Trước giờ mình ít xem phim siêu anh hùng nhưng từ Spider-man: No Way Home và Doctor Strange In Multiverse Of Madness, mình đã bắt đầu có thiện cảm với dòng phim này. Tuy nhiên với trải nghiệm lần đầu xem phim về siêu anh hùng Thần Sấm thì Thor: Love And Thunder hơi dưới mức kỳ vọng của mình.
Nói cách khác, cảm nhận của mình sau khi xem Thor: Love And Thunder như được thưởng thức một bữa tiệc nhẹ, tuy có nhiều món ăn được bày trí bắt mắt nhưng lại không đủ “no”, không đủ hấp dẫn.
Dưới đây là một số cảm nhận cá nhân của mình về Thor: Love And Thunder với tư cách là một người ít xem phim siêu anh hùng và chưa biết gì về Thor trước đó. Mình cũng sẽ chỉ nêu một số thông tin cần thiết chứ không spoil bất kỳ chi tiết nào trong Thor: Love And Thunder vì nó có thể sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm xem phim của bạn.
Đầu tiên là cốt truyện của Thor: Love And Thunder cực kỳ đơn giản, đơn giản tới mức vượt dưới kỳ vọng của mình về một bộ phim siêu anh hùng. Tức là Thor: Love And Thunder có motif phim theo kiểu mẫu có phần hơi xưa cũ, mình tin là bạn cũng sẽ cảm thấy có gì đó na ná giống một số bộ phim mà bạn đã từng xem trước đây.
Với mình thì đó có thể không phải là vấn đề nếu như Thor: Love And Thunder biết cách kể câu chuyện của mình theo lối hấp dẫn. Tuy nhiên trên thực tế thì cách kể chuyện của Thor: Love And Thunder lại đơn giản theo mức cực kỳ nhàm chán. Mình cảm giác mọi thứ trong Thor: Love And Thunder đều được sắp đặt sẵn.
Ngay trong 5 phút đầu phim Thor: Love And Thunder, mình đã biết được nguyên nhân xảy ra sự kiện và dự đoán được về cái kết cũng như những diễn biến của câu chuyện. Chính vì vậy mà đầu đến cuối Thor: Love And Thunder dường như mình không cảm thấy có gì đó quá bất ngờ vì mọi thứ đều được bày biện ra trước mắt.
Thor: Love And Thunder cũng cực kỳ thông minh khi lồng ghép đoạn flashback được cường điệu hóa không khác gì tấu hề vào phim. Nhờ vậy mà mặc dù chưa biết gì về Thor mình cũng kịp “ôn bài” được trước khi chính thức bước vào bộ phim.
Tuyến nhân vật trong Thor: Love And Thunder rất đa dạng, có rất nhiều nhân vật, ai cũng có điểm đặc trưng riêng. Đó là lý do mình gọi Thor: Love And Thunder là một bữa tiệc hội tụ các vị thần. Tạm chia các nhân vật trong Thor: Love And Thunder ra thành các tuyến: tuyến nhân vật chính gồm Thor, Mighty Thor (tiến sĩ Jane Foster), Walkyrie; tuyến nhân vật phụ là các vị thần trong bữa tiệc và tuyến nhân vật phụ là các sinh vật đi cùng Thor như 2 con dê và Korg; tuyến nhân vật phụ là những đứa trẻ vô hại; nhân vật phản diện Gorr.
Thor: Love And Thunder có nhiều nhân vật, điểm cộng là các nhân vật đều được phân tuyến rõ ràng và có spotlight riêng. Spotlight trong Thor: Love And Thunder được chia đều để các nhân vật được thể hiện mình. Tuy nhiên, điểm trừ là thời lượng phim không đủ để làm rõ năng lực, sức mạnh hay khai thác sâu về ai. Có thể tóm gọn lại thành một câu là mỗi người đều làm tròn vai nhưng gộp lại thì Thor: Love And Thunder không có sự bứt phá trong cách thể hiện nhân vật.
>>>Xem thêm: Thor 4: Giải mã lý do Gorr căm ghét các vị thần
Nếu đã xem qua trailer Thor: Love And Thunder chắc bạn cũng dễ dàng đoán được phản diện của phần phim này. Thor: Love And Thunder đã chọn một bước đi khá liều lĩnh trong cách giới thiệu nhân vật. Mình nghĩ có thể Thor: Love And Thunder làm vậy là để khán giả xem phim lần đầu có thể dễ dàng hiểu được những gì đang xảy ra với bộ phim nhưng rõ ràng nó như một cú trũng khiến phim không còn gì bất ngờ.
Mình thích cách Thor: Love And Thunder xây dựng hình tượng nhân vật phản diện Gorr nhưng nếu xét về tạo hình thì nó lại khá giống với một nhân vật phản diện mình trong loạt phim vô cùng nổi tiếng cũng ra rạp trong năm 2022 và xét về mục đích hành động thì cũng tương tự với một nhân vật phản diện trong vũ trụ điện ảnh Marvel.
Anh hùng Thor trong Thor: Love And Thunder có vẻ lép vế hơn so với Mighty Thor. Chris Hemsworth vẫn giữ nguyên phong độ và chiêu đãi người xem bằng một màn show trọn cặp đào 4k không che vô cùng bắt mắt. Mighty Thor (tiến sĩ Jane) do Natalie Portman thủ vai thì diễn xuất vô cùng ổn áp, nhất là cách thể hiện ánh mắt và nội tâm nhân vật. Cứ phân cảnh nào có Jane xuất hiện thì dường như cô đều chiếm trọn spotlight.
Ban đầu mình khá trông chờ vào những màn tấu hề của Thor: Love And Thunder nhưng thực tế mình thấy phim cũng không hề như mình nghĩ. Yếu tố hài hước của Thor: Love And Thunder đến đa số chủ yếu từ phản ứng vô cùng chân thật của các nhân vật trước những sự kiện diễn ra bất ngờ thôi.
Mặc dù yếu tố hài hước trải dài từ đầu đến cuối phim nhưng mình thấy kiểu hài của các nhân vật khá giống nhau, nên cũng không có gì quá đặc biệt. Cũng chính vì vậy mà Thor: Love And Thunder đem đến tiếng cười nhẹ nhàng chứ không có trận cười nào đến mức nghiêng ngả. Mình thấy mấy post meme mà nhiều trang phim làm lại từ ảnh chụp trong Thor: Love And Thunder đôi khi còn vui hơn.
>>>Xem thêm: Thor 4 sẽ có 2 cảnh after-credit, hé lộ nhân vật hoàn toàn mới
Nếu xét về mặt hình ảnh thì phải công nhận là Thor: Love And Thunder đã làm rất tốt. Bối cảnh phim, vô cùng đa dạng và được đầu tư chỉn chu. Màu sắc trong Thor: Love And Thunder khá tươi sáng, sặc sỡ, bắt mắt, có nhiều chỗ tương phản.
Kỹ xảo trong Thor: Love And Thunder cực ổn. Nhiều màn dịch chuyển không gian liên tục nhưng cực kỳ mượt mà nhờ cách sử dụng fade in, fade out (mờ dần, ẩn hiện) và thủ pháp đồng hiện (chuyển cảnh theo kiểu zoom in đến một thứ có nét tương đồng để mở ra không gian mới).
Một điểm thật sự phải dành lời khen cho Thor: Love And Thunder là soundtrack (nhạc phim) cực đỉnh, đúng kiểu những bản nhạc dành riêng cho phim siêu anh hùng. Nó có nhịp độ vừa phải, vừa thể hiện được không khí của trận chiến lúc đó hoặc một dấu mốc nào đó trong chặng hành trình của nhân vật, vừa khiến mình bị cuốn vào bộ phim hơn.
Cuối cùng là những màn combat trong Thor: Love And Thunder. Cá nhân mình thấy nó diễn ra khá bình thường và trong thời gian chớp nhoáng. Mấy trận chiến từ đầu đến gần cuối phim mình thấy thật ra xem cũng cuốn nhưng là vì kỹ xảo quá đẹp nhưng nó chỉ ở mức tạm thôi. Màn final combat (trận chiến cuối cùng) thì có vẻ ổn áp hơn nhiều do lúc này Thor đã sử dụng chiến thuật thông minh hơn rồi.
Cũng như những bộ phim siêu anh hùng khác, Thor: Love And Thunder sẽ có các đoạn phim sau khi kết thúc. Cụ thể là 1 mid credit và 1 after credit để gặp gỡ lại nhân vật cũ, hé lộ nhân vật mới có khả năng sẽ trở thành phản diện chính trong Thor 5. Thêm nữa là after-credit sẽ cho thấy được cái kết “xứng đáng” với một nhân vật vì những gì mà nhân vật đó đã thể hiện trong xuyên suốt Thor: Love And Thunder.
Tóm lại, Thor: Love And Thunder với mình là bộ phim khá đơn giản, nhẹ nhàng, ngay cả trận chiến cũng không có gì quá phức tạp hay khốc liệt. Yếu tố hài hước và hành động trong phim cũng chỉ dừng lại ở mức vừa phải. Thông điệp truyền tải trong Thor: Love And Thunder cũng không có gì quá mới mẻ hay sâu sắc. Thoại phim cũng tạm ổn, có lúc vui, có lúc không và không có câu thoại nào thực sự đắt giá.
Tuy nhiên, lần đầu xem Thor: Love And Thunder thì có một điểm cộng đặc biệt cho phim là nó đã setup thế giới vô cùng tốt khiến mình cảm thấy vô cùng thích thú với vũ trụ Viking. Mình không hứng thú với câu chuyện trong Thor: Love And Thunder nhưng lại cảm thấy tò mò về thế giới trong phim hơn. Mặc dù Thor: Love And Thunder với mình chỉ dừng lại ở mức tạm được nhưng mình vẫn trông chờ vào những phần tiếp theo của Thor.
* Bài viết của Lọ Lem chia sẻ tại box Vũ Trụ Phim Marvel
Nếu bạn quan tâm đến tin tức mới nhất về những bộ phim sắp chiếu , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Thor: Love and Thunder (Tình Yêu Và Sấm Sét)? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận