Đôi khi việc chúng ta cần làm những lúc gặp chuyện đau lòng là buông bỏ và ra đi. Nhưng trước cả hai hành động đó là việc cố gắng hết sức để chuyển hóa nỗi buồn thành hạnh phúc vì chỉ những ai đã thực sự nếm trải mùi vị của khổ đau đủ nhiều mới xứng đáng được hưởng niềm hạnh phúc trọn vẹn tuyệt vời nhất.
Trước khi buông tay hãy nghĩ đến những gì mình còn có thể cố gắng
Câu chuyện rằng: Ngôi chùa nọ có một thiền sư nổi tiếng đức cao vọng trọng. Một hôm, có một người tiều tụy buồn bã đến tìm nhà sư và hỏi: “Thưa thầy, con muốn buông bỏ đi một vài thứ khiến con đau khổ mà không thể, con mệt mỏi quá.”
Sau một lát, nhà sư đưa cho người ấy một cốc nước và bảo hãy cầm nó. Đoạn ông liên tục rót nước sôi nóng vào cốc, nước chảy tràn ra cả tay làm người này bị phỏng, người này buông tay làm vỡ cốc.
Lúc này nhà sư từ tốn nói: “Đau rồi tự khắc sẽ buông!”
Vấn đề là tại sao phải đợi đến khi mình bị tổn thương thật sâu sắc rồi mới chịu buông tay?
Tại sao không buông trước khi mình tổn thương sâu sắc hơn?
Hôm sau, một người khác dáng vẻ sầu não không kém người đầu tiên tìm đến nhà sư và nói: “Bạch thầy, con muốn buông xuôi đi vài thứ nhưng sao do dự quá, con mệt mỏi vô cùng.”
Nhà sư lại đưa người đó một cái cốc và bảo cầm, đoạn ông rót đầy cốc trà nóng vừa mới pha xong.
Người đó nóng quá nhưng vẫn không buông tay, mà chuyển từ tay này sang tay kia cho đến khi nước trong cốc nguội đi rồi mới uống và cảm nhận thấy rất ngon.
Lúc này nhà sư từ tốn nói: “Cứ đau là buông thì con đã bỏ lỡ những cái tốt đẹp sau đó rồi!”
Nỗi buồn hay những điều gây nên phiền muộn và sự thống khổ là các cảm xúc cơ bản của con người. Vấn đề là tại sao cứ đau buồn thì chúng ta nhất định phải buông bỏ trong khi còn có thể làm cho nó trở nên tốt đẹp hơn.
Nhiều thứ chưa chắc sẽ trở nên tốt hơn nếu cứ thấy đau là buông
Sau một sự cố gây ra đổ vỡ trong tình cảm hoặc trong bất kỳ một mối quan hệ mật thiết nào thường có hai cực phản ứng đối lập xuất hiện trong tâm trí chúng ta. Đôi khi chúng sẽ xuất hiện vào cùng một khoảnh khắc giống nhau nhưng phần lớn là phản ứng tích cực sẽ đến sau phản ứng tiêu cực và một số trường hợp khác thì chỉ có những cảm xúc tiêu cực làm chủ toàn bộ tâm thức một người khi chính họ còn chưa cố gắng phát hiện ra những mặt tích cực ẩn sâu bên trong một nỗi đau gây ra bởi ngoại cảnh hay từ một người khác.
Khi chúng ta thực tập thiền định, hãy đem sự tập trung hướng trở vào những gì đang diễn ra ngay lúc này, trong giây phút hiện tại: Một hơi thở vào – ra đều đặn, một cử chỉ nhỏ trong lúc ta đang thở như bặm môi hay nháy mắt, một ý nghĩ vụn vặt, một cảm xúc vi tế hay thậm chí là bản thân của sự tự nhận thức.
Tập trung hơi thở ra - vào ở thời điểm “ngay bây giờ”
Khi tinh thần của chúng ta trở nên vững vàng hơn, ta sẵn sàng chấp nhận mọi xúc chạm của giác quan đối với ngoại cảnh và dễ dàng để chúng đến và đi theo đúng bản chất tự nhiên nhất. Tuy rằng vẫn sẽ xuất hiện những ràng buộc với hai loại phản ứng là xua đuổi và dính mắc, chi phối hầu hết những suy nghĩ trong tâm thức chúng ta thường ngày.
Nhưng với sự chú tâm và điều chỉnh nhận thức của mình liên tục, ta chấp nhận bất kỳ sự việc nào xuất hiện trong đời, sẵn sàng thả lỏng ý thức của bản thân về chúng và không để chúng có cơ hội lôi kéo tâm trí ta đi theo một dòng chảy được - mất thông thường. Một số thời điểm tuy sẽ không có sự vật, hiện tượng gì biến mất nhưng ta không hề bị ràng buộc hay dính mắc vào bất cứ điều gì đến và đi, đó chính là ta đang thực tập buông bỏ.
Hãy liên tục chú tâm và tỉnh thức trong từng phút giây
Con người cần phải có niềm tin và đặt nhiều hy vọng vào cuộc sống thì mới mong đạt được nhiều thành tựu to lớn. Cái chúng ta cần xem xét là chấm dứt sự ràng buộc giữa những suy nghĩ của mình với các cảm giác khó chịu hay thất vọng liên tiếp trong công việc hoặc các mối quan hệ mà ta đang có.
Hãy cứ để chúng diễn ra theo lẽ tự nhiên và dùng tâm trí được rèn luyện trong chú tâm và tỉnh thức để tách biệt và đứng bên ngoài quan sát chúng. Kết cục là chúng sẽ biến mất theo đúng bản chất vô thường của vạn vật hữu tình và cái chúng ta đạt được là sự kiên nhẫn tuyệt vời cùng một niềm tin mạnh mẽ vào sức mạnh tâm trí của bản thân
Facebook - bình luận