gì người xem đã muốn như vậy trong khi điểm mạnh của Một Nén Nhang ngay từ những ngày đầu các câu chuyện kinh dị nhuốm màu tâm linh?
Mình và có lẽ nhiều khán giả khác đã rất mong đợi một cái gì đó kinh dị thật sự như Ma Da, Cúng Cô Hồn – những câu chuyện không cần đến kĩ xảo hay tính thông điệp quá nặng nề, cũng khiến người nghe nổi da gà. Hi vọng rằng trong các tập tới, mình và những người yêu thích series này sẽ được nghe những câu chuyện thật sự kinh dị, thật sự u ám.
Dù chưa thể chiều lòng các khán giả khó tính như mình, nhưng tập này đối với những ai yêu thích Huỳnh Lập nói riêng và ưa chuộng các series giàu tính thông điệp thì hoàn toàn cũng không phải một lựa chọn tồi đâu nhé.
*Bài viết của Con Bà trên DienAnh.Net.
Theo dõi DienAnh.Net để cập nhật những tin tức phim ảnh mới và chính xác nhất.
Facebook - bình luận