x

Đăng nhập

Comming soon...

Review phim

Âu Mỹ

House Of Gucci: Bi kịch của đế chế thời trang hàng đầu

Hoa Le 10:00 - 24/02/2022

Kể về câu chuyện có thật, từng làm chấn động làng thời trang thế giới, liên quan tới gia tộc thời trang đình đám, với sự tham gia của dàn sao hạng A Hollywood, dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn tài hoa Ridley Scott. Với từng ấy yếu tố, House Of Gucci đã trở thành bom tấn khiến những người yêu điện ảnh phải xôn xao kể từ lúc công bố dự án. 

Tất nhiên, bộ phim vẫn khiến khán giả quan ngại nhiều điều. Tôi đã từng thắc mắc họ sẽ làm thế nào với một câu chuyện cả thế giới đã biết rõ từ diễn biến cho đến cái kết. Giờ sẽ chẳng còn gì để khiến người xem phải bất ngờ nữa rồi. 

Thế nhưng, House Of Gucci đã trả lại cho tôi một lời giải thích chẳng thể xuất sắc hơn. Không cần plot twist, cũng không gồng mình cố gắng để khán giả “sập bẫy”, Ridley Scott kể cho chúng ta một câu chuyện ai cũng biết nhưng hoá ra chúng ta chẳng biết điều gì. 

Chúng ta từng đọc ở đâu đó rằng năm 1978, Patrizia Reggiani (Lady Gaga) từ cô gái thuộc tầng lớp trung lưu ở Milan tình cờ quen được Maurizio Gucci (Adam Driver) - cậu ấm thông minh, điển trai của gia tộc thời trang bậc nhất thế giới. Họ kết hôn nhưng sau đó vì những mâu thuẫn, sóng gió tranh giành tài sản gia tộc mà Patrizia sẵn sàng “xử” luôn chồng mình. 

Nhưng thứ chúng ta không biết đó chính là câu chuyện phía sau của từng nhân vật, nguyên nhân sâu xa dẫn đến quyết định sai lầm chồng chất sai lầm của họ. Đạo diễn chọn cách đào sâu tâm lý của từng người trong gia tộc Gucci, từ vẻ ngoài giả tạo, hào nhoáng đến những giã tâm sâu thẳm bên trong họ. 

Thời lượng 45 phút đầu bộ phim có lẽ là những thước phim ấn tượng nhất, khi thông tin về các nhân vật lẫn mối quan hệ của họ được set up nhanh chóng. Cách chuyển cảnh duyên dáng, từ khoảnh khắc Patrizia tình cờ gặp Maurizio, bắt đầu cưa cẩm anh, cho đến khi chàng thiếu gia nhà Gucci bị cha từ chối chuyện kết hôn mà bỏ nhà sang ở đợ nhà người yêu. 

Tôi tin là rất nhiều khán giả cũng giống như tôi, ấn tượng với cảnh quay khi Patrizia rủ người yêu vào văn phòng làm việc để có một “cuộc yêu” bạo liệt rồi cắt một cái “bụp” sang cảnh tiếp theo, khi cô gái thuộc gia cấp trung lưu bước vào lễ đường, được chính thức làm dâu hào môn. 

Tuy nhiên, sang đến hồi 2, phim không còn giữ được phong độ này, rơi vào tình thế dàn trải, khiến bộ phim hơn 2 giờ đồng hồ nhưng dài như cả thế kỷ. Rồi bước vào hồi 3, nhịp phim đã lấy lại tốc độ cũ, nhanh gọn hơn nhưng nhìn tổng thể, nhịp toàn bộ phim bị thiếu cân đối. 

Nhưng bù lại, chúng ta có một dàn sao gồng gánh, tung hứng siêu duyên dáng. Jared Leto có lẽ là diễn viên có phần hoá trang ấn tượng nhất cả phim. Tôi không thể nhận ra nam tài tử điển trai trong hình hài một lão già bất tài, già nua, đồng bóng. Không chỉ tự độn thêm hàng chục ký mà Jared Leto còn cộng thêm cho bản thân cả vài chục tuổi.

Nhiều người chê Jared Leto hơi lố và phần trình diễn của anh có phần hời hợt, chưa xứng tầm năng lực của nam tài tử. Thế nhưng tôi lại cực thích nhân vật của anh. Chính cái accent Ý một cách cường điệu hoá, giễu nhại, cợt nhả của anh là một đặc sản của bộ phim. Chưa kể, anh còn là nhân vật thường xuyên tấu hài trong phim. 

Mà miếng hài của House Of Gucci nó nhẹ nhàng, duyên dáng như một miếng bánh scone, không ăn quen thì sẽ thấy nhạt, nhưng nếu đã hợp gu, biết cách ăn thì mê đến già. Giống như cách mà nhân vật Paolo Gucci (Jared Leto) mang bản thiết kế đến cho chú của mình Rodolfo Gucci (Jeremy Irons). Ai cũng rõ anh ta là kẻ bất tài, hay ảo tưởng về độ “chic” của mình nhưng không biết mức độ đến đâu, cho đến khi Rodolfo ghé tai cậu cháu quý hóa và nói: Đừng đem những bản thiết kế này cho bất cứ ai xem. 

Cùng với đó, tôi cũng cực kỳ thích diễn xuất của tài tử Al Pacino trong vai Aldo Gucci. Không hổ danh là sao hạng A Hollywood từng nhận giải Oscar, chỉ cần một ánh mắt, cái vắt tay lên trán, cúi sầm mặt xuống bàn, một khoảng lặng trong khoảng chừng 5 giây trước khi Aldo Gucci ký hợp đồng bán cổ phần của mình tại Gucci, đã cho thấy được sự cay đắng, đau đớn, phẫn uất của ông khi công ty gia đình rơi vào tay người khác. 

Chẳng biết có sự cố tình nào không hay tất cả đều là ngẫu ý mà Al Pacino (nam chính GodFather) lại tham gia House Of Gucci, kể về câu chuyện của nam chính Maurizio Gucci chẳng khác nào hành trình của Michael Corleone ngày đó. Tôi thấy một sự tương đồng giữa 2 nam chính của House Of Gucci và Godfather, khi cả 2 đều xuất phát điểm từ gia đình đặc biệt giàu có và quyền lực, ban đầu họ chọn chối bỏ cái gốc của gia đình để làm thứ mình muốn nhưng sau đó lại quay về gây dựng cơ ngơi vì 2 chữ “gia đình”. 

Đối với tôi, màn thể hiện của Adam Driver trong bộ phim này không phải xuất sắc nhất nhưng nó vừa đủ, dễ chịu, vừa vặn. Anh trái ngược hoàn toàn với thế giới cường điệu, hoàng nhoáng ngoài kia, một thiếu gia mộc mạc, thiện lương nhưng chịu nhiều áp lực từ họ của chính mình. Tôi thích nụ cười của Maurizio khi anh hồn nhiên nhìn đường phố trong giây phút mở đầu và kết thúc bộ phim. Đi một vòng tròn qua đủ loại sóng gió, anh vẫn giữ được sự thiện lành trong ánh mắt. Tôi thích cả gương mặt lạnh lùng, nghiêm nghị khi anh quyết tâm dứt Patrizia ra khỏi cuộc đời mình, coi cô ta là người xa lạ và bỏ ngoài tai thứ được gọi là kỷ niệm. 

Chính sự hồn nhiên, nét lạnh lùng của Maurizio là chất xúc tác tuyệt vời để cảm xúc của Patrizia trào dâng. Mọi người khen diễn xuất của tân binh Lady Gaga trong A Star Is Born bao nhiêu thì tôi nghĩ phải dành sự ngưỡng mộ gấp 10 cho cô ở House Of Gucci. Nữ diễn viên hoàn toàn lột xác, hoá thân trọn vẹn vào người đàn bà đa sầu đa cảm Patrizia. 

>>> Xem thêm: Review Bẫy Ngọt Ngào: Spotlight này là dành cho Minh Hằng

Đến tận lúc xem hết phim, tôi vẫn hoang mang không rõ cô ta muốn đào mỏ, muốn được yêu hay muốn có địa vị để cả xã hội phải tôn trọng. Ngẫm lại thì điều gì cũng đúng. Patrizia ở thuở còn mang họ Reggiani là một phụ nữ yêu điệu, đồng bóng và khôn khéo. Sau khi đổi họ Gucci, tất cả những nét tính cách ấy của cô ta đều được đẩy lên cực đại, trừ sự khôn khéo như trước.

Nhìn vào ánh mắt của Patrizia, chúng ta hiểu cô ta đang lo sốt vó khi khối tài sản đáng ra thuộc về mình lại chẳng được sử dụng chỉ vì người chồng quá đỗi hiền lành và khao khát chối bỏ cái gốc Gucci, chỉ vì anh mang nửa dòng máu Đức, chứ không hoàn toàn là người thuốc xứ Tuscany. Nhưng càng về sau, khi sự mất khôn của Patrizia khiến cục diện trở nên tồi tệ, kiểm soát quá đà khiến Maurizio ngộp thở, cô lại muốn mềm mỏng, khao khát giữ chân chồng. 

Và lúc này, chúng ta có thể suy ra cuộc thanh trừng chồng của Patrizia không hoàn toàn vì tiền, mà là bởi cô đang khao khát tình yêu. Người ta nói yêu quá thì hoá điên và Patrizia là người như thế. Cô muốn trừng trị người đàn ông mình yêu, người đã thề nguyền đi cùng cô đến suốt cuộc đời nhưng lại giữa đường thì phản bội. Cô mù quáng đến độ không nhận ra rằng chính bản thân mình đã bóp nghẹt sư tự do của chồng, làm mất đi sự tự tôn của anh ta, mà chỉ chăm chăm rằng anh ta là kẻ phản bội. 

Với một nhân vật tâm lý phức tạp như thế, Lady Gaga gần không thể thoát vai trong hơn 1 năm. Chính nữ ca sĩ từng chia sẻ: "Ngay cả khi châm điếu thuốc hoặc khuấy cốc cà phê, Gaga vẫn nhập tâm vào nhân vật với cảm giác say mê dữ dội. Mỗi lần cô ấy xuất hiện, bộ phim lại 'cháy' lên như có dòng điện chạy qua".

Tôi nghĩ chính sự nhập tâm này giúp Lady Gaga bỏ tội ác thật sự của Patrizia sang một bên để thấu cảm cho nỗi đau về tâm lý của cô khi bị phản bội. Nên tôi thích cách “Chị Dậu” chuyển từ người đàn bà khôn khéo, chiêu trò, điệu đà sang cô gái bắt đầu tập tành yêu đương, nếm vị ngọt của tình cảm, cho đến người phụ nữ thủ đoạn, dùng mọi cách để chiếm lấy những thứ mình muốn. Cách cô khuấy ly cà phê rồi gõ mạnh vào thành ly và dằn mặt tình nhân của chồng đầy thuyết phục: “Tôi không nhận mình là một người có đạo đức chuẩn mực, nhưng tôi là người rất công bằng.”

>>> Xem thêm:  Review Người Tình: Năm 2022 rồi mà vẫn làm phim kiểu 1900 hồi đó

Bên cạnh đó, ngôi sao Salma Hayak trong thầy bói Pina cũng khiến tôi phải bật cười nắc nẻ trong rạp. Nữ minh tinh chứng minh cho mọi người thấy dù ở một vai phụ siêu nhỏ, cô cũng có thể toả sáng. Tôi có cảm giác, vai Pina của cô còn hay hơn nhân vật chị đại Ajak trong Eternals. 

Cùng với kịch bản, diễn xuất thì trang phục, màu sắc, bối cảnh, âm nhạc trong phim cũng hay hết nước chấm. Các bộ trong phục cổ điển, mang tính biểu tượng của Gucci cách đây cả thế kỷ được phô diễn, khiến từng khung hình như một bữa tiệc fine dining thịnh soạn. 

Nếu phải chấm điểm cho House Of Gucci, con số mà tôi dành cho tác phẩm này sẽ là 8/10. Đây là một trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời mà tôi nghĩ bất cứ ai cũng nên có.

Bài viết được Hoa Le gửi về cho DienAnh.net

Theo dõi DienAnh.net để cập nhật tin tức phim ảnh mới và chính xác nhất.

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Trẻ trâu không đùa được đâu: Đậm chất rock, tình cảm “gà bông”

Nga Cao

Nga Cao

Trẻ trâu không đùa được đâu là bộ phim Thái Lan xây dựng câu chuyện về thiếu nhi và thanh thiếu niên. Tác phẩm có nhiều điểm đáng nhớ dù tồn tại thiếu sót.

Paris Has Fallen: Bộ phim hành động cực đã, cuốn hút từng tập trên K+

Hải Lệ

Hải Lệ

Lấy bối cảnh Paris, các tập phim Paris Has Fallen trên K+ xoay quanh âm mưu của một kẻ khủng bố cực đoan với kế hoạch đe dọa an ninh quốc gia và chính phủ Pháp.

Công tử Bạc Liêu gần gũi với thế hệ gen Z như thế nào?

Nga Cao

Nga Cao

Phim điện ảnh Công tử Bạc Liêu - Tác phẩm mới của Song Luân hứa hẹn thu hút đối tượng khán giả gen Z vì khắc họa tính cách nam chính Ba Hơn trẻ trung, gần gũi.

Làm Giàu Với Ma: Phim kinh dị còn nhiều thiếu sót của Hoài Linh

Nga Cao

Nga Cao

“Làm giàu với ma" - phim có Tuấn Trần, NSƯT Hoài Linh đóng chính kết hợp phong cách tình cảm - gia đình với kinh dị.

Quỷ Ăn Tạng (Tee Yod): Vẫn giữ được sự rùng rợn của nguyên tác

Nga Cao

Nga Cao

Quỷ Ăn Tạng xứng danh là bộ phim kinh dị "nặng đô" đạt doanh thu cao nhất tại "Xứ Chùa Vàng", phim vẫn giữ được những điều cốt lõi của câu chuyện nguyên tác.

Quỷ Cẩu: Truyền tải được nhiều thông điệp nhưng làm kỹ xảo chưa tốt

Lindo

Lindo

Quỷ Cẩu có nội dung chỉn chu, quy tụ dàn diễn viên thực lực của cả hai miền Nam - Bắc nhưng phần hiệu ưng, kỹ xảo của phim được làm chưa thực sự tốt.