Kiều là bộ phim được ấp ủ bởi đạo diễn Mai Thu Huyền, do NSƯT Phi Tiến Sơn lên kịch bản, lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học nổi tiếng Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Là sản phẩm dựa trên một tác phẩm văn học cổ nhưng nhà sản xuất đã thổi hồn nhân vật có phần hiện đại, đây được coi là điểm trừ của Kiều. Song, bỏ qua những ồn ào, công bằng mà nói phim vẫn có những điểm sáng mình phải công nhận.
Cái nhìn mới về tuyến nhân vật
Bộ phim kể về cuộc sống của Kiều (Trình Mỹ Duyên) trong khoảng thời gian biến cố nhất cuộc đời, khắc họa câu chuyện tình ngang trái giữa cô, Thúc Sinh (Anh Huy) và Hoạn Thư (Cao Thái Hà). Phim không chỉ đi sâu vào phân tích tâm lý nhân vật chính mà còn khai thác rõ nét mọi tầng lớp trong xã hội bấy giờ.
Bộ phim khẳng định là được “lấy cảm hứng” chứ không phải dựa vào tác phẩm văn học kinh điển Truyện Kiều, nên đạo diễn có quyền nêm nếm “gia vị” cho bộ phim. Do đó, một số nhân vật đã được thêm thắt và gây tò mò cho khán giả, không biết rốt cuộc đạo diễn sẽ biến hóa các nhân vật ấy theo hướng nào. Nhưng cũng vì cải biên hơi quá tay đã làm cho sản phẩm Kiều có phần xa rời cốt truyện và không được lòng dư luận.
>> Xem thêm: Kiều: Mai Thu Huyền và nỗ lực phá hỏng tác phẩm của Nguyễn Du
Bối cảnh độc lạ
Việc tả cảnh thực từ tác phẩm văn học lên màn ảnh rộng không phải chuyện “ngày một ngày hai”. Bằng sự nỗ lực dài hơi của cả ê-kip, tác phẩm phải thực hiện các cảnh quay ở 5 tỉnh thành khác nhau là Huế, Cao Bằng, Quảng Bình, Quảng Trị và Phú Thọ trong suốt 60 ngày ròng rã. Trong đó, 70% cảnh được thực hiện tại Huế đã mang đến cho khán giả những cảnh quay thiên nhiên hùng vĩ, độc lạ của Việt Nam lần đầu xuất hiện trên màn ảnh Việt. Quả thực, với hành trình dài từ Bắc về Trung, đoàn làm phim đã thực hiện được mong muốn của mình khi Kiều xuất hiện những bối cảnh đẹp như tranh vẽ.
Diễn xuất tài năng của dàn diễn viên cạnh Kiều
Mặc dù đây là tác phẩm nói về nàng Kiều, tuy nhiên đa phần khán giả xem phim xong đều hướng về Hoạn Thư do Cao Thái Hà thủ vai. Có vẻ với kinh nghiệm diễn xuất khá dày dặn hơn bạn diễn, cô đã lột tả một cách chân thật được tâm lý người phụ nữ hay ghen tuông, vì quá yêu mà sinh hận.
Đặc biệt, phải kể đến sự góp mặt của NSND Lê Khanh trong vai Hoạn Bà, đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình. Nữ diễn viên gạo cội nhận được nhiều lời khen bởi cơ mặt, ánh mắt toát lên thần thái sang trọng cần có một quý bà giàu bậc nhất kinh kỳ nhưng bên trong lại đầy mưu mô. Bên cạnh NSND Lê Khanh, ca sĩ Phương Thanh cũng đã phác họa tròn vai phản diện của mình khi hóa thân thành một tú bà điêu ngoa, xấu xa.
Nhạc phim “cuốn” thực sự
Ca khúc chủ đề của phim do nữ ca sĩ Bùi Lan Hương thể hiện bằng chất giọng ma mị, cuốn hút. Mặc dù Kiều Mệnh Khúc chỉ vang lên khi kết phim, tuy nhiên chỉ cần vài chữ đầu được ca sĩ Bùi Lan Hương cất lên đã khiến khán giả không khỏi xuýt xoa, giúp không khí phim vẫn giữ được bản sắc thời xưa nhưng cũng có những nét chấm phá hiện đại tinh tế.
>> Xem thêm: Review phim Song Song: Diễn xuất của Nhã Phương kéo tụt cả bộ phim
Tóm lại, bỏ qua những chi tiết chưa hoàn chỉnh của phim thì mình thấy ưu điểm mà Kiều mang đến cũng khá thú vị, gây được tò mò cho người xem. Chỉ hơi đáng tiếc là giấc mơ “hiện đại hóa” các nhân vật trong Truyện Kiều của Mai Thu Huyền còn sơ sài, thực sự không khả thi. Hy vọng ở các dự án cổ trang sau, hay chuyển thể từ nguyên tác văn học, các đạo diễn sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong quá trình thực hiện. Nói chung là nếu bạn là người thích nguyên tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du thì có lẽ không nên xem Kiều, vì sẽ tức anh ách đấy. Còn nếu bạn chỉ mang tâm lý bình thản, chỉ vì muốn xem phim nên ra rạp, thì có thể chọn Kiều để giải khuây cuối tuần, có đề tài “trà dư tửu hậu” với bạn bè.
*Bài viết do độc giả gửi về DienAnh.Net
Còn bạn nghĩ sao? Nếu đã xem phim, hãy để lại cảm nhận bên dưới bình luận nhé!
Facebook - bình luận