Chào mừng mọi người đến với phần 2 của bài viết về 12 thương hiệu phim kinh dị Hollywood vô cùng đình đám và ấn tượng với khán giả xem phim nói chung cũng như các fan yêu thích dòng phim kinh dị nói riêng. Ở phần 1, chúng ta đã cùng nhau điểm qua 6 thương hiệu kinh dị nổi tiếng bao gồm Final Destination, The Ring, Resident Evil, Underworld, Saw và Paranormal Activity.
Tuy không phải thương hiệu kinh dị nào cũng có thể giữ được ánh hào quang mỗi khi trở lại công chiếu trước công chúng, nhưng chúng ta phải công nhận rằng mỗi thương hiệu đều sở hữu những nét đặc trưng và điểm nhấn riêng từ nội dung cốt truyện cho đến hình thức thể loại. Đây cũng chính là điều giúp cho người xem có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tìm kiếm ra dòng phim kinh dị phù hợp với sở thích của bản thân. Hãy cùng Kido tiếp tục khám phá 6 thương hiệu kinh dị cũng không kém phần nổi bật còn lại nhé.
>>Xem thêm: 12 phim kinh dị thương hiệu ở thế kỷ 21 (phần 1)
7. Cloverfield (2008 - 2018)
Số phần: 3
Tổng kinh phí sản xuất: 90 triệu USD.
Tổng doanh thu: 279,5 triệu USD.
Đánh giá:
Gây ấn tượng mạnh với khán giả ngày từ phần đầu tiên, thương hiệu kinh dị quái vật ngoài hành tinh Cloverfield (tạm dịch: Thảm Hoạ Diệt Vọng) đã từng không chỉ được đánh giá cao về nội dung cũng như cách khai thác cốt truyện mà còn được xem là một đối thủ đáng gờm khi đặt lên bàn cân với những thương hiệu phim kinh dị đương thời.
Với ở phần Cloverfield thì bộ phim được thực hiện theo phong cách giả tài liệu cực kỳ thịnh hành lúc bấy giờ và điều đáng nói hơn là khi cả nội dung kịch bản lẫn doanh thu của phim đều nhận về những tín hiệu đầu tiên rất khả quan cũng như là bàn đạp giúp các nhà sản xuất cân nhắc xây dựng Cloverfield trở thành một thương hiệu phim ảnh đầy tiềm năng.
Và 8 năm sau, 10 Cloverfield Lane (tạm dịch: Căn Hầm) ra mắt công chúng, tuy không nối tiếp chuỗi sự kiện ở Cloverfield, thế nhưng phần 2 của thương hiệu Thảm Hoạ Diệt Vong lại đạt được nhiều thành công vang dội, thậm chí được giới phê bình và khán giả đánh giá cao hơn cả phần đầu.
Phong độ giữ vững chưa được bao lâu thì loạt phim “ngã ngựa” với sự trở lại của phần 3 mang tựa đề The Cloverfield Paradox (tạm dịch: Hiểm Họa Trạm Không Gian) được Netflix mua lại và phát hành trên hệ thống xem phim trực tuyến của mình. Bộ phim hoàn toàn bị giới phê bình lẫn công chúng lạnh nhạt, đây được xem là một bước đi lùi trầm trọng của thương hiệu Cloverfield. Phần tiếp theo của loạt phim vẫn đang trong quá trình sản xuất và được trông chờ sẽ vực dậy thương hiệu Thảm Hoạ Diệt Vong sau một cú “flop” ê chề năm nào.
8. Insidious (2010 - 2018)
Số phần: 4
Tổng kinh phí sản xuất: 26,5 triệu USD.
Tổng doanh thu: 555 triệu USD.
Đánh giá:
Insidious (Tạm dịch: Quỷ Quyệt) là thương hiệu phim kinh dị tâm linh nổi tiếng được nhào nặn bởi bàn tay ma thuật của đạo diễn James Wan. Ra mắt công chúng vào năm 2010, bộ phim Insidious ngay lập tức đã tạo được tiếng vang lớn bởi cốt truyện xoay quanh câu chuyện tâm linh xuất nhập hồn gây ám ảnh người xem.
Ngay khi nhận phản hồi từ những tín hiệu đáng mừng của bộ phim về mặt nội dung lẫn doanh thu, các nhà sản xuất đã nhanh chóng bật “đèn xanh” cho việc xây dựng Quỷ Quyệt trở thành một thương hiệu kinh dị đầy triển vọng.
Dù thương hiệu Insidious vẫn giữ phong độ về mặt doanh thu, tuy nhiên chất lượng của loạt phim càng về sau càng bị giới phê bình và công chúng đánh giá khá thấp. Phải chăng việc rời ghế đạo diễn của James Wan ở phần 3 và phần 4 là nguyên nhân khiến loạt phim giảm sút về nội dung chất lượng hay thương hiệu Insidious cần một bước chuyển mình đầy táo bạo hơn nữa mới có thể chinh phục giới phê bình lẫn công chúng? Tất cả sẽ được giải đáp khi phần 5 của Insidious trở lại vào một ngày không xa.
9. The Conjuring (2013 - 2021)
Số phần: 8
Tổng kinh phí sản xuất: 179,5 triệu USD.
Tổng doanh thu: 2,1 tỷ USD.
Đánh giá:
Ra mắt vào năm 2013, bộ phim kinh dị tâm linh The Conjuring (tạm dịch: Ám Ảnh Kinh Hoàng) của đạo diễn James Wan đã trở thành một cú hit lớn đối với dòng phim kinh dị nói riêng và kinh đô điện ảnh Hollywood nói chung.
Không chỉ nội dung cốt truyện mà doanh thu của phim cũng nhận về những tín hiệu tích cực và đáng mừng từ giới phê bình lẫn khán giả đại chúng. Đây cũng chính là lý do mà các nhà sản xuất đã quyết định xây dựng The Conjuring trở thành một thương hiệu phim kinh dị “tỷ đô” hay còn gọi là The Conjuring Universe (Vũ trụ Ám Ảnh Kinh Hoàng) bội thu bậc nhất ở dòng phim kinh dị của Hollywood.
Từ tuyến truyện chính của The Conjuring, các nhà làm phim tiếp tục khai thác sản xuất thêm những phần tiền truyện, hậu truyện, dị truyện cũng như các phần phim xoay quanh loạt nhân vật quỷ ám xuất hiện trong The Conjuring điển hình như Annabelle, The Nun (Valak), hay The Crooked Man,…
Ở mỗi phần phim, ngoài giữ nguyên độ kinh dị thì việc nội dung và nhân vật được thay đổi một cách phù hợp nhằm tránh gây nhàm chán cho người xem cũng chính là lý do khiến vũ trụ kinh dị Ám Ảnh Kinh Hoàng sở hữu tổng doanh thu cao ngất ngưỡng khi so với dòng phim kinh dị nói riêng và kinh đô điện ảnh Hollywood nói chung. Dù có sự chênh lệch về chất lượng nội dung kịch bản tùy thuộc mỗi phần phim nhưng nhìn chung, loạt phim The Conjuring đã trở thành thương hiệu thành công nhất về mặt doanh thu ở thế kỷ 21.
>>Xem thêm: Halloween, Insidious, Hereditary và các thể loại phim kinh dị (P2)
10. The Purge (2013 - 2021)
Số phần: 5
Tổng kinh phí sản xuất: 53 triệu USD.
Tổng doanh thu: 516 triệu USD.
Đánh giá:
Vào năm 2013, sau khi được công chiếu, The Purge (tạm dịch: Ngày Thanh Trừng) đã nhận về vô vàn ý kiến trái chiều xoay quanh nội dung cốt truyện không kém phần thú vị và táo bạo mà bộ phim đã mang đến cho khán giả tại thời điểm đó. Dù sở hữu kịch bản mới lạ khi so với mặt bằng chung các phim kinh dị đương thời nhưng sau cùng, The Purge chỉ nhận về những đánh giá trung bình từ giới phê bình lẫn khán giả cho chất lượng của bộ phim.
Tuy nội dung phim gây tranh cãi khá nhiều nhưng nhờ vào tín hiệu khả quan đến từ doanh thu của phần đầu tiên mà các nhà làm phim, nhà sản xuất đã quyết định xây dựng Ngày Thanh Trừng trở thành một thương hiệu phim kinh dị “ăn nên làm ra” suốt một khoảng thời gian sau đó.
Bằng chứng là từ phần 2 trở đi, nội dung kịch bản của phim dần được đánh giá tốt hơn cũng như mang về doanh thu tăng dần qua mỗi phần phim về sau. Tính đến thời điểm hiện tại, sau khi cho ra mắt The Forever Purge (tạm dịch: Cuộc Thanh Trừng Vĩnh Viễn) trong năm nay đã giúp nâng tổng doanh thu của thương hiệu The Purge chạm mốc nửa tỷ đô, gấp 10 lần so với tổng kinh phí làm phim.
11. IT (2017 - 2019)
Số phần: 2
Tổng kinh phí sản xuất: 105 triệu USD.
Tổng doanh thu: 1,17 tỷ USD.
Đánh giá:
Không chỉ gây ấn tượng mạnh với giới phê bình lẫn khán giả công chúng vào năm 2017, bom tấn It (tạm dịch: Chú Hề Ma Quái) còn sở hữu doanh thu lên đến 700 triệu USD, trở thành bộ phim kinh dị có doanh thu cao nhất trong lịch sử. Chính vì tín hiệu đáng mừng này mà các nhà sản xuất đã quyết định xây dựng It trở thành loạt phim kinh dị đầy tiềm năng để trở thành một thương hiệu kinh dị “tỷ đô” mới ở Hollywood.
Dẫu sau 2 năm, khi phát hành phần tiếp theo, tổng doanh thu của thương hiệu Chú Hề Ma Quái đã cán mức hơn 1 tỷ USD, thế nhưng chất lượng lẫn doanh thu của It Chapter Two (tạm dịch: Gã Hề Ma Quái 2) lại là “một bước thụt lùi” của loạt phim.
Nguyên nhân của việc phần 2 nhận về rất nhiều ý kiến trái chiều bên cạnh doanh thu chỉ gần bằng ⅔ so với phần 1 có thể là do khoảng thời gian 2 năm để sản xuất phần tiếp theo thực sự chưa thỏa mãn được kỳ vọng của khán giả dành cho bộ phim. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể trông chờ vào phần tiếp theo, dù vẫn chưa có thông tin chính thức nào về việc thương hiệu It sẽ tiếp tục xây dựng phần 3, nhưng nếu điều này xảy ra thì sự trở lại của It sẽ đáng được mong đợi và một lần nữa có thể trở thành cú hit lớn đối với dòng phim kinh dị.
12. A Quiet Place (2018 - 2021)
Số phần: 2
Tổng kinh phí sản xuất: 78 triệu USD.
Tổng doanh thu: 645 triệu USD.
Đánh giá:
A Quiet Place (tạm dịch: Vùng Đất Câm Lặng) là một trong những bộ phim kinh dị “cá kiếm” ở mảng doanh thu. Ngay phần đầu tiên, bộ phim đã được giới phê bình và công chúng đánh giá cao về nội dung kịch bản, đồng thời với việc mang lại doanh thu 350 triệu USD đã khiến cho nhà sản xuất nhanh chóng “bật đèn xanh” xây dựng Vùng Đất Câm Lặng thành một thương hiệu kinh dị “tỷ đô” một ngày không xa.
Ngoài nội dung hấp dẫn thì diễn xuất của dàn diễn viên trong phim cũng đã góp phần không nhỏ cho thành công chung của A Quiet Place. Dù phần 2 bị ảnh hưởng khá nhiều bởi đại dịch Covid-19, tuy nhiên, sau khi được công chiếu ở những cụm rạp ít chịu ảnh hưởng của đại dịch thì bộ phim vẫn phát huy được tối đa khả năng chinh phục phòng vé khi mang về gần 300 triệu USD.
Đây có thể được xem là một trong những thương hiệu phim kinh dị vô cùng tiềm năng và được đánh giá cao. Chúng ta hoàn toàn có thể trông đợi vào phẩn 3 của loạt phim sẽ làm nên chuyện, thậm chí sở hữu doanh thu bùng nổ hơn nếu không phải chịu ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành ở nhiều khu vực trên thể giới như thời điểm hiện tại.
>>Xem thêm: The Conjuring (2021) nhận không ít ý kiến trái chiều từ khán giả
*Bài viết của Kido gửi về DienAnh.Net.
Theo dõi DienAnh.Net để cập nhật tin tức phim ảnh mới và chính xác nhất.
Facebook - bình luận