Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tà áo dài vẫn luôn giữ vững vị thế của mình và là trang phục truyền thống lâu đời, đại diện cho nước Việt Nam ngàn năm văn hiến. Chẳng những đẹp mà áo dài Việt còn được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, thì tôi nghĩ chẳng có lý do gì mà các nàng hậu Việt không mang quốc hồn quốc tuý của chúng ta đi thi quốc tế cả.
Nhìn vào chặng đường chinh phục đấu trường nhan sắc của Việt Nam, tôi cảm thấy tự hào khi nhiều mỹ nhân khoác lên mình tà áo dài được thiết kế cầu kỳ, tỉ mỉ để phô diễn nét đẹp quê hương tới bạn bè quốc tế.
Lần đầu tiên Việt Nam tham gia Miss Universe 2008, Hoa hậu Thuỳ Lâm đã khoác lên mình tà áo dài mang tên Vũ Khúc Hạc tựa như chiếc long bào quyền quý. Từng chi tiết trên tà áo dài được thêu tay, đính kết cầu kì, tỉ mỉ, chạm trổ tinh xảo khiến bạn bè quốc tế trầm trồ. Tại cuộc thi ấy, Thuỳ Lâm lọt top 15 chung cuộc và trở thành 1 trong 10 người đẹp sở hữu trang phục dân tộc đẹp nhất mùa giải.
Người kế nhiệm cô là Trương Thị May cũng mang bộ áo dài được lấy cảm hứng từ hoa sen thanh tao - quốc hoa của Việt Nam. Cũng trong mùa giải năm ấy, người đẹp 8X được Missosology bình chọn trong top 10 trang phục dân tộc ấn tượng và là trang phục đẹp nhất châu Á.
Lần lượt sau đó, Hoa hậu Diễm Hương, Á hậu Võ Hoàng Yến cùng mang niềm tự hào đi chinh chiến quốc tế. Nếu bộ cánh của Diễm Hương lấy cảm hứng từ dân tộc miền núi phía Bắc với hoạ tiết thêu tay thổ cẩm tinh tế thì Võ Hoàng Yến lại chơi lớn với hình ảnh rồng được tạo hình tỉ mỉ, tinh tế ngay chính giữa áo dài.
Song khiến tôi ấn tượng hơn cả có lẽ là bộ cánh của Phạm Hương. Tà áo dài của nàng hậu Hải Phòng được lấy cảm hứng từ chim hạc và lá trúc do NTK Thuận Việt thực hiện. Từng đường may, thêu vô cùng chi tiết, chỉn chu. Điểm nhấn của bộ trang phục là chiếc mấn hạc màu vàng tuyệt đẹp.
>>> Xem thêm: Vương miện của Mai Phương và dàn Hoa hậu Việt đăng quang năm 2022
Dù không may mắn lọt top 15 và tôi phải công nhận bộ cánh khá chìm khi trình diễn trên sân khấu với theme màu đen trùng với màu áo dài, nhưng tôi vẫn phải thừa nhận chiếc áo dài năm đó của Phạm Hương là một hiện tượng. Cả làng giải trí phải bàn tán về thiết kế mà người đẹp khoác lên mình khi trình diễn trang phục dân tộc. Từ thần thái cho tới cách trình diễn của mỹ nhân 8X đều khiến cho tà áo dài trở nên sang trọng, quý phái và nâng lên tầm cao mới.
Tại cuộc thi Miss Grand International 2017, Huyền My khiến fan Việt nở mũi khi diện áo dài nặng 30kg trình diễn trên sân khấu. Thiết kế này được trạm trổ tinh tế, với màu đỏ nổi bật cùng những hoạt tiết hoa văn hoàng gia màu xanh - vàng. Nhờ bộ cánh này mà nàng Á hậu lọt top 10 chung cuộc và là 1 trong 10 thí sinh có National Costume xuất sắc nhất.
Sau Huyền My 1 năm, Phương Nga đã đem bộ áo dài Ngũ Phụng Tề Phi đi tham gia cuộc thi tương tự và nhận được nhiều lời tán dương. Nổi bật của thiết kế này là phần cầu vai được cách điệu, cùng chiếc mấn đội đầu hình phượng hoàng lung linh.
Nối tiếp truyền thống từ đàn chị, Tường San tự hào mang bộ áo dài Rồng Chầu Mặt Trời đi thi Miss International 2019. Cô lọt top 8 chung cuộc và là chủ nhân của giải thưởng Best National Costume. Thực sự, tôi thấy nàng Á hậu gốc Hà thành chẳng khác nào cành vàng lá ngọc, vương giả quý tộc. Bởi từng chi tiết trên áo dài truyền thống của cô đều được thêu, chạm trô tỉ mỉ, cầu kì, hoành tráng. Chiếc mấn đội đầu cũng được cách điệu, tựa như vầng hào quang.
>>> Xem thêm: Ngọc Châu và dàn Hoa hậu Việt 2022 diện trang phục biển
Đối với tôi, tà áo dài dù được cách tân ra sao vẫn mang một nét đẹp dịu dàng, e ấp của người con gái nước Nam cùng tinh thần truyền thống của dân tộc Việt. Chính vì vậy, chẳng cần sáng tạo gì xa xôi, cho ô dề, phức tạp, cứ mang áo dài đi thi quốc tế lại khiến tôi cảm thấy ưng mắt hơn rất nhiều.
* Bài viết của Hoa Le chia sẻ tại box Sao Việt
Nếu bạn là fan sắc đẹp và muốn cập nhật tin tức giải trí Vbiz hot nhất , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận