Những bộ phim Hollywood luôn chinh phục người xem bởi những cảnh quay hùng vĩ, hoành tráng đến choáng ngợp. Thế nhưng, không phải lúc nào các nhà làm phim cũng dùng kỹ xảo để xử lý tất cả những cảnh quay. Rất nhiều những phân cảnh mang tính biểu tượng trong các bộ phim đình đám đều là “hàng thật" mà không hề có sự can thiệp của CGI. Hãy cùng mình khám phá bên dưới nhé.
Khủng long săn mồi Raptor trong Jurassic Park (1993)
Hầu hết những bộ phim về quái vật ngày nay đều sử dụng công nghệ để tạo được hình ảnh như mong muốn nhưng với siêu phẩm Jurassic Park thì không như vậy. Những con Raptor hung tàn trong phim thực chất là một hình nộm được con người mặc vào và điều khiển.
Để làm được điều này, tất nhiên các nhà làm phim đã phải dày công thiết kế một “bộ áo khủng long" thật đẹp mắt và chân thực. Để di chuyển sao cho giống dáng đi của khủng long cũng là một việc không hề dễ dàng đối với diễn viên. Dù vậy công sức của ekip đã được đền đáp xứng đáng khi Jurassic Park với những cảnh quay thót tim này luôn được nhắc đến như một tác phẩm kinh điển trong lòng người xem.
Quả cầu lửa trong Independence Day (1996)
Vào thời điểm ra mắt, bộ phim Independence Day được xem là một đỉnh cao của kỳ quan kỹ xảo điện ảnh. Vì thế, không nhiều người biết rằng, phân cảnh quả cầu lửa - một trường đoạn cực kỳ ấn tượng trong phim lại là một sản phẩm được tạo ra bằng cách thức vô cùng thủ công.
Để mô tả cảnh người ngoài hành tinh cho nổ tung một toà nhà cao tầng của thành phố, đạo diễn Roland Emmerich đã sử dụng mô hình được chế tác một cách chi tiết và cho nổ chúng bằng pháo hoa. Sau đó, ở giai đoạn hậu kỳ người ta sẽ làm chậm để cảnh quay trở nên chân thực hơn. Dù ngắn ngủi nhưng đây được xem là một trong những phân đoạn kỳ công nhất của dự án. Các nhà làm phim đã mất nhiều tháng mới có thể hoàn thành được chúng.
>>> Xem thêm: Sao The Exorcist và các diễn viên nhí thích đóng phim kinh dị
Xe tải giữa không trung trong Thor: The Dark World (2013)
Chúng ta đều biết rằng Marvel luôn rất mạnh tay trong việc chi tiền để những bộ phim siêu anh hùng của mình sở hữu kỹ xảo hiện đại và tiên tiến bậc nhất. Thế nhưng, ở tập phim Thor: The Dark World, vị đạo diễn Alan Taylor đã có một quyết định vô cùng táo bạo khi lựa chọn dùng “hàng thật" cho cảnh quay của mình.
Đó là phân đoạn lũ trẻ phát hiện một chiếc xe tải quay tròn giữa không trung. Để thực hiện điều này, ekip đã chuẩn bị một bộ khung máy gắn quanh chiếc xe và quay nó bằng một bộ điều khiển từ xa. Có thể thấy, ngay cả khi đã thử thách mình đến thế thì tác phẩm này của Marvel vẫn vô cùng xuất sắc và ấn tượng.
Xe tải 18 bánh lộn nhào trong The Dark Knight (2008)
Trong trường đoạn đuổi bắt giữa Người Dơi và Joker, một chiếc xe tải 18 bánh to tướng đã bay lên không trung sau va chạm và lật một vòng trước khi đáp xuống đất. Các nhà làm phim đã sử dụng một đạo cụ đặc biệt gắn trên xe để giúp cổ của nó lật đúng thời điểm thích hợp.
Không chỉ vậy, thay vì diễn ra trên phim trường, phân đoạn này lại được quay trên chính đường phố Chicago. Một vài con đường đã được phong tỏa để phục vụ cho việc quay phim. Đến bây giờ khi xem lại, mình vẫn không thể nào tin rằng những cảnh quay này lại được thực hiện theo cách thức “thủ công" đến vậy, bởi nó quá đỗi hoành tráng và đẹp mắt.
Hố đen vũ trụ trong Interstellar (2014)
Hầu hết các cảnh trong bộ phim Interstellar đều không có sự tác động của kỹ xảo CGI mà được dựng trên phim trường, sử dụng những vật dụng thực tế. Đây cũng là cách làm phim được vị đạo diễn Christopher Nolan ưa chuộng. Hố đen vũ trụ với hình ảnh choáng ngợp khiến bao khán giả rùng mình trong phim hoàn toàn là cảnh quay thật.
Không gian đậm chất viễn tưởng của Interstellar được tạo nên nhờ những tấm phản gỗ và vải được sắp xếp có chủ đích nhằm tạo hiệu ứng ánh sáng kéo dãn. Các vật dụng như bàn, ghế, kệ sách cũng được làm từ vật dụng siêu nhẹ, có thể dễ dàng đặt giữa các tầng phản. Đội ngũ kỹ thuật và các kiến trúc sư đã phải tốn rất nhiều công sức để thiết kế và tính toán cho những cảnh quay này.
>>> Xem thêm: Tiền truyện Mad Max ghi hình ở quê hương Thần Sấm Chris Hemsworth
Không thể phủ nhận rằng, công nghệ kỹ xảo đã giúp điện ảnh có thể chạm tới những “chân trời mới” một cách dễ dàng hơn. Dù vậy, điều này không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào chúng. Loạt cảnh quay thủ công trên dù tốn kém, mất nhiều công sức và thời gian nhưng đổi lại chúng giúp các nhà làm phim có thể khoe được óc sáng tạo và sự kỳ công trong tác phẩm. Cá nhân mình nghĩ rằng, nghệ thuật là nơi sáng tạo không ranh giới, càng thử thách thì con người càng có thể làm được nhiều điều vĩ đại và tuyệt vời hơn.
*Bài đóng góp của Thùy Dung gửi về DienAnh.Net.
Đừng quên ấn follow DienAnh.Net để cập nhật những tin tức phim ảnh, chuyện hậu trường nhanh, chính xác nhất!
Facebook - bình luận