Thương Ngày Nắng Về là bộ phim giờ vàng tiếp theo của VTV3. Mở đầu phim là quá khứ bi kịch, nó bắt nguồn từ những khó khăn, thiếu thốn về vật chất, kinh tế của con người ở một làng quê nghèo còn tồn tại nhiều tư tưởng lạc hậu. Người ta như con thiêu thân, lao vào làm tất cả mọi thứ để có được đồng tiền và đồng tiền cũng là nguồn cơn của mọi bi kịch.
>>>Xem thêm: Tập 1 Thương Ngày Nắng Về lắm drama, mẹ chồng cay nghiệt con dâu
Ngay đầu phim là một khung cảnh một người phụ nữ đang ru ngủ cho đứa nhỏ đang nằm trên giường bệnh, ban đầu mình cứ ngỡ đó là hai mẹ con và người mẹ đang chăm sóc cho đứa con của mình. Nhưng không, đó là Yến (Nguyễn Kim Oanh) – một người phụ nữ được thuê để bán máu và chăm sóc cho đứa con của Long (Trần Hoàng), tất cả đó chỉ đơn thuần là mối quan hệ mua – bán.
Yến là người mẹ đơn thân, làm tất cả mọi thứ để có tiền nuôi Hoa (Bé Diệp Anh); nhưng đâu chỉ có thế, cô còn phải chịu đựng bà Lựu (NSƯT Thanh Hiền), Trọng (Việt Bắc) là mẹ và anh trai của cô, lúc nào cũng chỉ biết những trò không tốt bòn rút hết số tiền mà cô vất vả để có được..
Chỉ vì một chữ “tiền” mà Yến đã phải bán đi những giọt máu của mình, để rồi luôn sống trong tiều tụy với ánh mắt vô hồn, đờ đẫn. Cái Hoa thì luôn bị coi thường, mạt sát bằng những lời lẽ vô cùng thậm tệ, trong khi sự thật là Yến bị lừa và bố Hoa khiến cô mang bầu từ khi học đại học.
Cái lần Yến bị bà cả gây áp lực khi gặp “người cũ” lần cuối trước khi hắn đi xuất khẩu lao động, Yến không hề trách hắn một lời nào về những oan ức mà cô đã phải mang trong suốt thời gian qua. Khi vừa nhận được số tiền mà hắn nói là cho bé Hoa thì cũng chính là lúc vợ hắn tìm đến để hỏi chuyện. Như một bản năng, Yến lại một lần nữa đứng ra làm “chốt chặn” nhận hết tội lỗi về mình rồi bị mắng nhiếc. Số tiền mà Yến nhận được cũng bị lấy lại sạch, dù cho cô đã cố gắng hết sức để giữ lấy.
Cái đau thì có lẽ cũng chỉ là một phần, trong giây phút ấy đáng ra cô phải được người đàn ông kia bảo vệ nhưng tuyệt nhiên hắn lại chạy đi và để cô ở lại một mình. Nếu mình là Yến lúc ấy chắc chắn sẽ có hơn một lần mong buông xuôi nhưng còn cái Hoa thì phải làm thế nào? Thế là cô lại phải kiên cường đứng lên sống tiếp vì con mình.
Hai mẹ con Yến – Hoa ôm lấy nhau mà khóc trong sự tủi hờn, trong lần cuối gặp nhau Hoa vẫn phải chứng kiến mẹ nó khóc ngất mà người đàn ông nhận là bố nó cũng không dám đứng ra để che chở, bảo vệ cho mẹ nó.
Đến sau cùng, tình nghĩa không còn, tiền bạc cũng không. Bị vuốt mặt vì ghen, nhưng chính thất tuyệt nhiên cũng chẳng để lọt đồng nào vào tay kẻ đã phá nát gia can mình. Có ghen đến đâu, có hận đến nhường nào thì đồng tiền cũng là trên hết. Nó không chỉ là thước đo phẩm giá con người, còn là “phương tiện xoa dịu” cho những tâm hồn thương tồn đến chai lì.
Sau khi mẹ và anh trai của Yến mượn nợ để bỏ vào những trò không lành mạnh thì cái nhà nơi Yến đang ở sắp tới cũng sẽ bị siết nợ, do “lãi mẹ đẻ lãi con” gia đình cô không đủ khả năng để trả nợ bọn cho vay.
Từ cái sự túng quẫn ấy, Yến nhận được một lời đề nghị của Long, muốn cô sẽ đi theo em trai của anh vào Nam để chữa bệnh và Yến sẽ có được một khoản tiền lớn nhưng với điều kiện cô phải để Hoa ở lại.
Cuối cùng thì, Yến cũng phải chấp nhận bản hợp đồng với người đàn ông giàu có kia, nhận số tiền lớn đối với gia đình cô, đổi lấy Yến phải rời xa con gái của mình. Mình xem phim mà thấy vừa thương, vừa giận nhân vật Yến. Với mình, Yến như bị dồn vào thế khó, dường như cô không còn một lựa chọn nào khác tốt hơn. Đó là lựa chọn, là con đường duy nhất mà Yến có trong thời điểm này. Nhưng đó như một con đường sẽ nối dài cho tấn bi kịch trong tương lai của hai mẹ con Yến và Hoa.
Nhìn hình ảnh bé Hoa khóc trong mưa, nhìn mẹ leo lên chiếc xe kia đi mất mà mình xót không chịu được. Con bé thế kia mà đã hiểu chuyện, nói ra những câu nói làm đau lòng người xem. “Mẹ sẽ bỏ con đi à? Mẹ cho con ăn phở, mua cho con chiếc vòng này, rồi mẹ sẽ bỏ đi à? Mẹ hứa nhé. Con sẽ ở yên đây đợi mẹ về. Mẹ sẽ về nhanh đúng không ạ? Mẹ mà không về, nhất định con sẽ đi tìm mẹ đấy”
Chung quy lại, tiền cũng trở thành giải pháp cho nhiều vấn đề nhưng đó không phải là “giải pháp” của kẻ nghèo, mà là chiếc phao cứu sinh trong cơn nguy khó.
Tiếp đến là gia đình của Nga (Lương Ngọc Dung) và Mậu (Thế Nguyên), dù rất hạnh phúc từ khi lấy nhau và có một cô con gái đầu lòng là Khánh (Bé Hồng Nhung), nhưng cái chức danh “Cán bộ văn hóa xã” và gánh bún riêu của Nga không đủ để cho gia đình nhỏ một cuộc sống sung túc; gia đình Nga phải đi vay tiền mẹ chồng để làm vốn sinh sống.
Mặc nhiên, bà luôn luôn đay nghiến gia đình cô: “Ngay từ đầu tôi đã nói là không hợp, lấy nhau không chết sớm thì cũng tán gia bại sản, tiền đồ vứt đi hết. Không nghe, cố có bầu, cố lấy nhau cho bằng được, lấy nhau rồi vành vẽ ra ở riêng. Để cả cái làng này nói tôi là gây áp lực với con dâu… Đến bây giờ thuê được cái nhà này đẹp quá cơ. Nợ nần chồng chất, giật gấu vá vai, chị vừa ý chưa hả”. Tất cả những lời nói đó như “xát muối” thêm vào cái cuộc sống cơ cực của gia đình Nga nhưng cô vẫn phải cố gắng chịu đựng bấy lâu nay.
Chưa dừng lại ở đó, Vượng (Thái Dương) – em trai của Nga bị vợ cuỗm tiền và bỏ đi trong đêm tân hôn, để lại một khoản nợ không nhỏ. Gia đình thì bị cuốn vào nợ nần, Vượng thì chán nản, lúc nào cũng chỉ nâng ly quên sầu.
Mẹ chồng của Nga cũng nhân chuyện này mà miệt thị gia đình sui gia, bà nói: “Đúng là nhà dột từ nóc, không trách được”, bà ngụ ý muốn “xoáy” sâu vào gia đình sui gia không biết dạy con nên mới để ra cớ sự như vậy… Môn đăng hộ đối, mình tin chắc sẽ chẳng dám buông lời xúc phạm đến thế. Chẳng qua cũng chỉ vì ý thức được bản thân có tiền, nên mặc nhiên cho bản thân cái quyền ở “kèo trên”.
Người phụ nữ với phận long đong, đi làm dâu đã khổ; nay lại còn bị “đào xới” bố mẹ ruột lên chửi nhưng cũng không thể kháng cự nửa lời. Phần vì phận làm con không được bất hiếu, phần vì từ xưa tới nay Nga đã cố nhẫn nhịn để có một cuộc sống yên bình vì rõ ràng chị vẫn đang nợ tiền mẹ chồng.
Lúc ấy, mình ước Nga có cọc tiền trong tay để trả luôn cho bà mẹ chồng rồi cô có thể xả hết những ấm ức mà đã phải chịu dồn nén trong lòng bấy lâu nay.
Qua câu chuyện của hai gia đình Hoa và Nga đã giúp mình cảm thấy trân quý cái thứ gọi là “tình cảm gia đình”. Nó thiêng liêng đến vậy mà bị những cái vật chất “càn quét” đi, khiến tình thân trở nên rẻ mạt, khiến con người ta lật mặt với nhau, coi nhau như người dưng nước lã.
Những tập đầu tiên của Thương Ngày Nắng Về qua đi để lại cho mình một khung cảnh ảm đạm, xám xịt của cuộc sống khó khăn đan xen là những mâu thuẫn gia đình. Đồng tiền như có một ma lực khủng khiếp cuốn con người vào “vòng xoáy” của những khổ đau. Mọi thứ tồi tệ nhất như cứ chồng chất lên nhau, đè lên mỗi phận người trong ngôi làng đó.
Những quyết định được đưa ra khi bị dồn vào bước khó sẽ tạo ra những bước ngoặt như thế nào trong tương lai? Đó sẽ là tốt hay xấu? Hãy cùng mình đón chờ diễn biến trong những tập tiếp theo của phim nhé!
>>>Xem thêm: Thương Ngày Nắng Về: Phim nối sóng 11 Tháng 5 Ngày na ná Về Nhà Đi Con
*Bài viết của Lindo trên DienAnh.Net
Nếu bạn cũng mê Thương Ngày Nắng Về thì theo dõi nhiều bài viết hơn tại đây nha! Còn muốn “hóng hót” tin tức hay ho về những phim khác thì nhanh tay click DienAnh.Net để đọc thêm nhiều điều hay ho nha.
Facebook - bình luận