Thời điểm cuối năm, không khí trên các nền tảng chiếu phim trực tuyến sôi động chẳng kém gì ngoài rạp. Ông lớn Netflix cũng vừa kịp “thả xích” cho hàng loạt bom tấn thi nhau leo top trending. Thế nhưng, giữa một rừng phim hành động, giật gân, “cháy nổ” được đầu tư khủng ấy, Tick, Tick… Boom! (Cạch, Cạch… Bùm!) lại là tác phẩm khiến tôi đặc biệt chú ý.
Bởi đây không chỉ đánh dấu sự trở lại của tài tử Andrew Garfield mà còn tác phẩm đầu tay của “thiên tài Broadway” Lin - Manuel Miranda. Bộ phim kể về câu chuyện của Jonathan larson - cái tên quan trọng góp phần định nghĩa nhạc kịch ở Broadway những năm 90 với tác phẩm Rent.
Mặc dù Rent nổi tiếng toàn thế giới nhưng ít ai biết được rằng đằng sau tác phẩm ấy là cuộc đời đầy sóng gió, thăng trầm của Larson. Ông cống hiến hết mình cho nghệ thuật nhưng cuộc đời lại éo le khi Larson qua đời từ khi còn rất trẻ do tắc thành động mạch chủ.
Đan xen yếu tố chuyển thể và tiểu sử trong cùng một tác phẩm
Trước khi Jonathan Larson qua đời và được trao 3 giải Tony, 1 giải Pulitzer, ông từng viết ra những tác phẩm kinh điển nhưng khi mới ra đời lại chẳng ai muốn đón nhận, ngoài Rent, đó còn là Tick, Tick… Boom!. Một vở nhạc kịch chẳng lộng lẫy, sa hoa, không được trình diễn ở sân khấu lớn và kể về khủng hoảng tuổi 30 của chính nhân Jonathan Larson. Chính vì yếu tố này, nên với tôi, bộ phim của Lin - Manuel Miranda có thể coi là một tác phẩm chuyển thể, nhưng cũng là phim tiểu sử.
Khi mới đến với công chúng, Tick, Tick… Boom! được trình diễn dưới hình thức “độc diễn rock” vô cùng mới mẻ. Và tên ban đầu của nó là 30/90, nghĩa là 30 tuổi vào năm 1990. Larson (Andrew Garfield) ngồi bên cây đàn piano, ngân nga những giai điệu anh viết cho cơn khủng hoảng của chính mình.
Cũng giống như bao người khác, Larson cũng bị áp lực tuổi tác, gánh nặng “cơm áo gạo tiền” đè lên đôi vai. Anh khao khát được đến với giấc mơ Broadway nhưng đời đâu như mơ khi anh liên tục thất bại. Người bạn thân của anh là Michael đã có công việc mới, chuyển tới căn hộ xa hoa ở bờ Đông rực rỡ, cô bạn gái Susan cũng dần nhận ra Larson chẳng có tương lai, nếu anh cứ tiếp tục mơ mộng thì họ nên dừng lại.
Đối với tôi, điểm đáng khen của bộ phim này là sự liên kết chặt chẽ giữa quá khứ và hiện tại. Thông qua các bài hát, những vở nhạc kịch, tác phẩm kể về câu chuyện cuộc đời Larson một cách mượt mà, không khiến tôi bị loạn các chiều kích thời gian, dễ dàng theo dõi và cảm nhận.
>>> Xem thêm: Shang-Chi: Nội dung nhạt nhòa, Lương Triều Vỹ "gánh team"
Sự tỏa sáng của Andrew Garfield
Với màn hóa thân thành Jonathan Larson đầy thuyết phục, Andrew Garfield xứng đáng được khán giả khen ngợi và tán dương hết lời. Nhờ màn trình diễn của anh, tôi có thể cảm nhận được sự lém lỉnh, hài hước và tràn đầy năng lượng của Larson trong cuộc sống, đồng thời hòa vào những nốt trầm, mảnh vụn vỡ khi tan giấc mộng của anh.
Khoảnh khắc vở nhạc kịch Larson bỏ ra 8 năm để hoàn thiện bị từ chối đã khiến cho cơn khủng hoảng tuổi 30 của anh như trào dâng. Cộng thêm áp lực từ bạn thân, người yêu, Larson đã có lúc muốn bỏ cuộc, vứt lại tất cả. Nhân vật chính đã luôn tự trách bản thân và so sánh mình với thần tượng Stephen Sonheim rằng ông ấy có vở diễn đầu tiên ở Broadway năm 27 tuổi còn anh chẳng có gì.
Tôi rất thích chi tiết khi Larson tham gia cuộc khảo sát cho một công ty quảng cáo của Michael để có tiền làm nhạc kịch. Anh tỏa sáng với khả năng tạo được câu punchline đi vào lòng người, ý tưởng thú vị, insight sâu sắc. Điều đó khiến trong phút chốc, Larson từng nghĩ mình có thể làm quen dần với công việc này để được trả tiền. Cám dỗ về một cuộc đời tài chính ổn định, có thể sẽ đánh cắp đi đam mê nghệ thuật, khiến anh quên rằng mình phải dấn thân vào ước mơ của mình.
>>> Xem thêm: Review tóm tắt phim Red Notice 2021 (Lệnh Truy Nã Đỏ)
Bên cạnh Andrew tôi còn đặc biệt ấn tượng với Robin de Jesus trong hóa thân anh chàng Michael - người bạn thân của Larson. Ở Michael là sự duyên dáng, hài hước của một anh chàng LGBT, sự thấu hiểu, quan tâm của một người bạn thân. Phân cảnh anh chàng phát hiện mình bị mắc bệnh xã hội do yêu đồng giới khiến tôi như chết lặng. Lúc nào anh cũng là người chín chắn, trưởng thành và đưa ra lời khuyên thực tế cho Larson. Khoảnh khắc anh nói mình đã mắc bệnh và chẳng còn sống được bao lâu như một cú tát thật mạnh vào Larson khiến anh nhận ra, hoàn cảnh của anh không phải là tuyệt vọng nhất.
Tick, Tick… Boom! như lời nhắn gửi cho những kẻ mộng mơ đang lao vào đam mê với nghệ thuật như những con thiêu thân. Tác phẩm đặt ra cho người xem những trăn trở về thực tế và ước mơ, về cuộc đời những con người tài hoa đã cống hiến cả một đời cho nghệ thuật nhưng lúc sinh thời chưa một lần được công nhận. Tôi nghĩ rằng, tác phẩm này xứng đáng có một đề cử Oscar năm nay cho đạo diễn và cả nam chính Andrew Garfield.
Bài viết của Hoa Lê trên DienAnh.net
Nếu bạn yêu thích các bộ phim Hollywood và muốn hóng hớt showbiz thì hãy theo dõi DienAnh.net để cập nhật những bài viết mới nhất và cùng ngồi tám với tui nhé!
Facebook - bình luận