Tiếp nối thất bại của Lộc Đỉnh Ký 2020, Thiên Long Bát Bộ 2021 ghi tên mình vào danh sách thảm họa của dòng phim Kim Dung với điểm Douban chỉ còn 3,4. Sự thất bại của phim cũng khiến Nhật Nguyệt và nhiều người phải bất ngờ, vì đạo diễn của tác phẩm này là Vu Vinh Quang, một cây đa cây đề của điện ảnh Hoa ngữ. Đồng thời, nó khiến người ta phải đặt câu hỏi: "Phải chăng phim võ hiệp Kim Dung đã hết thời?"
>>> Xem thêm: Lần đầu gặp gỡ của Đoàn Dự - Vương Ngữ Yên qua các phiên bản: 2021 gây thất vọng
Đầu tiên, chúng ta nói về 2 bản được xếp vào hàng kinh điển là Thiên Long Bát Bộ 1997 và 2003. Cho đến tận bây giờ, fan của 2 phiên bản này vẫn có thể cãi nhau suốt 7 ngày 7 đêm để chỉ ra ưu điểm của mình và khuyết điểm của đối phương. Chẳng hạn, fan bản Hồ Quân luôn tự hào là các cảnh quay trong phim rất đẹp và hùng vĩ nên chê bản Huỳnh Nhật Hoa là nghèo nàn, quay trong studio chật hẹp. Dĩ nhiên, fan Huỳnh Nhật Hoa lại cười bản 2003 là phim quảng bá du lịch....
Tuy nhiên, chẳng ai có thể phủ nhận được sự thành công của nó, dẫn dắt nhiều thanh thiếu niên đến với thế giới võ hiệp và những màn đánh võ mạnh mẽ, đẹp mắt. Ngay đến mình, một người không rành về võ hiệp Kim Dung cũng nhờ 2 tác phẩm này mà cũng bắt đầu tìm hiểu về các tác phẩm khác của ông. Để bàn luận sâu về ưu khuyết của 2 phiên bản thì mình xin nhường lại cho những nhà “Kim Dung học” thật sự.
Năm 2013, Thiên Long Bát Bộ do Chung Hán Lương đóng chính đã được ra mắt khán giả. Chắc hẳn, nhiều fan Kim Dung khi đó cũng phải khóc ròng khi phải xem một phiên bản võ hiệp tệ hại đến thế. Chưa bàn đến những bộ trang phục vừa quê vừa xấu, ngay cả khí chất và ngoại hình của Chung Hán Lương cùng dàn diễn viên cũng hoàn toàn lạc quẻ với hình tượng các nhân vật trong nguyên tác. Cũng vì vậy mà trên trang Douban, điểm đánh giá cho bộ phim này chỉ được 4,5. Khi ấy, ai cũng nghĩ đây là bản tệ nhất rồi.
Tuy nhiên, Thiên Long Bát Bộ 2021 lại là minh chứng cho câu: "Không có tệ nhất, chỉ có tệ hơn". Bản của đạo diễn Vu Vinh Quang lại bị đánh giá là nửa vời. Có tham vọng, có ý tưởng nhưng làm không tới. Nó giống bản Thiên Long Bát Bộ 2003 ở bối cảnh hùng vỹ, các động tác võ thuật không mới lạ. Và giống bản TVB ở chỗ thêm thắt nhiều tình tiết so với nguyên tác. Và khuyết điểm lớn nhất của nó chính là dàn diễn viên hoàn toàn không phù hợp với các nhân vật.
Nếu TVB thêm thắt vừa phải, biết tiết chế và vẫn giữ được cốt lõi của Kim Dung thì Thiên Long Bát Bộ 2021 lại khiến người ta ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa. Chỉ riêng tình tiết Đoàn Dự són ra quần khi gặp mặt Vương Ngữ Yên đã khiến chúng ta phải khó chịu vì sự thô bỉ. Đã không buồn cười mà còn thấy vô duyên, lãng xẹt.
Hay trong các phân cảnh tỉ thí, chúng ta mong chờ nhiều hơn ở phiên bản mới này. Tuy nhiên, đạo diễn lại không thể làm được. Các động tác võ thuật cũ kỹ, quá quen thuộc trong các phiên bản trước đó. Và có lẽ để trông mới mẻ hơn, đạo diễn quyết định sử dụng slow motion. Kết quả, bao nhiêu khí thế của cao thủ võ lâm mất hết, trông họ như đang biểu diễn vũ đạo đôi vậy.
Thiên Long Bát Bộ bản mới này giúp chúng ta nhận rõ, dòng phim võ hiệp đang trong giai đoạn thoái trào. Nếu không có sự đột phá thật sự trong kỹ thuật làm phim, thì những bản remake chỉ có thể chung kiếp “nhận gạch” và flop dập mặt.
Văn hóa võ hiệp diễn ra từ khá sớm và giai đoạn đỉnh của nó là lúc tiểu thuyết Kim Dung xuất hiện. Thư Kiếm Ân Cừu Lục ra mắt năm 1955, còn Lộc Đỉnh Ký được hoàn thành vào năm 1972. Sang đến những năm 80 của thế kỷ trước, phim võ hiệp lên ngôi và kéo dài thời đại huy hoàng đến tận những năm 2000. Từ đó đến nay đã nửa thế kỷ trôi qua. Trong giai đoạn văn hóa, công nghệ phát triển như vũ bão thì 50 năm là quãng thời gian không hề ngắn.
Sang đến cuối những năm 2000, chúng ta có thể nhận thấy võ hiệp hay phim kiếm hiệp dần thoái trào. Dòng phim tiên hiệp xuất hiện và khuấy đảo màn ảnh nhỏ Hoa ngữ. Từ Tiên Kiếm Kỳ Hiệp cho đến Cổ Kiếm Kỳ Đàm hay Hoa Thiên Cốt... đều nổi đình nổi đám, mở ra thời đại làm phim mới. Và không biết mọi người có để ý hay không, sau Tam Sinh Tam Thế Thập Lý Đào Hoa, dòng phim tiên hiệp cũng đang có dấu hiệu bị chững lại.
Có thể thấy, mỗi dòng phim đều có thời hạn nhất định. Lâu dài có thể là nửa thế kỷ, hoặc chỉ tồn tại được 20 năm là xuống dốc. Phim võ hiệp Kim Dung cũng thế. Trong ký ức tuổi thơ của thế hệ cuối 9x hay 0x, võ hiệp không còn giữ vị thế độc tôn nữa. Song song với nó là những bộ phim tiên hiệp, khoa học viễn tưởng hay ngôn tình lãng mạn. Ngoài sự cách biệt về tuổi tác, thế hệ khán giả trẻ được tiếp xúc với môi trường rộng mở hơn và từ đó, họ cũng có quan điểm riêng của mình về cuộc sống, về phim ảnh hay về hình tượng anh hùng.
>>> Xem thêm: Những nàng Tiểu Long Nữ đáng nhớ nhất Cbiz: Diệc Phi khí chất bất phàm “đè bẹp” AngelaBaby
Vì vậy, Nhật Nguyệt cho rằng, các nhà làm phim Hoa ngữ nên thay đổi bản thân để bắt kịp thời đại. Cứ níu kéo hay đắm chìm trong vinh quang quá khứ thì sẽ bị hiện thực đào thải. Thay vì làm xấu hình ảnh võ hiệp Kim Dung bằng những bộ phim remake thất bại thì hãy tìm lối đi khác. Đó cũng là cách tốt nhất để họ bày tỏ sự trân trọng với văn hóa võ hiệp.
*Bài đóng góp của Nhật Nguyệt gửi về DienAnh.Net.
Hãy theo dõi và chia sẻ ý kiến tại DAN Cổ Trang nhé!
Facebook - bình luận