Nếu có thể, mình sẽ ví The Gray Man của anh em nhà Russo như sự kết hợp giữa Mission Impossible và Fast and Furious. Vì sao à? Trải dài suốt 2 tiếng thời lượng phim, đa phần là những màn truy đuổi vừa kịch tính, vừa thú vị. Cảm tưởng như nhân vật Sierra Six (Ryan Gosling) không có bất cứ giây phút nào nghỉ ngơi được. Thậm chí, từng khung hình chuyển động khiến mình như muốn ngã nhào theo.
Sẽ ra sao nếu chàng “Búp Bê Ken” Ryan Gosling vào vai một kẻ đang bị bọn người của “Captain America” Chris Evans chạy bán mạng qua từng địa điểm khác nhau của các nước phương Tây? Bộ phim hành động - The Gray Man (Đặc Vụ Vô Hình) mới nhất của anh em nhà Russo, bộ đôi đạo diễn đã từng cầm trịch cho các siêu phẩm điện ảnh của MCU, sẽ là câu trả lời cho bạn!
The Gray Man (Đặc Vụ Vô Hình) bắt đầu mọi thứ từ một phạm nhân bí danh, được Donald Fitzroy (Billy Bob Thornton) tuyển mộ để trở thành điệp viên cho tổ chức ngầm, với tên gọi là Sierra Six. Trong một lần thực thi nhiệm vụ, thủ tiêu Sierra Four, anh đã phát hiện ra nhiều bí mật đen tối nhờ chiếc USB được giấu trong mặt dây chuyền mà gã đang hấp hối kia đưa cho.
Hóa ra họ huấn luyện anh như một “kẻ thủ ác” chuyên nghiệp, xem các “Sierra” như những trang bị cần có để hoàn thành mọi kế hoạch nhem nhuốc. Chính vì đang nắm giữ chứng cứ quan trọng trong tay, Sierra Six lại trở thành mục tiêu tiếp theo của tổ chức ngầm này và tên lính đánh thuê Lloyd Hansen (Chris Evans).
Từ đây tính mạng của anh đang “ngàn cân treo sợi tóc” khi cựu CIA biến chất Lloyd quyết định treo thưởng cho ai găm “kẹo đồng” vào đầu chàng “Búp Bê Ken”.
Cá nhân Bánh Đúc thấy The Gray Man hoàn toàn là một tác phẩm điện ảnh dễ xem, nó không hoàn toàn cài cắm hay ẩn dụ bất kỳ chi tiết nào để mình phải đoán già đoán nón. Đơn giản mà nói, bộ phim chỉ là những pha hành động rượt đuổi nhau, tấn công ồ ạt và Sierra Six phải chạy trốn để bảo vệ USB cũng như giữ nguyên bằng chứng phạm tội của tổ chức ngầm.
>>> Xem thêm: Conan - Nàng Dâu Halloween: Tựa phim như một cú lừa, diễn biến dễ đoán
The Gray Man mang đậm phong cách làm phim của anh em nhà Russo, theo mình thấy xuyên suốt thời lượng, chúng ta hoàn toàn có thể bắt gặp những cảnh quay hành động tương tự như Captain America: The Winter Soldier mà họ đã từng chỉ đạo. Cũng với chừng ấy đạo cụ, những món trang bị “chất lừ” hơn, bộ đôi đạo diễn đã đưa mình đến từng khung hình dày đậm chất hành động thường thấy ở các tác phẩm khác.
Nếu nói The Gray Man là một bộ phim dựa trên khuôn mẫu công thức của các phim hành động của những năm 90 đến đầu những năm 2000 cũng không sai. Vì theo Bánh Đúc thấy thật chất tác phẩm này không để lại quá nhiều ấn tượng ngoại trừ diễn xuất và yếu tố hành động, trong khi ngày này, nhiều biên kịch đổ xô nhau theo dòng trào lưu của những tác phẩm đan xen từ hai, ba thể loại trở lên.
Chẳng hạn, gần đây nhất mình xem Ambulance, do Michael Bay thực hiện, tuy thời lượng hành động chiếm sóng toàn bộ, nhưng bộ phim vẫn len lỏi những thông điệp về tính nhân văn vào một số phân đoạn, khiến mình thấy Ambulance có chiều sâu hơn về nội dung.
Mặt khác, cá nhân mình lại cho rằng The Gray Man chỉ tập trung hầu hết 90% cho các phân đoạn gay cấn, kịch tính, còn lại là khoảng trống cho những câu thoại thú vị, tăng tính giải trí cho cả phim nhờ nhân vật Lloyd của Chris Evans.
Mình tin rằng xem cả bộ phim, bạn sẽ không nhớ dai bất kỳ điều gì, ngoài câu nói “Treo thưởng cho ai găm đạn vào đầu Búp Bê Ken” của nhân vật Lloyd, hóa ra Chris Evans cũng biết trêu đùa và bắt “trend” kịp thời đấy chứ!
Như mình nói, nếu ví The Gray Man như sự kết hợp giữa Mission Impossible và Fast and Furious thì cũng không sai tẹo nào. Vì thật ra xuyên suốt cả thời lượng phim, chỉ toàn là những pha rượt đuổi, chạy bán mạng qua từng địa hình, từng khu vực khác nhau của phương Tây.
Hơn nữa, mình nghĩ cảnh quay đắt giá nhất mà Netflix phải đầu tư 200 triệu đô, chắc là phân đoạn Sierra Six và Dani Miranda (Ana de Armas) cùng nhau tháo chạy khỏi bọn người của Lloyd ở quảng trường Praha.
Màn so kè giữa các tay đua thiện xạ đã cho mình một trải nghiệm Netflix tại nhà không thể đã hơn được nữa, sự nhanh trí, thông minh và khéo léo của nhân vật Sierra Six khiến mình không ngừng há hốc mồm với những mưu kế của hắn. Tin mình đi, xem phim thì bạn sẽ hiểu vì sao Bánh Đúc lại nhận định The Gray Man như vậy!
Trong dàn nhân vật, Bánh Đúc phải dành một tràng pháo tay cho Chris Evans và Ana de Armas. Thoạt đầu mình cứ lo với cái mác siêu anh hùng thì e rằng chàng “Captain” của chúng ta khó mà hợp với các vai phản diện. Tuy nhiên, một Lloyd tinh ranh, láu cá và không kém phần hài hước, khiến mình phủi bỏ hoàn toàn định kiến ấy, cho rằng Chris Evans như lột xác thành một “bad boy” thứ thiệt.
Với nữ đặc vụ CIA cá tính, thẳng thắn như Dani Miranda, cô cũng không ngại gì giới tính của mình mà sẵn sàng lăn xả ở những phân đoạn đấu tay đôi với các tên phản diện. Thật sự dòm Ana de Armas hóa thân vào vai này, khiến Bánh Đúc nhớ đến Black Widow của MCU.
>>> Xem thêm: Thoát Khỏi Mogadishu: Cuộc tẩu thoát đầy kịch tính và hồi hộp
Bên cạnh đó, sự đầu tư vào dàn nhân vật phụ như Cahill của Alfre Woodard hay Độc Lang do Dhanush thủ vai cũng được tính là một điểm cộng cho The Gray Man, so với những bộ phim hành động mà Bánh Đúc từng xem, hiếm có tác phẩm nào chịu mở đất diễn cho các nhân vật phụ, thậm chí nếu thời lượng chiếm sóng không nhiều thì ngay cả việc họ tên gì mình cũng chẳng thèm bận tâm.
Nhưng với The Gray Man, mình nghĩ dường như nhà làm phim sẵn sàng tạo cơ hội cho từng nhân vật phô diễn khả năng của họ. Chẳng hạn một cựu đặc vụ về hưu như Cahill biết cách tạo ấn tượng với mình nhờ sự thẳng thắn, bộc trực trong tính cách, cách giải quyết cuối cùng của bà khiến mình ấn tượng vai diễn của Alfre Woodard chỉ sau 3 nhân vật chính.
The Gray Man mang phong cách của một tác phẩm hành động thuần túy. Không có thông điệp sâu sắc hay bất kỳ vấn đề xã hội nào được đan xen quá nhiều. Mặt khác, việc bộ phim vẫn chưa giải thích rõ lý do vì sao Sierra Six phải ngồi “bóc lịch” mấy năm đã khiến cho kịch bản lần này hoàn toàn có thêm lỗ hổng.
Với tính chất hành động dày đặc từng trường đoạn như vậy, The Gray Man không có một giây nào để mình nắm được cảm xúc hay hưởng trọn khoảng lặng trong suốt 2 tiếng thời lượng phim, mọi thứ cứ diễn ra dồn dập, ào ạt như tốc độ ánh sáng vậy! Chính vì vậy, cá nhân mình cho rằng The Gray Man chỉ đơn thuần dừng lại ở một tác phẩm đạt chất lượng về mặt hành động và diễn xuất.
Nói chung, The Gray Man (Đặc Vụ Vô Hình) sử dụng hoàn hảo các chất liệu quen thuộc mà vốn dĩ những phim hành động cần phải có. Sẽ thú vị hơn nếu xem bộ phim là màn truy đuổi căng thẳng giữa “Búp Bê Ken” và “Captain America” bởi diễn xuất của Ryan Gosling và Chris Evans trong phim này không đùa được đâu!
* Bài viết của Bánh Đúc chia sẻ tại box Mọt phim Review
Mê những pha cháy nổ, đấu súng ầm ầm hoặc nhào lộn ì xèo , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim The Gray Man: Đặc Vụ Vô Hình? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận