Sáng sớm ngày 22/01/2022, tôi bàng hoàng khi biết tin Thầy Thích Nhất Hạnh đã viên tịch vào thời khắc chuyển giao của ngày. Và tôi tin rằng không chỉ bản thân mà nhiều người cũng trải qua cảm xúc này.
Chiêm nghiệm về cuộc đời của Thầy, chúng ta biết rằng Người đã sống một cuộc đời thật đáng sống, với sự thích tỉnh trong từng phút giây. Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thế danh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm 1926 tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Người có công thành lập Đạo tràng Mai Thôn tại Pháp và nhiều trung tâm tu học ở Mỹ, Đức, Hồng Kông, Thái Lan. Sau gần 50 năm rời quê hương, Thiền sư trở về quê nhà hoằng pháp lần đầu tiên vào năm 2005. Năm 2017, Người từ Thái Lan trở về nước và về tổ đình Từ Hiếu tịnh dưỡng, lưu trú cho tới khi viên tịch.
Cuối năm 2014, Thiền sư Thích Nhất Hạnh gặp biến cố sức khoẻ và được đưa sang Mỹ điều trị, để rồi Người hồi phục một cách kỳ diệu sau cơn bạo bệnh. Không chỉ nổi tiếng với người Việt Nam mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn được cả thế giới tôn vinh bằng nhiều giải thưởng cao quý, tác giả của nhiều tác phẩm Phật học ứng dụng, văn hoá, văn học được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau. Người cũng là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ 2 ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma. Tính tới thời điểm này, người đã viết hơn 100 cuốn sách, trong đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh. Một số tác phẩm nổi bật của Người phải kể đến như Đường Xưa Mây Trắng, Hạnh Phúc Cầm Tay, Phật Trong Ta, Phép Lạ Của Sự Thức Tỉnh, Nẻo Về Của Ý,...
Trong quá khứ, mục sư Martin Luther King từng vinh danh Người là một “Thánh tông đồ của hòa bình và bất bạo động” khi đề cử Thiền sư cho giải Nobel Hòa Bình năm 1967. Nhờ có Thiền sư Thích Nhất Hạnh mà chúng ta có khái niệm “Phật giáo dấn thân” (engaged Buddhism) của ngày hôm nay.
Mặc dù đã đi xa nhưng di sản của Thầy để lại cho nhân thế vẫn sẽ còn được truyền tụng mãi vì những giá trị tư tưởng tuyệt đẹp hướng tới con người, giúp họ thoát khỏi bể khổ. Thời còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã nằm lòng hai câu thơ của Thầy: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Đã cho ta ngày mới để yêu thương”. Và đây cũng là di sản mà Thiền sư đại tài để lại nơi chùa Từ Hiếu.
Những sáng tác của Thầy trở thành cảm hứng bất tận, dạt dào cho các nhạc phẩm, phải kể đến như Bông Hồng Cài Áo của Phạm Thế Mỹ với đoạn văn cảm động: “Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ, con cần mẹ, mẹ cần con”…
Hay một số câu nói nổi tiếng khác của Người khiến tôi mỗi lần đọc lại đều cảm thấy thấm thía vô ngần: “Tất cả chúng ta đều có những nỗi khổ niềm đau bên trong mình và chúng ta cần chăm sóc chúng chứ không phải trốn chạy chúng”.
“Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương”.
“Mỗi sáng thức dậy, tôi lại mỉm cười. Hai mươi tư tiếng mới mẻ đang ở trước mắt tôi. Tôi nguyện sống trọn cho từng phút giây và xem xét mọi thứ bằng ánh nhìn từ bi.”
“Những mầm mống khổ đau trong bạn có thể thật mạnh mẽ, nhưng đừng đợi cho đến khi mọi khổ đau đi hết rồi mới cho phép mình được hạnh phúc.”
“Con người đau khổ là vì các thành kiến. Khi nhìn mọi thứ cởi mở hơn, chúng ta sẽ tự do và chẳng còn khổ đau nữa.”
"Tình yêu của anh nếu là tình yêu chân thật thì nó sẽ lớn lên không ngừng và sẽ ôm từ từ hết tất cả mọi người và mọi loài. Tình yêu của anh không những nuôi dưỡng được anh mà còn nuôi dưỡng được tất cả chúng tôi. Đó là tình yêu không biên giới, không kỳ thị…".
>>> Xem thêm: NSND Công Lý và dàn nghệ sĩ gạo cội “chia tay” Táo Quân
“Một người tức giận là do không giải quyết được những đau buồn của mình. Họ là nạn nhân đầu tiên của sự đau buồn đó, còn bạn là người thứ hai. Hiểu được điều này, lòng từ bi sẽ nảy nở trong tim và sự tức giận sẽ tan biến. Đừng trừng phạt họ, thay vào đó, hãy nói gì đó, làm gì đó để vơi bớt nỗi đau buồn.”
“Tĩnh lặng là điều cốt lõi. Chúng ta cần tĩnh lặng như chúng ta cần không khí, như cái cây cần ánh sáng. Nếu tâm trí chúng ta lúc nào cũng đầy những từ ngữ và suy nghĩ, thì lấy đâu ra không gian cho chính chúng ta.”
Cuối năm 2012, Huffington Post từng chia sẻ những câu nói đáng nhớ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và ưu ái gọi đó là những bài học cuộc sống từ con người điềm đạm nhất thế giới:
"Nếu ta tin ngày mai sẽ tốt đẹp hơn thì hôm nay ta có thể chịu đựng mọi khó khăn".
"Biết bỏ qua sẽ đem cho ta sự tự do, và tự do chính là điều kiện duy nhất của hạnh phúc".
"Mọi ý tưởng bạn nghĩ trong đầu, mọi lời bạn nói, mọi thứ bạn làm đều mang dấu ấn của riêng bạn".
>>> Xem thêm: Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Cuộc đời sáng của bậc chân tu
Trước khi viên tịch, Thầy Thích Nhất Hạnh đã để lại tâm thư sau khi trở về Tổ đình Từ Hiếu: "Nếu một ngày thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho thầy. Tốn kém tiền của. Tốn đất của dân. Dân mình còn nghèo lắm. Hãy hỏa táng thầy. Tro cốt thầy, hãy chia đều cho các Thiền viện của Làng Mai trên khắp thế giới rồi rải trên những con đường mà hàng ngày các con đi thiền hành. Làm như thế, ngày ngày, thầy và các con vẫn đi thiền hành chung".
Thiền sư căn dặn đệ tử: “Thầy không muốn sau này quý vị xây cho thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì thầy đang trao truyền”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã về với cõi Phật nhưng di sản của Thầy sẽ vẫn còn đọng lại mãi và được truyền tụng đến nhiều thế hệ sau. Thầy chính là vị phát sư của tâm hồn người, đã đến với trần thế với tất cả những giá trị tư tưởng tuyệt đẹp về chánh niệm, tỉnh thức và tấm lòng đại bi hướng tới tha nhân.
Bài viết của Hoa Lê trên DienAnh.net
Hãy hít một hơi thật sâu và bấm theo dõi DienAnh.net ngay để chuẩn bị hành trang hóng hớt drama Vbiz và cùng ngồi tám với tui nhé!
Facebook - bình luận