Càng xem Hương Vị Tình Thân, tôi lại càng thương và xót xa cho số phận của ông Sinh cũng như bố Chiến “chó”. Hai người đàn ông ấy chẳng hẹn mà gặp, từ chỗ lạnh nhạt, dè chừng đối phương thành những người bạn “tri âm” bất đắc dĩ của nhau. Tôi dùng từ tri âm là bởi họ cùng chia sẻ với nhau một điều - thương con hết mực nhưng đều bất hạnh.
Trong tập 36 Hương Vị Tình Thân phần 2, ông Sinh lặn lội khắp nơi đi tìm Chiến “chó” vì muốn giữ lời với bố của hắn. Rõ ràng là bố ruột Nam chẳng cần phải làm điều đó, nhưng ông vẫn nhất quyết thực hiện, phần vì thấy áy náy, phần vì mong bố Chiến được an lòng. Và sâu xa hơn nữa, tôi nghĩ ông Sinh hiểu được nỗi lòng của một người cha trông ngóng con là như thế nào, nên muốn giúp bố Chiến tìm con trai.
Mà đâu chỉ giúp đỡ bình thường, ông Sinh còn thường xuyên hỏi han, quan tâm rồi còn mua gạo cho bố Chiến. Nghe câu nói của ông Sinh, bố Chiến như rụng rời: “Ông yên tâm đi, nếu có có sống hay chết, tôi vẫn sẽ cố gắng đưa nó về với ông”.
Bố gã vẫn đứng ở cổng, nhìn xa xăm trông ngóng con về. Người đàn ông hàng ngày vẫn hay chửi bới, độc miệng với Chiến, hóa ra lại là một người cha thương con hết mực. Tôi còn nhớ hồi ông ở bệnh viện để điều trị, thấy Chiến cứ suốt ngày nay đây mai đó để kiếm tiền, ông chỉ đòi về quê, thậm chí muốn buông xuôi sự sống vì sợ con gặp tai họa.
Xúc động hơn cả là lời tâm sự của ông với con trai: “Từ hôm mày đưa bố mày lên đây, đêm nào bố cũng nằm mơ thấy người ta đánh mày. Sợ lắm, có ngủ được đâu. Thôi, cho bố về đi. Suốt ngày, mày đi đánh nhau để lấy tiền chữa trị cho bố mày. Đến lúc bố mày sống, mày đi thì bố sống làm gì?”. Trước giờ, tôi chỉ thấy bố Chiến chửi bới, cọc cằn và đó là lần đầu tôi thấy ông nhẹ nhàng, hiền từ đến vậy. Bởi sâu bên trong, ông cũng giấu nỗi khổ tâm cho riêng mình.
Kể từ ngày đó, đến tận bây giờ, bố Chiến vẫn luôn canh cánh trong lòng những chuyện trong quá khứ, ân hận vì những gì đã làm với con trai. Chiến thì trách bố suốt ngày mắng chửi, đuổi đánh khiến tuổi thơ của mình bất hạnh, rồi phải lao vào con đường trở thành tay anh chị. Bố gã cũng đau đớn chẳng kém, ông ý thức được rằng vì bản thân mình mà con khổ.
Trong cuộc tâm sự với ông Sinh, bố Chiến lần đầu bình tĩnh để trải hết lòng mình: “Cả đời tao đối xử với con tao không ra gì. Nó ra cái nông nỗi như ngày hôm nay, cũng là lỗi do tao hết.” Thế nên, ông vẫn nuôi hy vọng con trai còn sống và sẽ có ngày gã trở về.
Nghĩ đến cảnh sự sống của Chiến “chó” cứ mong manh, còn bố của hẳn ngày ngày nuôi hy vọng mà tôi thấy thương cảm vô cùng. Suy cho cùng, thứ ông khao khát duy nhất là có thể nhìn thấy con trai trở về, hoàn lương và sống một cuộc đời bình thường, an yên như bao người khác.
>>> Xem thêm: Hương Vị Tình Thân: 3 năm Huy mới nhận ra mình là người thay thế?
Còn với ông Sinh, hoàn cảnh của người cha ấy còn đáng thương hơn nhiều. Vì phải “bóc lịch” oan 20 năm mà ông chẳng thể nhận mặt Nam. Đến khi được trả tự do, ông Sinh vẫn 5 lần 7 lượt từ chối nhận con, chỉ vì muốn Nam được hạnh phúc và an toàn.
Quá khứ đầy tội lỗi của bản thân khiến ông Sinh lo sợ sẽ ảnh hưởng đến con gái. Nên dù Nam có phát hiện ra ông chính là cha ruột của mình, ông Sinh đã phải đi cầu xin Long che đậy sự thật này. Còn gì đau khổ hơn khi con gái trước mặt, nhưng không thể ôm ấp, yêu thương, chăm sóc, thậm chí là nhận mặt con. Hiểu được sự hy sinh ấy của ông Sinh nên tôi cảm thấy thương ông vô cùng.
“Tôi và Chiến đã nhúng chàm, nên nhiều lúc muốn hoàn lương, lo cho gia đình. Nhưng không phải muốn là được”. Ông Sinh tâm sự với bố Chiến, trong lời nói ấy tôi cảm thấy sự đau khổ và day dứt.
Nhắc đến con cái, ông Sinh lại chẳng thể kìm được xúc động: “Tôi cũng có một đứa con. Cũng chỉ vì quá khứ lầm lỗi mà không dám nhận nó, không được chăm sóc cho nó”. Trong khi bố Chiến ân hận vì ruồng rẫy con trai thì ông Sinh lại quặn thắt bởi quá khứ tù tội mà không thể được nhận con.
Đây có lẽ là cảnh phim hội tụ đủ những sự bi ai nhất của Hương Vị Tình Thân từ đầu tới giờ. Một khuôn hình mà chứa quá nhiều sự đau khổ, dằn vặt, bất hạnh. Hai người đàn ông ấy đều thương con hết lòng hết dạ, nhưng chưa một lần được nói ra và cũng chưa bao giờ được nhận lại thứ tình thân ấy.
Đối với tôi, cảnh quay này xúc động chỉ sau phân đoạn ông Sinh lẳng lặng bỏ về giữa đám cưới Nam vì phát hiện lão Tấn và bà Sa. Khi ấy, tôi đã khóc sưng cả mắt vì lối diễn quá đời của nghệ sĩ Võ Hoài Nam. Ông đưa nhân vật chuyển biến nội tâm một cách mượt mà, khiến cho người xem ứa nước mắt khi nhìn thấy bố Sinh đi từ chỗ hạnh phúc, háo hức đến bàng hoàng, sợ hãi, dằn vặt rồi cuối cùng phải lặng lẽ ra về trong luyến tiếc.
>>> Xem thêm: Hương Vị Tình Thân: Nam được xây dựng thành cô tiên hàn gắn gia đình
Càng nghĩ tôi lại càng thương ông Sinh và bố Chiến. Chẳng biết đến khi nào, hai ông bố bất hạnh này mới có thể nếm được chút hương vị của tình thân. Sao cuộc đời họ cứ mãi long đong, lận đận, cô đơn và bất hạnh đến vậy? Nhất là bố Sinh, ông phải chạm đáy nỗi đau tới bao nhiêu lần nữa mới thấy được hạnh phúc đây?
*Bài viết của Hoa Lê gửi về DienAnh.Net.
Ghiền Hương Vị Tình Thân thì bạn nhớ đừng quên follow Vũ Trụ Phim Ảnh VTV để cập nhật những thông tin phim ảnh, chuyện hậu trường của các phim Việt Nam giờ vàng VTV1 - VTV3 nhanh nhất, chính xác nhất nhé!
Facebook - bình luận