“Đại trí nhược ngu, hồ đồ lại hóa trí tuệ.” Người thông minh lại hóa ra kẻ dại. Kẻ hồ đồ bỗng chốc hóa khôn ngoan. Biết sai không nói, biết đúng cũng không lộ, đó mới là người thông minh nhất, càng sống càng thuận lợi vì nhìn thấu mọi bản chất.
1. Thà giả ngốc chứ đừng phô trương mình thông minh
Cổ nhân dạy: “Tri thức làm người ta khiêm tốn, ngu si làm người ta kiêu ngạo”. Núi cao còn có núi cao hơn, người giỏi ắt có người giỏi hơn. Trong đại dương tri thức, những gì chúng ta biết chỉ như một giọt nước nhỏ mà thôi. Cho dù trí thông minh của bạn có lớn đến đâu, hiếu biết, thông tuệ cao siêu như thế nào thì kiêu căng, tự mãn, phô trương kiến thức của mình cho thiên hạ cũng chỉ như hạt muối bỏ biển.
Người khôn thì biết lúc nào nên giả ngốc
Bởi thế sự biến hóa vô thường, nay được mai mất. Không chắc rằng những gì ta đã biết có thể ngày mai vẫn được trọng dụng hay chăng. Thế nên, người khôn biết nghiêm túc lắng nghe, kẻ trí chịu đối mặt với những chỉ trích và phán xét bởi nhân sinh không một ai hoàn hảo. Biết giả khờ mới là người chiến thắng cuối cùng.
2. Thà giả nghèo chứ đừng khoe khoang mình giàu có
Đời người mấy ai sở hữu được tất cả những gì mình mong muốn. Sống càng thanh đạm, lòng càng bình an. Phô trương, khoe mẽ của cải giàu sang cũng chỉ là vật chất tạm thời, lại mang đến nhiều mầm mống của lắm kẻ tiểu nhân nham hiểm, đố kỵ, ghen ghét.
Người khôn ngoan hiểu rằng nghệ thuật sống cao quý là khiêm nhường và giản đơn. Hữu xạ tự nhiên hương, người quyền quý thì kẻ hầu người hạ tự tìm đến như ong bướm kéo đến tìm hoa lấy mật, không cần dùng lời ngon ngọt, hoa mỹ.
Nghệ thuật sống cao quý là khiêm nhường và giản đơn.
3. Thà bị lừa, còn hơn không dám chân thành đặt trọn niềm tin.
Khi bị lừa, họ mất đi một người bạn chân thành, quân tử. Còn ta chỉ mất đi một kẻ tiểu nhân chuyên lọc lừa, dối trá mà thôi. Đôi khi chúng ta đặt quá nhiều niềm tin để rồi nhận ra mình bị lừa vào nơi vẫn luôn mang đến sự an toàn đáng kể.
Dẫu thế, hãy cứ luôn trao đi tấm chân tình sâu sắc và đừng mong nhận lại bất kỳ điều gì. Bởi đạo trời công bằng, lòng người bất trắc, chỉ có “nhân” và “nghĩa” là hai thứ tồn tại bất biến, vĩnh hằng. Nếu vẫn nghi hoặc, sợ hãi và lo lắng bởi sự phản bội có thể đến bất cứ lúc nào mà không vui vẻ mở lòng, thì nhiều cơ hội tốt đẹp ở phía trước cũng chưa chắc tìm được đến cuộc sống của ta sau này.
Học cách sống chân thành, mọi chuyện còn lại hãy cứ để "tùy duyên"
4. Sức khỏe là tất cả. Lợi lộc công danh cũng chỉ là tiểu tiết.
Cân đo giữa hai thứ này, ta dễ dàng nhận thấy dù không giàu sang phú quý, không lợi lộc công danh, nghèo một chút nhưng đầy đủ sức khỏe thì bản thân vẫn ổn định và sống tốt. Vậy là đủ. Trời sinh con người với hai bàn tay trắng và khi ta rời đi cũng tương tự như thế. Tất cả vốn liếng cũng chỉ là sức khỏe mà thôi. Vậy nên, hãy đặt ưu tiên này lên hàng đầu và trân trọng sức khỏe từng phút giây.
5. Bình thường cũng được. Đừng mua chuộc danh tiếng là được.
Muốn người khác tôn trọng, trước hết hãy sống thật với chính mình. Kẻ luôn bị người khác coi thường là kẻ chuyên giả tạo phẩm giá và nhân cách. Bản chất của danh tiếng chỉ là khi ta làm việc tốt và được nể trọng, thì nó tự tìm đến. Một khi đã đi mua chuộc, thì ngay từ đầu nó đã không thể bền vững. Chỉ cần một lần bị phanh phui ra sự dối trá, nịnh nọt, bợ đỡ, thì không chỉ tiếng tăm giả tạo đó mà danh dự của ta cũng sẽ tan biến như mây khói.
Không ham danh lợi, cả đời bình yên
6. Món lợi nhỏ thì không đáng để tranh. Chịu thiệt cũng là một loại phúc báo.
Khổng Tử từng dạy học trò: “Chớ muốn mau, chớ thấy lợi nhỏ. Muốn mau thì không đạt, thấy lợi nhỏ thì việc lớn không thành”. Đường dài mới biết ngựa hay. Thành công chỉ dành cho người kiên nhẫn. Làm việc mà cầu chóng thành thì mục tiêu sẽ không thể đạt. Kẻ hám lợi nhỏ thì nghiệp lớn ắt sẽ không thành công.
Đôi lúc chúng ta mù quáng chạy theo một món lợi nhỏ vì tính vị kỷ cá nhân nhưng lại đánh mất cả một thành tựu đã được xây dựng lâu dài. Suy cho cùng, làm người thì không dễ để tránh được cám dỗ. Nhưng nhiều khi chỉ muốn hưởng thụ mà không mong chịu thiệt cũng sẽ gây ra mầm mống tai họa ẩn tàng.
7. Thua cuộc không phải là thất bại. Làm người đừng chỉ mong thắng mãi.
Nên tự hỏi mình: “Thắng một cuộc tranh cãi, lại thua mất một cuộc tình. Thắng được trên giấy tờ, nhưng lại mất đi nhiều mối quan hệ. Vậy có đáng không cơ chứ”? Mất mát cũng chính là cái giá phải trả để có thể thắng được một cuộc chiến nào đó. Vậy thì thay vì tìm cách hòa giải hay chấp nhận thất bại trong những lúc người thân mới thực sự quan trọng hơn vấn đề, lại cố gắng thắng chính những vấn đề rắc rối đó để được gì?
Nhân sinh muôn vẻ, người khôn biết sống với trung đạo và vô vi. Chấp nhận nhường nhịn và buông bỏ khi cần thiết để không mất đi những mối quan hệ đã được xây dựng trên nền tảng của sự tin tưởng và lòng chân thành vốn có.
Người trí tuệ sống với “đạo trung dung”
8. Thà chịu đựng gian nan, còn hơn chìm đắm trong cơn mê lạc thú.
Hưởng thụ những thú vui tao nhã sẽ mang lại sự tăng trưởng tâm linh. Chìm đắm trong đam mê lạc thú tầm thường thì chỉ làm hao mòn đi ý chí, sự kiên trì và lòng can đảm trong con người mà thôi. Chúng ta rất dễ dàng mất đi cái tôi cao quý của mình bởi cám dỗ của sự vui thích và thoải mái.
Thà vất vả một chút nhưng vẫn kiên định với con đường tìm kiếm thành quả lớn lao còn hơn là vui vẻ đắm mình trong các cơn mê với thú vui ngắn hạn. Điều này giúp ta tôi luyện ý chí, giữ gìn được năng lực và tinh hoa, không mất đi sức mạnh tinh thần cho một cuộc đời dài phía trước.
Những thú vui tao nhã mang đến cảm giác hưởng thụ cao quý
9. Toan tính thiệt hơn chỉ hại mình. Làm người, không phải ai cũng là kẻ ngốc.
Không hẳn những người ta đối xử hằng ngày hay thương lượng trong những việc trọng đại đều nằm “dưới cơ” của mình. Đôi khi họ chỉ đang thực hành hạnh nhẫn nhục và chịu thiệt. Do đó, đừng bao giờ tự xem mình là bề trên và ai đó là kẻ ngốc. Bởi thực ra, người trí không thèm đếm xỉa tới sự khôn ranh, ma mãnh của kẻ lợi dụng. Họ chỉ đang cười thầm trong bụng về biểu hiện của một kẻ non nớt mà thôi. Điều đáng sợ nhất là ta không thực sự biết ai mới là hạng người đạt đến trình độ đó.
Kết: Sống ở đời, cái gì hỏng thì đem đi sửa. Một ngày không được thì sửa mười ngày. Vẫn không xong thì sửa suốt một năm. Quan trọng nhất vẫn là bỏ bớt bản tính đố kỵ, hẹp hòi, khinh thường và ngạo mạn. Rèn giũa cho mình một tâm tính thiện lương và nhận thức bao la, rộng lớn. Mỗi ngày một ít. Tương lai sẽ có thể gặt hái được một thành tựu huy hoàng.
Facebook - bình luận