Mới đầu năm nay, khán giả màn ảnh rộng đã phải chịu đựng một tác phẩm tệ hại, mượn danh Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du mang tên Kiều@. Tưởng đâu người chị em cùng nguyên tác là Kiều của đạo diễn Mai Thu Huyền sẽ phần nào khá khẩm hơn nhưng hoá ra lại vẫn là trời sinh một cặp “thảm hoạ". Không biết có phải trùng hợp ngẫu nhiên hay không nhưng độ dở của hai bộ phim này cũng “tương đồng" nhau một chín một mười khó mà phân bì.
>> Xem thêm: Kiều: Ngập cảnh gây "nóng", diễn xuất thảm họa, "rác" chẳng kém Kiều @
Phim Kiều: Kiều với những nét nội dung ngờ nghệch, lan man khó hiểu chẳng giống ai
Theo nhà sản của Kiều thì do 90 phút ra rạp không thể nào tái hiện được toàn bộ 15 năm truân chuyên của Thuý Kiều, nên bộ phim sẽ chỉ tập trung vào cuộc tình giữa ba nhân vật Thuý Kiều (Trình Mỹ Duyên) - Thúc Sinh (Lê Anh Huy) - Hoạn Thư (Cao Thái Hà). Bị đưa vào chốn phấn hoa, từ đây, cuộc đời Kiều như rẽ sang trang mới, đầy ngập đau khổ. May thay, vì có có được linh hồn Đạm Tiên (Mai Thu Huyền đảm nhận) phù hộ nên Kiều mới thoát khỏi cảnh bị vấy bẩn.
Trước một nhan sắc như hoa như ngọc của Kiều thế kia thì vẫn có gã khách làng chơi Hiền Bá đam mê và dùng đủ mọi chiêu trò để có bằng được. Còn nàng Kiều đã sớm trao con tim nhộn nhạo yêu đương này cho Thúc Sinh (Lê Anh Huy) - chàng thư sinh con nhà buôn lụa, vừa văn thơ giỏi giang lại hào hoa phong nhã.
Song, đời mấy ai biết được chữ ngờ, Kiều nhầm tưởng Thúc Sinh là định mệnh của mình nhưng hoá ra hắn cũng chỉ là tên đàn ông trăng hoa, ở nhà có vợ là Hoạn Thư nhưng vẫn buông lời ong bướm tán tỉnh Kiều rồi bảo dẫn nàng bỏ trốn. Phát hiện mình bị “cắm sừng", Hoạn Thư vốn tính hay ghen đã tìm đủ mọi cách để khiến cho cuộc sống của tất cả mọi người rơi vào bế tắc.
Tưởng chừng với một nội dung xoáy mạnh về tình cảm đôi lứa lâm li bi đát như thế sẽ có nhiều phân cảnh cảm động, nội tâm xúc động nhưng khi ra rạp thứ tôi được xem lại là một bộ phim hài đan xen những cảnh “tâm linh" huyền bí. Liệu bạn có còn nhớ lời hù doạ ngày xưa của bố mẹ, con nít không được nhặt kẹo ngoài đường vào buổi tối kẻo bị theo về nhà? Vâng câu chuyện này xảy ra thật ngay trong phim Kiều. Chỉ vì cô Kiều thành tâm thắp một nén nhang khiến Đạm Tiên xúc động nghẹn ngào đi theo cô về tận nhà, bảo vệ cô một đời một kiếp. Cả hai còn tạo ra cảm giác như phim bách hợp khi trao nhau những câu thoại vừa tình cảm vừa giận dỗi giống như các cặp đôi yêu đương.
Nói chẳng ngoa, Đạm Tiên đúng là duyên âm trong truyền thuyết của Thuý Kiều, nhất quyết không buông, cũng chẳng cho Kiều có được người yêu. Trong phim, Đạm Tiên được miêu tả tài phép tinh thông, dùng mảnh vải để chặn đứng những kẻ địch hay thậm chí “lục chỉ cầm ma" hô mưa gọi gió, tạo ra sóng biển. Thế nhưng tôi tự hỏi tại sao Kiều không nhờ Đạm Tiên mở khoá cửa hay thực tế hơn là biến ra vàng giúp Kiều chuộc cha có phải nhanh hơn không? Sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ Kiều như thế mà vẫn để nàng gặp phải trắc trở bao phen như vậy là sao?
Phim Kiều: Tình tiết truyện được biến tấu, Thúc Sinh tẩy trắng thành công
Theo đúng nguyên tác của truyện, cuộc đời của Kiều lâm vào chuỗi ngày đau khổ là do tên Mã Giám Sinh đểu cáng hại. Sau đó, Thuý Kiều “may mắn” gặp được Thúc Sinh, nhưng cũng chẳng thể nào khá khẩm hơn bởi hắn cũng chỉ là một gã làng chơi đội lốt thư sinh, một phút nhất thời đam mê nhan sắc của Kiều. Còn Trong phim của Mai Thu Huyền, đạo diễn đã cải biên hoàn toàn nhằm bảo vệ Kiều tới cùng. Không những thế, Kiều vào chốn phong trần mà cứ như hoa hậu, được Tú Bà cưng chiều hết mực, chiếm hết hào quang dù chỉ bán nghệ không bán cái khác. Cũng đúng thôi ai bảo Kiều là nhân vật chính cơ mà.
Rồi tới khi quyết định chuẩn bị bán cái khác, thì Kiều lại bỏ trốn theo trai mất tăm mất dạng, để lại Tú Bà hờn dỗi một cõi với đống nợ chẳng biết đòi ai. Và sau đó, khán giả sẽ chẳng thể nào được chứng kiến màn biến đổi tâm lý đặc sắc của cô Kiều như trong trích đoạn Kiều Ở Lầu Ngưng Bích như chúng ta đã học trong môn Ngữ văn ngày xưa, mà thay vào đó là những nhân vật được xem là “quan trọng hơn" như: em hầu gái được Kiều cưu mang, gã công tử phố núi kiêm giang hồ dạo Hiền Bá hay Hoạn Thư đau đớn dằn vặt khi mất chồng, Hoạn Bà buồn buồn tủi tủi vì mất rể…
Để nói về một chi tiết được mong chờ nhất trong Kiều với tôi đó chính là màn xử “tiểu tam” thế kỷ của Hoạn Thư. Có mấy ai dễ dàng chịu kiếp chung chồng nếu không phải do hoàn cảnh bắt buộc? Cái ghen của Hoạn Thư được Nguyễn Du miêu tả như lửa - "Lửa tâm càng dập càng nồng / Giận người đen bạc ra lòng trăng hoa". Và khi đến với Kiều thì nó lại nhạt như nước ốc, còn chẳng bằng mấy vụ drama bắt gian trên mạng trong thời gian gần đây.
Tiếp theo đó là màn tẩy trắng không thể sạch hơn của biên kịch dành cho Thúc Sinh vì dung hợp gã đàn ông này với Từ Hải làm một. Vậy nên, trong phim ta sẽ bắt gặp một Thúc Sinh văn hay võ giỏi, tài nghệ không thiếu thứ gì, tính tình lại hào sảng, coi trọng tài năng hơn nhan sắc. Nói vậy thôi chứ thực ra Thúc Sinh cũng chỉ là kẻ bám váy vợ, ở ngoài nuôi bồ nhí, về nhà đào mỏ Hoạn Thư.
Sau rất nhiều nỗ lực “buff” cho nhận vật này, bộ phim đã tô vẽ chuyện ngoại tình của Thúc Sinh và Thuý Kiều trở thành một cặp trai tài gái sắc rung động lòng người. Cuối cùng, mọi tội lỗi đều quy về hai người phụ nữ còn Thúc Sinh chỉ cần rơi vài ba giọt nước mắt vì “phụ" người là coi như xong. Phải chăng do nhan sắc của Thúc Sinh quá đỗi đẹp trai nên có thể tha thứ tất cả?
Tất cả những tình tiết này khiến người xem như tôi phải có cái nhìn lại về một tác phẩm mượn danh nguyên tác nhưng lại khiến câu chuyện gốc bị biến tướng đi rất nhiều.
>> Đừng bỏ lỡ: Review phim Song Song: Diễn xuất của Nhã Phương kéo tụt cả bộ phim
Phim Kiều: Nội dung phim rời rạc, kỹ xảo tệ, dàn diễn viên đơ không lối thoát
Mạch truyện được tôi kể lại sương sương như vậy nhưng thực ra khi xem phim mới thấy rõ các tình huống rời rạc, khiên cưỡng đến mức nào. Sự kiện sau đá sự kiện trước, như những mảnh ghép đơn lẻ bị nhồi nhét, dồn hết vào một bộ phim mang ra rạp. Chưa kể đến những màn chuyển cảnh tệ hại, âm thanh lồng tiếng không được trau chuốt nếu không muốn nói là cẩu thả. Yếu tố cứu vớt cuối cùng của bộ phim này là dàn diễn viên thì cũng chẳng đâu đến đâu.
Rất nhiều bình luận trên mạng khen rằng Cao Thái Hà thần thái, xinh đẹp là điểm cộng cho bộ phim nhưng đó là khi so với dàn diễn viên “siêu đơ" của Kiều. Còn nếu nhìn rộng ra cũng đầy điểm Hoạn Thư thể hiện rõ sự gượng gạo, nửa nạc nửa mỡ thương không ra thương, ác không ra ác nhưng đơ thì cả một rổ. Còn người đẹp Trình Mỹ Duyên và Phan Thị Mơ đúng là cặp chị em thân thiết, giống nhau từ nhan sắc xinh đẹp cho đến tài năng diễn xuất, biểu cảm trăm cảnh như một. Mặc cho Thuý Kiều là nhân vật trung tâm, có nhiều điểm sâu lắng trong cảm xúc và nội tâm, thêm vào đó là một câu chuyện đủ để khán giả đồng cảm, xót thương, nhưng Trình Mỹ Duyên lại biến cô Kiều trong văn thơ Nguyễn Du trở thành một nhân vật chỉ có phần nhìn.
Và cuối cùng là gã Thúc Sinh đẹp Trai Lê Anh Huy cũng không khá khẩm hơn là bao. Những gì mà chàng diễn viên đẹp trai này mang đến chỉ là một Thúc Sinh gượng gạo, ồn ào với nét diễn “siêu gồng” cần có đối với nhân vật này, ngược lại sự nho nhã, thư sinh khiến Kiều mê mẩn lại hoàn toàn mất tăm. Có lẽ điểm sáng duy nhất của cả bộ phim này chính là NSND Lê Khanh khi người nghệ sĩ gạo cội phải còng lưng mà gánh cả bộ phim như cái cách Hoạn Bà sống cả đời chỉ để gồng gánh gia tộc họ Hoạn. Song cuối cùng cũng đành lực bất tòng tâm chứng kiến thế hệ sau là Hoạn Thư, Thúc Sinh và Thuý Kiều phá nát.
Dành rất nhiều lời chê cho Kiều nhưng công tâm mà nói, tác phẩm này cũng là sự nỗ lực cố gắng của các nhà làm phim khi ý thức rút ngắn khoảng cách giữa văn học và điện ảnh. Đây không phải là một tác phẩm thành công trong số rất nhiều bộ phim chuyển thể nhưng Kiều cũng đang hoà mình vào dòng chảy, góp phần thúc đẩy cho các nhà làm phim tìm đến chất liệu văn học nước nhà đầy màu mỡ. Đây hoàn toàn là một mảnh đất vàng cần người khai phá nhưng một điều chắc chắn là không phải ai cũng có thể làm được nếu không đủ tâm và đủ tầm.
*Bài đóng góp của độc giả gửi về DienAnh.Net.
Đừng quên ấn follow DienAnh.Net để cập nhật những tin tức phim ảnh, chuyện hậu trường nhanh, chính xác nhất!
Facebook - bình luận