x

Đăng nhập

Comming soon...

Blog Phim

Việt

Những hương vị tình thân trong phim Hương Vị Tình Thân

Hoa Le 20:00 - 16/08/2021

Khoảng 5 năm trở lại đây, chúng ta chứng kiến sự trở lại đầy ngoạn mục của dòng phim truyền hình gia đình Việt Nam, soán ngôi hoàn toàn nhưng tác phẩm ngôn tình ngoại nhập từ Hàn Quốc. Điều đó không chỉ cho thấy khán giả đang ngày càng tin tưởng phim nội địa mà còn chứng tỏ sức hút đặc biệt của đề tài này. Thông qua mỗi bộ phim với những câu chuyện gần gũi, thân thuộc, khán giả như thấy được hình ảnh chính mái ấm của mình. 

Và Hương Vị Tình Thân - bộ phim truyền hình đình đám nhất thời điểm hiện tại cũng không ngoại lệ. Vượt ra khỏi phạm trù của những sự đấu đá, drama gay cấn, Hương Vị Tình Thân đem đến cho tôi và nhiều khán giả những giá trị tình người đích thực và trân quý. 

Khi máu mủ không phải thước đo tình thân 

Mỗi lần nhắc đến hình ảnh người bố trên màn ảnh nhỏ, ngay lập tức trong đầu tôi hiện ra hình ảnh NSND Công Lý trong mái tóc muối tiêu, ánh mắt đăm chiêu đầy suy tư. Sau Người Đàn Ông Góa Vợ Bật Khóc, nam diễn viên một lần nữa khiến tôi phải rơi nước mắt với hình ảnh ông Tuấn trong Hương Vị Tình Thân. 

Không máu mủ ruột thịt gì với Nam, nhưng ông Tuấn vẫn một lòng chăm sóc, nuôi dưỡng cô bé như con gái ruột. Khi còn nhỏ, ông Tuấn là người duy nhất an ủi Nam sau trận đòn roi của mẹ nuôi. Có quần áo đẹp, đồ ăn ngon, ông đều cho Nam để cô bé cảm nhận được tình yêu thương của người thân. 

Thậm chí, ông dám cãi nhau với vợ một trận gay gắt, khi bà Bích tỏ thái độ với Nam. Mãi đến khi Nam lớn, cũng chỉ có mình ông Tuấn tâm sự, thấu hiểu cho Nam. Nhìn ánh mắt ông dành cho Nam, lo lắng đến nỗi lật đật chạy đi tìm con giữa đêm trong khi người đang mang trọng bệnh đã đủ cho thấy tình cảm đó còn hơn cả máu mủ ruột thịt. 

Ông Tuấn yêu và thương Nam chẳng khác gì con gái ruột. Bảo sao sau này, dù bà Bích có đối xử với cô tệ ra sao, Nam vẫn luôn giữ lời hứa với bố, chăm sóc mẹ và em. 

Khi bố còn sống, mỗi lần có chuyện buồn Nam lại tìm đến tâm sự và khóc với bố. Thậm chí đến lúc ông đã ra đi, lúc sóng gió ập tới, Nam lang thang không đểm dừng khi nghĩ đến cảnh ngôi nhà của bố sắp bị bà Bích mang đi bán để bồi thường cho nhà bà Sa. Cô uất ức rồi lao vào vòng tay ông Sinh khóc nức nở, mà nghĩ đó là bố Tuấn: “Về đâu hả bố? Bố có về với con không? Con không có bố, con không có cảm giác đó là nhà mình nữa rồi”.

Bất giác trong một khoảnh khắc, tôi như chết lặng theo cảm xúc của nhân vật. Nam òa lên khóc trong vòng tay bố Tuấn như một đứa trẻ, hành động mà cô không bao giờ làm với bất cứ ai. Bởi chỉ có bố Tuấn mới là người mà cô yêu thương nhất, tình thân đó không bao giờ có thể đong đếm được. 

Khi địa vị không quyết định tình thân 

Đường đường là chủ tịch tập đoàn xây dựng lớn ở Hà Nội, nhưng ông Khang sẵn sàng hủy cuộc họp quan trọng trong phút chót để tới bệnh viện khi biết tin mẹ cấp cứu. Đứng trước một người nhỏ tuổi hơn, đã giúp đỡ cụ Dần, người đàn ông đầu hai thứ tóc ấy vẫn dành thái độ trân trọng, cúi đầu cảm ơn. 

Nhiều người có thể chê trách ông Khang không phải người chồng tốt, nhưng ở vị trí làm con, tôi nghĩ không ai có thể phàn nàn về sự hiếu thảo của ông. Giữa cuộc sống xô bồ, khi mà con người mải mê chạy theo đồng tiền, danh vọng, thật hiếm có một ai có thể sẵn sàng gác lại nhưng thứ đó để trở về nhà ăn cơm với mẹ như ông Khang. 

Không thuyết phục được vợ sang chăm sóc mẹ, bố Long chẳng  ngần ngại mà ôm gối sang phòng cụ Dần ngủ dưới nền gạch cứng lạnh lẽo. Dù đã có tuổi, nhưng ông Khang không ngại khó, ngại khổ chỉ để mẹ được ngủ ngon giấc. 

“Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng, con ở với ai”, chỉ nghĩ đến viễn cảnh ấy thôi ai cũng nhói lòng và tôi nghĩ ông Khang là người hiểu rõ hơn ai hết ý niệm đó, nhất là khi bệnh tình của cụ Dần ngày một nặng. Nên với ông Khang “Ngủ với vợ thì cả đời, có mấy khi con được ngủ với mẹ”, ông ý thức được rằng thời gian bên mẹ là hữu hạn, mỗi ngày là một cuộc chạy đua, để được chăm sóc và yêu thương mẹ nhiều hơn. 

Nhớ đến phân cảnh ông Khang òa khóc trong vòng tay cụ Dần như một đứa trẻ, khiến tôi cũng rưng rưng theo. Cụ Dần đã hy sinh cả thanh xuân vì các con, trải qua quá khứ đầy đắng cay, nên giờ là lúc ông Khang có thể bù đắp để mẹ luôn cảm thấy được yêu thương. Bạn có còn nhớ câu chuyện bà Dần năm xưa, một mình nuôi hai con khôn lớn, chấp nhận từ bỏ duyên mới để vẫn chịu cảnh mẹ goá con côi. Cuộc đời của bà lắm vất vả, thế nên ông Khang vẫn luôn nhớ rằng, có là ông này bà nọ, thì vẫn là cậu con trai nhỏ của mẹ, phải một lòng hiếu kính. 

 Có người từng oán trách ông Khang, sao không biết vun vén vợ và mẹ, để hai bên vui vầy với nhau. Thực ra tôi thấy, nói thì dễ chứ mấy ai làm được điều đó. Mẹ và vợ đều là phụ nữ, có những sự ganh tỵ riêng, đâu thể ngồi xuống thoả hiệp như một hợp đồng kinh doanh ba bên. Chỉ là ông Khang nhận thấy, “ngủ với vợ thì cả đời, có mấy khi con được ngủ với mẹ”. Sức khoẻ mẹ đã yếu, nay nhớ mai quên, những thời gian cuối cùng này, ông xin dành trọn cho mẹ. 

Khi thời gian không phải vấn đề của tình thân 

Có người cha nào trên cuộc đời này lại không muốn bên cạnh yêu thương và chăm sóc cho con gái của mình. Dẫu rất muốn như ông Sinh đành phải kìm lòng, không dám tiết lộ thân phận là cha ruột của Nam vì sợ ảnh hưởng đến con gái. 

Khi chị gái nhắc nhở ông hãy gặp Nam để cha con nhận nhau, nhưng ông Sinh vẫn lưỡng lự và nói rằng không muốn ép vì muốn con bé có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngày ngày, ông Sinh chỉ biết đứng từ xa nhìn Nam bằng ánh mắt lo lắng, đăm chiêu, khắc khoải. Khi Nam cần một chỗ dựa tinh thần, ông Sinh sẵn sàng đến bên để sẻ chia. Khi biết con gái gặp bất công, ông không ngại gây hấn với mọi người theo một cách giang hồ bản năng chỉ vì để bảo vệ Nam. 

Khoảng cách thời gian hơn 20 năm chưa bao giờ khiến tình cha của ông Sinh mất đi. Mỗi ngày, ông đều khao khát được yêu thương, chăm sóc và bảo vệ cho đứa con gái duy nhất của mình. Cũng trong 20 năm đó, Nam luôn mong ngóng đến ngày gặp được cha ruột, hoặc nghe một tin tức nào đó về ông, rằng còn sống hay đã mất. 

Dù chưa biết được sự thật, nhưng Nam dường như cảm nhận được chút gì đó nên cũng đối xử với ông Sinh như ruột thịt trong nhà. Khi ông Sinh gọi điện giữa đêm báo chị gái trong cơn nguy kịch, Nam tức tốc gác lại mọi thứ, lên đường về quê người bác thân thiết. Chứng kiến cảnh chị ông Sinh nhắm mắt xuôi tay, Nam cũng không kìm được nước mắt rồi ôm chặt bác để an ủi. 

 Tôi tin rằng, cô lờ mờ đoán được ông Sinh là bố ruột của mình. Từ ánh mắt, thái độ, sự quan tâm của ông, cho đến lời trăn trối của bác Nhàn. Đã đôi lần tôi thấy Nam mở lời để ông Sinh trút hết ruột gan, thổ lộ thực sự thân phận của mình. Thế nhưng, dường như có điều đó chặn lời người đàn ông khắc khổ này, nên Nam cũng không muốn gượng ép mà tiếp tục chờ đợi. Ừ thì cô đã chờ hơn 20 năm, chờ thêm một thời gian nữa thì có là vấn đề gì đâu?

>>> Xem thêm: Hương Vị Tình Thân: Thy biết chuyện bà Sa bị cưỡng ép sinh mình

Khi giang hồ cũng không buông bỏ tình thân 

Không có địa vị xã hội cao quý, cũng chẳng làm việc lương thiện như những ông bố trên, nhưng Chiến “chó” vẫn khiến tôi cảm phục bởi tình thân mà gã dành cho bố. Từng là một tay anh chị, có nhiều thuộc hạ, tiền bạc thì không đếm xuể, tội trạng cũng không kể xiết, thế nhưng sau khi ra khỏi trại, hắn mất hết tất cả, chỉ còn lại duy nhất một ông bố đang mang trọng bệnh. 

Ban đầu, tôi cảm thấy rất khó chịu với nhân vật này khi 5 lần 7 lượt làm phiền đến cuộc sống của ông Sinh. Những tưởng hắn đòi lại số tiền 1,3 tỷ đồng năm xưa cho ông Sinh vay để giúp đỡ vợ con ông Tuấn, nhằm quay lại giới giang hồ. Nhưng tôi đã nhầm, hắn muốn lấy lại số tiền đó để chữa bệnh cho bố. 

Mặc dù ngoài miệng toàn nói lời cay độc, nhưng khi bố bị bệnh, Chiến không ngại cõng bố băng rừng để tìm đến nhà ông Sinh, rồi lau người, chăm sóc cho người cha già bệnh nặng. Bề ngoài Chiến cục súc, nhưng chưa bao giờ gã bỏ mặc bố mà ngược lại luôn hiếu kính dù ông không ngừng mắng chửi, than oán.

Sau khi đi kiếm được tiền chữa bệnh cho bố, Chiến quay trở về nhà ông Sinh thì thấy bố nằm bất động. Gã giang hồ gào khóc, cõng bố băng rừng lần nữa tìm người cứu. Mà sức khỏe của hắn cũng đâu phải như người ta, cứ chạy 3 bước là ngã, nhưng gã vấn kiên trì, nhất quyết không bỏ bố. Tình cảm của Chiến dành cho bố đáng quý, khiến giá trị của bộ phim tăng lên bội phần.

”Cha không bỏ con thì làm sao con bỏ cha”, tôi nhớ có ai đó hoặc bộ phim nào đấy từng nói câu thoại đó. Lúc Chiến thất bại, mất trắng trở về quê, hắn không còn gì nhưng ông bố chưa từng bỏ rơi. Tôi nhớ người đàn ông tuổi 70 gào hét kêu cứu bên bờ suối, tìm người cứu giúp thằng con trai đang nằm gục ở đó, vì say rượu. Ông quỳ lạy, nằm chân ông Sinh, van nài người này hãy cứu lấy con trai mình. Bởi thế nên, dù bất cứ giá nào, Chiến vẫn muốn chạy chữa cho bố. 

Khi bị bạc đãi hay khổ cực không ảnh hưởng đến tình thân 

Đâu chỉ yêu thương bố Tuấn và ông Sinh như ruột thịt, Nam còn thương bà Bích và Diệp vô cùng. Ngày bé, vì coi Nam là của nợ, không máu mủ gì mà bà Bích thường xuyên trút giận lên người cô bé. Tuổi thơ của Nam ngập tràn trong đòn roi và nước mắt. Thiệt thòi đủ đường, nhưng Nam vẫn yêu thương mẹ và em gái hết mực. Chưa một lần tôi thấy cô ấy bất mãn với mẹ, kể cả những lúc phải chịu sự phân biệt đối xử, nhưng Nam vẫn luôn vâng lời và chiều chuộng Diệp.

Lớn lên, Nam trở thành lao động chính trong gia đình, cô miệt mài đi làm để kiếm tiền nuôi gia đình mà không một lời oán thán. Cô cũng không hoài nghi hay chất vấn bà Bích vì sao đối xử bất công với mình từ nhỏ tới lớn. Những lúc bà Bích gây hoạ, Nam vẫn cặm cụi đi giải quyết, cùng lắm là mang nước mắt về nói chuyện phải trái với mẹ, để mong bà nhận ra cái sai mà thay đổi. 

 Cho đến khi bà Bích nói ra sự thật, dù đau lòng nhưng Nam vẫn dành tình cảm cho gia đình, nơi mà cô đã lớn lên và gắn bó. Khi Nam yêu Long, bà Bích không ngừng động viên con gái theo đuổi tình yêu của mình, nhưng mục đích chính là muốn cô được làm dâu nhà giàu để bà đào mỏ. Song Nam đâu nghĩ được nhiều như vậy, cô còn ngạc nhiên, mừng rỡ vì đây là lần đầu mẹ ủng hộ mình theo đuổi một điều gì đó. 

Cảm giác như lần đầu được cảm nhận chút hơi ấm từ mẹ, Nam đã sung sướng đến long lanh cả đôi mắt. Tôi thì thấy xót xa cho cô gái ngây thơ và thanh khiết ấy. Phải chăng vì quá khát khao tình mẹ mà Nam không màng tới đó là sự giả tạo, mà đón nhận một cách nhiệt tình. 

Và điều gì tới cũng phải tới, cuối cùng cũng là vì tiền mà bà Bích bán con, để Nam gánh hết mọi tội lỗi, khiến cô phải bỏ xứ đi trong oan ức. Nhưng sau 3 năm, Nam vẫn làm tròn trách nhiệm với mẹ và em. Cô không trách Diệp, vẫn thương em gái, chỉ là chưa thể tha thứ ngay cho mẹ. 

Sau bữa ăn đoàn viên mới đây, Nam dường như đã bỏ qua dần cho bà Bích khi thấy mẹ đã có sự thay đổi. Chịu nhiều tổn thương, nhưng Nam vẫn đủ bao dung và đối đãi với bà Bích và Diệp bằng tình thân. 

>>> Xem thêm: Hương Vị Tình Thân: Diệp đẹp mà không có khôn, vẫn si mê Dũng

 

 Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh nhưng tựu chung lại, tình thân vẫn luôn là giá trị lan tỏa trong từng câu chuyện, từng nhân vật của Hương Vị Tình Thân. Tình cảm gia đình thấm nhuần ấy như một liều thuốc tinh thần khiến mỗi khán giả phải suy ngẫm và là giá trị trân quý đọng lại trong tâm trí chúng ta sau mỗi tập phim. 

Tình yêu của Nam - Long thực chất chỉ là một lớp nền, để từ đó, những biến cố, những câu chuyện của mỗi gia đình được phát triển lên. Hương Vị Tình Thân chính là đủ sắc, đủ vị, ở đó có nước mắt, có nụ cười, có những niềm vui hanh phúc mà vẫn tồn tại cay đắng khổ đau. Tuy nhiên dù khó khăn hay sung sướng, dù giàu sang hay nghèo khổ, dù tri thức hay giang hồ, dù nam hay nữ, thì vẫn đề cao gia đình lên trên hết. 

 Hương Vị Tình Thân quả thực rất ồn ào với những drama từ tình tiết phim, nhưng với tôi, không có gì phủ nhận được giá trị nhân văn mà bộ phim đang gửi đến người xem. Hãy cởi mở hơn với tác phẩm hot nhất nhì hiện nay, để cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực và hương vị tình thân lan toả khắp chúng ta. Nó chính là ý nghĩa và ý đồ mà đạo diễn cùng ekip làm phim mong muốn truyền đạt qua từng tập phim. 

*Bài viết của Hoa Lê trên DienAnh.net

“Hương Vị Tình Thân có vị gì?” là chuyên đề đặc biệt của DienAnh.net nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, ý nghĩa của tình thân trong bộ phim truyền hình ăn khách nhất hiện nay của Việt Nam. Qua chuyên đề này, các bạn sẽ cảm nhận rõ nét hơn những câu chuyện đầy xúc động về tình cha con, mẫu tử và cả những tình cảm trân quý của những nhân vật không cùng huyết thống nhưng đối đãi với nhau như ruột thịt.

Mọi ý kiến đóng góp bài vở hãy gửi contact@dienanh.net để cùng nhau lan toả nguồn năng lượng tình thân cao quý này đến mọi người. Đừng quên follow DienAnh.Net để cập nhật những thông tin phim ảnh, chuyện hậu trường nhanh nhất, chính xác nhất nhé!

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Quang Sự trở thành Đội trưởng phá án trong Đội Điều Tra Số 7 mùa 2

Đức Nguyên

Đức Nguyên

Vừa xong dự án dài hơi Trạm Cứu Hộ Trái Tim, Quang Sự hóa thân thành Trung tá Đình Hùng, đội trưởng đội phá án trong phim hình sự Đội Điều Tra Số 7 mùa 2.

3 lý do xem phim Domino: Lối Thoát Cuối Cùng: Nhiều plot twist

Nga Cao

Nga Cao

Dự án điện ảnh hành động - xã hội đen Domino: Lối Thoát Cuối Cùng của đạo diễn Nguyễn Phúc Huy Cương cùng nam chính Thuận Nguyễn hứa hẹn sẽ thu hút giới mộ điệu

Thanh Sơn đã có tình mới sau Khả Ngân, cực "ngọt" trong phim mới

Đức Nguyên

Đức Nguyên

Nối tiếp thành công của những "phim giờ vàng", VTV lại tiếp tục cho ra mắt một tác phẩm mới mang tên Mình Yêu Nhau Bình Yên Thôi từ nhà sản xuất SK Pictures.

Sinh Vật Gyeongseong: Park Seo Joon không cứu được nội dung nhạt nhòa

Nga Cao

Nga Cao

Mùa 1 của Sinh Vật Gyeongseong có diễn biến, nội dung vô cùng rời rạc. Có lẽ điểm gây ấn tượng duy nhất là visual "10 điểm" của những diễn viên trong phim.

Hãy nói lời yêu: Thước phim chữa lành của mỹ nam Jung Woo Sung

Nga Cao

Nga Cao

Nhân vật của Jung Woo Sung tìm cách vượt qua những trở ngại do khiếm thính để kết nối với mọi người trong bộ phim Hãy nói lời yêu (Tell Me You Love Me).

Welcome to Samdalri: Ji Chang Wook chữa lành khán giả

Nga Cao

Nga Cao

Welcome to Samdalri (Chào Mừng Đến Samdalri) mang đến tiếng cười và sự chữa lành cho người xem. Ji Chang Wook, người đóng vai Cho Yong Pil thu hút mọi chú ý.