Những ngày qua, mình thấy netizen xứ Trung đang bàn tán rất xôn xao về một nội dung được cho là quy tắc mà “Quảng Điện” đặt ra đối với các nhà làm phim. Dù chưa phải là chính thức nhưng hãy cùng Tiểu Hạnh Thảo xem qua đã nhé.
>>>Xem thêm: 20 phim Trung view khủng nhất hè 2021: Châu Sinh Như Cố thua thảm hại
Thứ nhất, những đề tài phim bị cấm sản xuất và cấm chiếu
Dựa theo “danh sách đen” mà blogger chia sẻ, Tiểu Hạnh Thảo đã thấy xuất hiện toàn những đề tài phim ăn khách nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Trước tiên là phim cung đấu. Dòng phim này có một đặc điểm là đã hot thì rất hot, như Hậu Cung Chân Hoàn Truyện, Như Ý Truyện hay Diên Hi Công Lược đều trở thành kinh điển. Nhưng điểm yếu của chúng là thường gây ra tranh cãi nhiều về nội dung và trang phục, bởi nó liên quan đến vấn đề sử sách.
Mình ủng hộ việc không được chiếu những phim khai thác về những mảng tối học đường, nhưng sao mà cả phim tình yêu học trò cũng bị cấm thế nhỉ? Chắc hẳn có rất nhiều người như mình, vì từng xem phim thanh xuân học đường như Vườn Sao Băng, Điều Tuyệt Vời Nhất Của Chúng Ta, Gửi Thời Thanh Xuân Ngây Thơ Tươi Đẹp, Hạ Chí Chưa Tới, Xin Chào Ngày Xưa Ấy... mà bước vào con đường “đu Cbiz”. Nếu như không có thể loại này, xem chừng làng phim ảnh Hoa ngữ sẽ mất đi một lượng lớn khán giả đó.
Đúng vào thời điểm các mỹ nam Cbiz đổ xô đi đóng phim đam mỹ thì truyền ra thông tin rằng dòng phim sẽ bị cấm triệt để. Thật ra, khoảng 2 năm trước đây, những kịch bản này đã bị hạn chế, khó lên đài, kiểm duyệt gắt gao nhưng giờ thì có lẽ sẽ cấm tiệt luôn. Tiểu Hạnh Thảo đoán, việc đưa ra quyết định như trên là bởi dòng phim này đang ngày càng ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ và hành động của khán giả. Đặc biệt là “ship couple” nam – nam, đôi khi quá khích sẽ thành phản cảm, thậm chí gây ra nhiều cuộc tranh cãi không đáng có. Điển hình phải kể đến Trần Tình Lệnh và Sơn Hà Lệnh.
Đâu chỉ có vậy, Quảng Điện còn có lệnh cấm đối với phim có đề tài hồi sinh chuyển kiếp, sư đồ luyến, yêu kẻ thù của gia tộc... Đến đây thì Tiểu Hạnh Thảo ngớ người thật nè, chẳng phải những bộ phim cổ trang hay tiên hiệp đang làm mưa làm gió mấy năm nay đều chứa nội dung như vậy hay sao?
Hầu hết những cái tên đình đám như Triệu Lệ Dĩnh, Dương Mịch, Địch Lệ Nhiệt Ba, Dương Tử, Nhậm Gia Luân, Bạch Lộc, Bành Tiểu Nhiễm... đều nhờ đóng phim như này mà “bạo hồng”. Chưa kể, dòng phim tiên hiệp còn được lựa chọn là điểm khởi đầu của không ít ngôi sao trẻ mà tương lai muốn đi “con đường lưu lượng”.
Ngoài ra, còn có lệnh cấm với phim đề tài tình yêu giữa người và yêu tinh hay người và robot; có yếu tố không dành cho trẻ con và phim xuyên không. Cộng thêm với việc hạn chế phim hoạt hình đã được công bố trước đó. Như vậy, nếu chiếu theo tiêu chuẩn mới thì chúng ta chắc chỉ xem phim tài liệu và ngôn tình 3 xu mà thôi. Tuy trong quy tắc trên chưa có phim bách hợp nhưng mình đảm bảo, chỉ cần 1 bộ nổi tiếng là sẽ bị “gắn cờ” ngay thôi.
>>>Xem thêm: Những bộ phim Trung Quốc kinh điển nhất 10 năm qua
Thứ hai, những quy định về việc đặt tên phim truyền hình
Không chỉ có quy tắc về sản xuất phim, Tiểu Hạnh Thảo còn quan tâm đến hàng loạt quy định đặt tên cho các bộ phim. Về việc này cũng có vô vàn từ ngữ phải tránh đấy. Nếu thông tin này đúng thì từ biên kịch đến đạo diễn và cả những bên liên quan cứ tha hồ mà “dò” xem có vi phạm quy định không nhé.
Để giúp các bạn có thể hình dung ra một cách dễ dàng nhất, Tiểu Hạnh Thảo sẽ trình bày theo hướng đưa ra quy định đặt tên phim, kèm theo đó là lấy ví dụ cụ thể từ tên của những bộ phim mà mình biết. Nghe thì hơi khó hiểu chứ thực ra đọc xong những dòng sau đây, bạn sẽ rõ liền ý mà.
Đầu tiên, tên phim sẽ không được chứa loạt danh từ phong kiến “Đế - Hậu - Phi”, như Đế Vương, Đế Hoàng, Hoàng Hậu, Phượng Hậu, Hoàng Phi... Ví dụ là Khuynh Thế Hoàng Phi, Song Thế Sủng Phi, Đế Hoàng Thư (tên mới: An Lạc Truyện)... là không được nè. Bảo sao bây giờ mấy cái phim như này toàn đổi thành cú pháp “aaa + truyện”.
Tiếp theo, khi đặt tên phim không được dùng những danh từ mang hàm ý thê thảm, gây u buồn, thiếu đi năng lượng tích cực. Cụ thể như: bi thương (Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông); cô thành (Cô Thành Bế, sau đổi thành Thanh Bình Nhạc); cô đơn hay tịch mịch (Tịch Mịch Không Đình Xuân Dục Vãn); nói dối, hoặc hoang ngôn (Hoang Ngôn Chân Thám); phỉ (chữ “phỉ” như trong Hữu Phỉ); sát (chữ sát của Lưu Ly Mỹ Nhân Sát)…
Tên của những bộ phim truyền hình cũng không thể chứa hai chữ “Đại Thanh” hay là đi “cung đấu hóa” liên quan đến từ đó. Ví dụ: hậu cung (Hậu Cung Chân Hoàn Truyện, Hậu Cung Như Ý Truyện) hay công lược (Diên Hi Công Lược, Thứ Nữ Công Lược sau đổi thành Cẩm Tâm Tựa Ngọc)...
Không được dùng những từ ngữ về “ma giới” hay “yêu ma” như: bán yêu (Bán Yêu Khuynh Thành), ma đạo (Ma Đạo Tổ Sư) hay quỷ, ma nữ (Bạch Phát Ma Nữ)...
Hay là loạt danh từ “gần sát giới hạn, lệch trọng tâm”, có thể hiểu như là nhắc đến giới tính cụ thể: mỹ nhân (Mỹ Nhân Tâm Kế, Mỹ Nhân Vô Lệ), tiểu thư (Tiểu Thư Quạ Đen Và Tiên Sinh Thằn Lằn, Đứng Lại Hoa Tiểu Thư), mỹ nam (Mỹ Nam Đương Triều), tướng quân (Tướng Quân Ở Trên Ta Ở Dưới)...
Xưa nay, nhiều nhà làm phim còn có kiểu dùng những từ mang ý nghĩa “phóng đại” như: cự tượng (Cự Tượng là tên cũ của bộ Trúc Mộng Tình Duyên), thiên hạ (Thả Thí Thiên Hạ), đệ nhất (Thiên Hạ Đệ Nhất Mai Mối).... Giờ thì không được dùng nữa đâu, Tiểu Hạnh Thảo dự là bộ Thả Thí Thiên Hạ (Tranh Thiên Hạ) của Dương Dương hay Thiên Hạ Trường Hà (La Tấn) chắc phải đổi tên mới được lên sóng nè.
Đâu chỉ có vậy, đặt tên phim còn phải tránh động chạm đến hai chữ “Trường An” nữa, bởi đây là một tên riêng chỉ địa danh, có thể gây ra tranh cãi. Trước kia có Trường An Nặc, Trường An 12 Canh Giờ, nhưng hàng loạt bộ “Trường An” sau đó để được ra mắt trong năm nay đều phải đổi tên, như Trường An Như Cố thành Châu Sinh Như Cố, Mộng Tỉnh Trường An đổi sang Dữ Quân Ca.
Cuối cùng, những từ ngữ động chạm đến các điều nhạy cảm của cuộc sống thường ngày cũng không được dùng nốt. Như: bán nhà (Nữ Nhân Bán Nhà sau đổi thành Chuyên Gia Nhà Đất), Đạo Mộ (Đạo Mộ Bút Ký), hôn nhân (Kết Hôn Rồi Bắt Đầu Yêu, Chỉ Là Quan Hệ Hôn Nhân), danh lợi...
>>>Xem thêm: Thần Điêu Đại Hiệp 1995 và 4 phim cổ trang kinh điển nhất mọi thời đại
Có vô vàn những từ ngữ trước nay đều dùng để đặt tên, thậm chí phim còn tạo nên cơn sốt thì bây giờ chẳng ai dám nhắc nữa. Tiểu Hạnh Thảo tưởng tượng, nếu như có ai không xem phim Hoa ngữ tầm hơn 1 năm thôi chắc sẽ “tối cổ” từ khi đọc tên phim mất. Để không bị đau đầu mỗi lúc chọn tên phim, mình nghĩ các biên kịch xứ Trung cứ thống nhất thành công thức, kiểu như: “Bộ phim này dài xx tập, do aa và bb đóng, rất hay, rất đáng xem”, hay là mình đánh phim như đánh biển số xe ý.
Suy đi tính lại, mình cảm thấy thật may mắn vì đã kịp xem xong cả loạt phim sư đồ luyến, ngược luyến tàn tâm, bi thương, luân hồi chuyển kiếp, các thứ, các thứ rồi. Chứ không Quảng Điện mà ban hành thật thì tiếc phải biết luôn á.
*Bài viết do Tiểu Hạnh Thảo gửi về DienAnh.Net
Nếu yêu thích làng giải trí Hoa ngữ thì ngại gì không vào trang mạng xã hội DienAnh.Net để xem thêm nhiều bài viết hay khác, có đủ thể loại từ phim đến sao luôn nè.
Facebook - bình luận