x

Đăng nhập

Comming soon...

Review phim

Âu Mỹ

Raya And The Last Dragon: Bản hòa âm ánh sáng hùng hồn đậm nét Á Đông

Hoa Le 10:30 - 10/07/2021

Raya and the Last Dragon là bộ phim đầu tiên của Disney khai thác văn hóa Á Đông. Sau rất nhiều những nàng công chúa phương Tây, cuối cùng tôi cũng đã được thấy một nàng công chúa gốc Á. Điều này không chỉ khiến tôi hào hứng mà còn vô cùng tò mò liệu rằng các nhà làm phim có đủ am hiểu và khắc họa chân thực nhất chất liệu phương Đông lên phim hay không. Câu trả lời sẽ có ngay trong bài review dưới đây. 

Câu chuyện về tình đoàn kết - cốt lõi trong văn hóa Á Đông

Bộ phim mở ra với một truyền thuyết cổ xưa, khi con người và loài rồng chung sống hòa thuận. Lấy bối cảnh tại Kumandra - vương quốc từng hưng thịnh nay bị chia cắt thành 5 khu vực là Long Vĩ, Long Cốt, Long Trảo, Long Tâm và Long Nha. Lý do là bởi 500 năm trước, thế lực hắc ám tên Druun xuất hiện, lấy đi sinh khí và biến con người thành đá. 

Trước sự xâm lăng của Druun, loài rồng đã hy sinh thân mình để tạo ra viên ngọc thần trước khi cuộc chiến làm chúng hóa đá. Vị thần rồng cuối cùng là Sisu (Awkwafina) đã mang viên ngọc đến cứu cả nhân loại. Thế nhưng sau chiến tranh, sự biến mất của loài rồng và viên ngọc thần lại là cái cớ khiến cho các bộ tộc mất đi sự hoài thuận, quay ra đấu đá, ganh ghét, nghi kỵ lẫn nhau. Kumandra đứng trước nguy cơ tan rã, bị chia cắt giữa 5 bộ tộc. 

Từ nhỏ, Công chúa Raya (Kelly Marie Tran) của Long Tâm đã được cha là thủ lĩnh Benja (Daniel Dae Kim) dạy để trở thành người bảo vệ viên ngọc. Ông muốn con gái có thể thực hiện lý tưởng thống nhất Kumandra trong sự hòa bình. Thế nhưng trong buổi tiệc kết tình hữu hảo của các bộ tộc, Raya và cha rơi vào bẫy của tộc Long Nha, khiến viên ngọc thần bị vỡ thành 5 mảnh. Những tộc khác đã mang 4 mảnh đi mất. Viên ngọc thần bị mất, Druun quay lại và bắt đầu hoành hành. Cha của Raya bị hóa đá, giờ đây cô mang trong mình trọng trách tìm thần rồng cuối cùng để hàn gắn viên ngọc thần đã vỡ và cả mối quan hệ giữa các bộ tộc. Cuộc hành trình ấy sẽ thử thách cô về lòng can đảm và đặc biệt là niềm tin vào con người. 

Nội dung phim khá dễ hiểu mà đối với tôi là phù hợp với cả đối tượng người lớn cũng như trẻ em. Các câu thoại trong phim không quá ấn tượng nhưng bù lại đem lại cảm giác dễ chịu, dễ tiêu hóa. Lấy tình đoàn kết giữa con người với con người, giữa các bộ tộc với nhau, bộ phim gửi gắm thông điệp mà tôi cho rằng đậm chất Á Đông đó là “đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”. Điều này giúp khán giả châu Á dễ dàng có cảm tình và tiếp nhận bộ phim một cách dễ dàng.

Tràn ngập văn hóa Á Đông

Hiếm có bộ phim hoạt hình nào của Hollywood lại mang đậm màu sắc Á Đông mà cụ thể là Đông Nam Á như Raya and the Last Dragon. Theo tôi được tìm hiểu, đoàn làm phim đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu thực địa tại các nền văn hóa như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và cả Việt Nam. Bên cạnh đó, kịch bản còn được chắp bút bởi biên kịch người Mỹ gốc Việt - Quý Nguyễn. Nên tôi tin tưởng rằng những đường nét Đông Nam Á trong phim được tìm hiểu, nghiên cứu một cách chỉn chu và bài bản. 

Mở đầu, phim giới thiệu về trận chiến của loài rồng và Druun thông qua mô phỏng các con rối bóng - loại hình biểu diễn phổ biến của Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Cuộc sống của Kumandra được bao bọc bởi những con sông, cơn mưa, những món ăn chua cay ớt sả đậm đà, những cảnh núi non hùng vĩ, hoang sơ. Từ trong phục, lối kiến trúc, cho đến tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên cùng nếp sống gắn liền với sông nước,... đã khiến tôi hoàn toàn bị thuyết phục và cảm thấy gần gũi biết bao. Đây chính là nét Á Đông mà tôi mong chờ bao lâu nay để được nhìn thấy trên màn ảnh rộng. 

Bên cạnh đó, trong các cảnh đấu võ của Raya, không khó để nhìn ra được cô đã sử dụng những quyền cước rất quen thuộc như Muay Thái, Arnis (võ gậy Philippines), Lethwei (quyền anh Myanmar) và cả Vovinam của Việt Nam nữa. Đây đều là những thế võ nổi tiếng, đặc trưng của Đông Nam Á. 

Âm nhạc trong phim cũng được tạo nên từ những nhạc cụ thô sơ, truyền thống của các quốc gia Á Đông, khiến tôi chỉ cần nghe qua thôi cũng hình dung ra được bộ phim đang đưa mình đến với nét văn hóa nào. 

Đồ họa của phim cũng là điều khiến tôi phải thốt lên sửng sốt vì sự hùng vĩ, tráng lệ và mỹ miều của nó. Chắc chắn tôi phải dành lời tán dương đối với đội ngũ hậu kỳ của phim khi tạo ra được những thước phim đẹp đến nao lòng như thế. 

>>> Xem thêm: Cruella: Tạo hình nịnh mắt thật sự, Emma Stone diễn xuất quá đỉnh

Dàn nhân vật tròn trịa, đủ điểm nhấn. 

Đối với tôi, Raya and the Last Dragon đem đến một hệ thống nhân vật vừa vặn, không dư thừa cũng không thiếu hụt, ai cũng được thể hiện cá tính riêng của mình. Nhân vật chính Raya là một nàng công chúa đặc biệt nhất trong số những công chúa Disney mà tôi từng biết đến. Ở cô hội tụ đủ những yếu tố của sự trưởng thành khi từ nhỏ Raya đã thiếu vắng tình thương của mẹ, phải thấm nhuần tư tưởng thế giới đại đồng. 

Mặc dù lớn lên trong sự lừa lọc của thế giới xung quanh nhưng cô vẫn níu lại được những điều tốt đẹp nhờ học theo cha đức tính thân thiện, hào hiệp và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm. Thế nhưng, trên cuộc độc hành của Raya, tôi vẫn nhìn thấy ở cô sự dè chừng nhất định. Diễn biến tâm lý này có lẽ là hoàn toàn thuyết phục, bởi một người đã nếm trải đắng cay cùng sự bẽ bàng khi đặt sai niềm tin thì khó lòng có thể lấy lại ngay được sự tin tưởng đối với những người xung quanh. 

Thay vì kể cho chúng ta nghe một mối tình đôi lứa của hoàng tử và công chúa, Disney lại lựa chọn về cuộc đối đầu của Raya và Namaari (Gemma Chan) - công chúa của tộc Long Nha. Cô cũng mang trong mình sự mạnh mẽ, kiên định giống Raya nhưng lại cực đoan hơn rất nhiều. Cô từ nhỏ thiếu đi tình cha và lớn lên trong sự hiếu chiến của mẹ. Nhưng cô không biết rằng, chính bản thân mình lại là quân cờ trong tay của mẹ. 

Mặc dù bên ngoài là kẻ thù của nhau nhưng nhìn sâu thẳm bên trong, tôi cảm giác hai cô gái này là một, bởi họ đều khao khát được kết nối và đem đến sự phồn vinh, hòa bình cho dân tộc của mình. Trên hành trình tranh đấu của 2 nàng công chúa, tôi còn thấy xuất hiện rất nhiều nhân vật phụ khác. Nhưng thật may mắn vì họ không làm loãng cốt truyện mà bất cứ ai cũng có một ký ức phía sau về sự mất mát người thân, điều này càng củng cố cho động lực phục hưng của Raya thêm mạnh mẽ. 

Và để hàn gắn lại những mất mát và niềm tin vào con người của những nhân vật ấy, Sisu - thần rồng cuối cùng xuất hiện. Nhân vật này làm tôi liên tưởng đến niềm tin thuần khiết nhất sâu bên trong con người. Vẻ bề ngoài lạc quan, ngây thơ luôn tìm cách để hàn gắn các mối quan hệ theo hướng tích cực nhất, nhưng cô lại là chất xúc tác tuyệt vời lên các nhân vật khác. 

>>> Xem thêm: Bom tấn Venom 2 tung trailer đầy mùi "cà khịa" Spider-Man

Nói tóm lại, Raya and the Last Dragon là một bộ phim xuất sắc, đem lại cho tôi trải nghiệm thị giác ở mức tuyệt đối. Bên cạnh đó, câu chuyện đậm nét Á Đông mang đến cho tôi sự gần gũi, dễ đồng cảm. Đây là một tác phẩm mở đường cho các nhà làm phim phương Tây trên hành trình khám phá địa hạt Đông Nam Á. Và tôi hy vọng rằng trong tương lai, mảnh đất màu mỡ này ra tiếp tục được phát triển và đưa lên màn ảnh rộng.

Phim Chiếu Rạp là chuyên mục mà chúng mình khai thác đặc thù về tất cả các phim đã đang và sắp chiếu. Nơi bạn có thể tìm kiếm mọi thứ về điện ảnh từ các bài tham khảo, phân tích, đánh giá, nhận định đến bàn tán, cung cấp thông tin… một cách nhanh chóng, chính xác và dễ hiểu nhất. Là một “mọt phim” có tâm, chúng mình sẽ mang đến cho các bạn những bài viết hay và thú vị nhất.

Đừng quên theo dõi fanpage DienAnh.Net để cập nhật tin tức mới nhất về làng giải trí nhé!

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Trẻ trâu không đùa được đâu: Đậm chất rock, tình cảm “gà bông”

Nga Cao

Nga Cao

Trẻ trâu không đùa được đâu là bộ phim Thái Lan xây dựng câu chuyện về thiếu nhi và thanh thiếu niên. Tác phẩm có nhiều điểm đáng nhớ dù tồn tại thiếu sót.

Paris Has Fallen: Bộ phim hành động cực đã, cuốn hút từng tập trên K+

Hải Lệ

Hải Lệ

Lấy bối cảnh Paris, các tập phim Paris Has Fallen trên K+ xoay quanh âm mưu của một kẻ khủng bố cực đoan với kế hoạch đe dọa an ninh quốc gia và chính phủ Pháp.

Công tử Bạc Liêu gần gũi với thế hệ gen Z như thế nào?

Nga Cao

Nga Cao

Phim điện ảnh Công tử Bạc Liêu - Tác phẩm mới của Song Luân hứa hẹn thu hút đối tượng khán giả gen Z vì khắc họa tính cách nam chính Ba Hơn trẻ trung, gần gũi.

Làm Giàu Với Ma: Phim kinh dị còn nhiều thiếu sót của Hoài Linh

Nga Cao

Nga Cao

“Làm giàu với ma" - phim có Tuấn Trần, NSƯT Hoài Linh đóng chính kết hợp phong cách tình cảm - gia đình với kinh dị.

Quỷ Ăn Tạng (Tee Yod): Vẫn giữ được sự rùng rợn của nguyên tác

Nga Cao

Nga Cao

Quỷ Ăn Tạng xứng danh là bộ phim kinh dị "nặng đô" đạt doanh thu cao nhất tại "Xứ Chùa Vàng", phim vẫn giữ được những điều cốt lõi của câu chuyện nguyên tác.

Quỷ Cẩu: Truyền tải được nhiều thông điệp nhưng làm kỹ xảo chưa tốt

Lindo

Lindo

Quỷ Cẩu có nội dung chỉn chu, quy tụ dàn diễn viên thực lực của cả hai miền Nam - Bắc nhưng phần hiệu ưng, kỹ xảo của phim được làm chưa thực sự tốt.