Con người ta chỉ mất một, hai năm để học nói nhưng lại mất cả đời để học cách im lặng. Người khôn ngoan là người biết cách làm chủ lời nói của chính mình. Dưới đây là 7 thời điểm tôi nghĩ bạn nên học cách im lặng nếu muốn chừa đường lui cho bản thân.
1. Khi bản thân đang trong trạng thái giận dữ
Giận dữ là trạng thái cảm xúc rất bình thường chứ không quá tiêu cực. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ cách ta kiểm soát bản thân trong cơn nóng giận như thế nào.
Chúng ta thường có xu hướng gắt gỏng, nói những lời khó nghe, sẵn sàng phản biện lại hay thậm chí là chửi bới người khác khi nóng giận. Việc này không những khiến mâu thuẫn ngày càng lớn mà còn làm cơn giận dữ của ta tăng lên. Nếu cứ liên tục lặp lại, ta sẽ khó mà giữ được các mối quan hệ xung quanh dù là thân thiết nhất.
Khi cảm thấy dần mất kiểm soát, hãy hít thở thật sâu và cho bản thân khoảng không gian riêng, tách biệt với thế giới bên ngoài, ngẫm nghĩ lại về mọi chuyện. Khi đó, ta sẽ dần cảm thấy thoải mái và bình tĩnh hơn để có thể tiếp tục giải quyết vấn đề đang gặp phải.
2. Khi đang tranh luận với người đang nóng giận
Hãy tránh xa những người đang tức giận, bởi người ta thường nói giận quá thì mất khôn, họ có thể sẽ làm tổn thương mình cũng như đem đến sự khó chịu mà mình không đáng phải nhận. Cố gắng chỉ ra lỗi sai của họ hay tranh luận khi họ đang nóng nảy không khiến họ nguôi ngoai mà còn làm mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.
Vậy nên, hãy im lặng và từ chối tham gia vào cuộc tranh cãi. Một người chỉ có thể suy nghĩ sáng suốt khi họ nguôi giận. Chỉ khi ta đáp lại họ bằng sự bình thản, họ sẽ tự cảm thấy xấu hổ và “hạ hoả” ngay lập tức mà thôi.
3. Khi bị cuốn vào một cuộc trò chuyện quá sâu
Tâm sự chia sẻ về bản thân là tốt, nhưng hãy lựa chọn những người thật sự đáng tin. Đôi khi, vì quá mải mê nói chuyện mà ta vô tình chia sẻ quá nhiều cho người khác, nếu gặp phải người xấu, ta sẽ có thể gặp bất lợi sau này.
Những cuộc trò chuyện thường ngày chỉ nên dừng lại ở mức xã giao, nói về những chủ đề vui vẻ, những điều tích cực, tránh những vấn đề nhạy cảm như chính trị, tiền bạc hay nói về người khác. Hãy chỉ trút bỏ hết trong lòng mình với người thân, gia đình chứ đừng vội cả tin vào những người bạn mới quen nếu không muốn tương lai phải hối hận.
4. Khi ai đó kể về một tin đồn
Chớ trở thành một kẻ nhàn rỗi, ăn không ngồi rồi bàn chuyện thiên hạ. Những lời đồn đại thường sai sự thật và gây ảnh hưởng rất nhiều tới người trong câu chuyện. Có thể đối với bạn đó chỉ là những lời nói đùa lúc rảnh rỗi, nhưng lại vô tình làm tổn thương người khác hay thậm chí là huỷ hoại con đường công danh sự nghiệp của họ.
Những người chuyên ngồi lê đôi mách thì luôn khó nhận được sự tin tưởng. Bởi một câu chuyện nhỏ mà ta đã không truyền đạt đúng, liệu còn ai dám chọn ta để tâm sự về bí mật của họ? Vậy nên, nếu có nghe được tin đồn, hãy chọn cách im lặng cùng với câu chuyện và đừng dại dột đâm đầu vào những cuộc nói chuyện đầy xáo rỗng, vô bổ đó.
5. Khi muốn trách móc ai đó
Có những chuyện thay vì phàn nàn hay chê trách thì tốt hơn hết ta nên dành thời gian đó để suy nghĩ xem bản thân được lợi gì khi liên tục nói những lời khó nghe với người khác? Phàn nàn chỉ càng làm ta cảm thấy mệt mỏi, tiêu cực hơn với mọi thứ vậy thì tại sao không dùng nguồn năng lượng đó để tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề?
6. Khi không có hiểu biết về vấn đề đang được nhắc tới
Abraham Lincoln từng nói: “Thà giữ im lặng và vờ là một kẻ ngốc còn hơn mở miệng để người ta không còn nghi ngờ”. Với tôi, đôi khi chấp nhận bản thân không hiểu biết còn tốt hơn là cố gắng thể hiện để lấp đi sự kém cỏi của mình nhưng thật ra lại càng khiến người khác xem ta như một trò hề.
Trong một cuộc trò chuyện, nếu không thật sự am hiểu về một khía cạnh hay lĩnh vực nào đó, hãy chọn cách im lặng. Im lặng không phải là xấu, im lặng để lắng nghe, để lĩnh hội thêm các kiến thức mới, để làm giàu vốn hiểu biết của bản thân. Đó là việc người khôn ngoan nên làm.
7. Khi có ý định nói dối
Đừng để lời nói dối trở thành một thói quen của bản thân. Hãy nhớ rằng: “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”, khi người khác phát hiện ta nói dối dù chỉ một lần, ta sẽ mãi mãi không bao giờ có thể lấy lại được niềm tin từ họ nữa. Tự nhắc nhở bản thân rằng mình sẽ khó mà phát triển nếu trở thành một kẻ không trung thực trong mắt người khác. Khi không thể nói thật, hãy bảo vệ sự trung thực và lòng tự trọng của bản thân bằng cách im lặng.
Kết: Càng trưởng thành, chúng ta càng nên học cách ít nói đi và làm nhiều hơn. Tôi hiểu rằng để đạt được hoàn toàn những điều trên là rất khó, nhưng nếu bạn có quyết tâm muốn thay đổi cuộc đời, tôi tin bạn sẽ làm được.
* Bài viết của Tiêu Dao chia sẻ tại box DAN FC
Đời người là cuộc hành trình vượt qua thử thách, nếu bạn có những tâm đắc về cuộc sống , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận