Dracula: Quỷ dữ thức tỉnh (The Last Voyage of the Demeter) cải biên dựa trên một đoạn ngắn trong tiểu thuyết kinh điển Dracula của Bram Stoker. Lấy bối cảnh năm 1897, bộ phim mở màn với việc mọi người phát hiện ra con tàu chứa đầy xác chết trong một đêm tối và giông bão. Sau đó, người xem được tiếp cận Đội thủy thủ được dẫn đầu bởi Thuyền trưởng kỳ cựu Elliot (Liam Cunningham) và bạn đồng hành có đôi mắt u ám Wojchek (David Dastmalchian).
Bản thân đoàn thủy thủ này là một nhóm lính đánh thuê, đa nghi, yếm thế và bốc đồng. Họ háo hức chèo thuyền nhanh vì sẽ có phần thưởng cho họ nếu con tàu đến sớm. Tham gia cùng họ trong chuyến hành trình là một bác sĩ trẻ, được đào tạo tại Cambridge, Clemens (Corey Hawkins). Ban đầu, anh bị từ chối lên thuyền vì anh ăn mặc quá đẹp và tay không đủ thô.
Nhưng sau đó, Clemens đã cứu được cháu trai của thuyền trưởng Toby (Woody Norman) khỏi bị một chiếc thùng rơi xuống đè trúng nên anh được mời lên tàu. Sau đó, đoàn thủy thủ phát hiện ra Anna trốn lậu lên tàu (Aisling Franciosi). Không những thế, cô đang sống dở chết dở vì bệnh lạ với những dấu vết khả nghi trên cổ. Ngay sau khi được Clemens cứu chữa, cô cảnh báo họ về những gì sắp xảy ra về một con quỷ đáng sợ bậc nhất.
Dracula: Quỷ dữ thức tỉnh không ngại miêu tả các cảnh máu me, với những cú cắn xé man rợ. Đặc biệt, các cú Jumpscare (hù dọa) khi Dracula lẩn khuất trên chiếc tàu trong bóng đêm đem đến những pha thót tim cho người xem. Trò chơi mèo vờn chuột giữa Dracula và thủy thủ đoàn được dàn dựng theo cách của Alien tạo sự căng thẳng tối đa trước khi lên đến đỉnh điểm.
Ngoài ra, các câu chuyện của các thủy thủ đoàn khá lập thể. Ai cũng có cá tính và màu sắc riêng. Câu chuyện của Clemens là thu hút nhất. Anh có bằng y ở Cambridge và nhiều lần dùng cái đầu của mình để đối phó với mọi rắc rối. Anh bày tỏ, điều anh muốn làm nhất tìm hiểu thế giới này thay vì gái gú hay vì danh lợi như những người khác. Chính anh là người tận tình cứu chữa Anna bất chấp cô là dân đi lậu và mang bệnh trong người. Đó là tình tiết thấm đẫm tính triết lí và nhân văn của phim.
Song, có hai điểm mà mình cảm thấy thích chưa thích ở Dracula: Quỷ dữ thức tỉnh. Đó là nhịp độ phim tương đối chậm. Có thể đạo diễn Øvredal làm như vậy với ý định tạo ra bầu không khí hồi hộp theo phong cách slow-burn và nhắm đến yếu tố tâm lý. Phương thức này có thể hiệu quả và thích hợp hơn nhiều so với cách làm phim với tốc độ nhanh mà những tác phẩm kinh dị khác có thể thực hiện.
Nhưng không thể phủ nhận một số cảnh ở đây kéo dài quá lâu, với những tình tiết lặp đi lặp lại. Chẳng hạn những phân đoạn xoay quanh nhân vật cậu nhóc Toby hay khi các thủy thủ mất tích từng người một qua từng đêm. Họ bắt đầu hỗn loạn, nghi kị lẫn nhau và mất bình tĩnh. Lúc này, khán giả phát ngán khi cứ phải chứng kiến nhóm người này lục đục nội bộ mà không có cách thức khả dĩ nào đối phó với tình hình đang nguy cấp.
Hai là trận chiến cuối cùng giữa Clemens, Anna và những người còn lại vốn được lên kế hoạch rất kĩ lưỡng và bài bản. Nhưng khi chính thức lâm trận, mọi thứ diễn ra quá nhanh và sơ sài, kéo tuột sự háo hức và chờ đợi của khán giả. Phe Anna và Clemens không tạo ra được những điểm nhấn khác biệt như những gì họ dùng… võ miệng. Cuối cùng, cảnh kết thúc máy móc và rập khuôn mà ai cũng dễ dàng đoán trước.
Nhìn chung, Dracula: Quỷ dữ thức tỉnh sở hữu một cốt truyện thông minh, được sản xuất tốt. Phim sẽ làm hài lòng những người hâm mộ thể loại kinh dị của những thế hệ diễn viên từng đóng Dracula như Boris Karloff và Bela Lugosi, đồng thời mang đến sự tàn bạo, rùng rợn của thể loại ma cà rồng được xếp hạng R.
* Bài viết của Nga Cao chia sẻ tại box Mọt phim Review
Facebook - bình luận