Trong tập 24 của Thương Ngày Nắng Về, chúng ta được dịp chứng kiến màn tranh cãi nảy lửa giữa bà Nga (NSƯT Thanh Quý) và cô con gái út - Vân Vân (Ngọc Huyền). Căng thẳng nhất là đoạn bà Nga mong muốn con gái phải ngoan ngoãn, chiều ý mình, phải “test em bé" cho bà yên tâm. Trong khi về phía Vân Vân, cô bé lại muốn mẹ tôn trọng cuộc sống cá nhân của mình, phải đối xử với mình như với một người lớn, giống như với chị Vân Trang (Huyền Lizzie).
Rõ là cả hai mẹ con đều đang cố bắt người kia theo ý của mình lên đối phương, bắt đối phương phải cư xử như cách mình muốn. Tôi thấy đây chính là căn nguyên cho mọi mâu thuẫn trong nhà bà Nga.
>> Xem thêm: Khoảng cách giữa 2 thế hệ: Nguyên nhân mâu thuẫn của bà Nga và Vân Vân
Nếu để phân tích ra, chúng ta thấy ai cũng có khía cạnh tình lý riêng. Bà Nga sợ con gái mình sẽ khổ nên ra sức đốc thúc, quản luôn chuyện chọn ngành, chọn trường cho con. Trong khi Vân Vân lại nhất quyết theo đuổi đam mê hội họa. Hai mẹ con đều đòi hỏi đối phương phải chiều theo mình, mà không chịu đặt mình vào vị trí của nhau để hiểu, để cảm thông. Nhất là Vân Vân, cô bé phản ứng với mẹ bằng cách không nghe điện thoại, không chịu về nhà, thậm chí trong lúc tranh luận, còn lỡ tay làm bà ngã.
Tôi thấy Vân Vân muốn mẹ mình phải đối xử với cô như với Trang nhưng chính cô lại xử sự chưa trưởng thành. Với những phản ứng trẻ con đó, làm sao Vân Vân có thể bắt mẹ mình chiều ý mình được?
Cũng giống như trong mối quan hệ giữa Trang và mẹ ruột của cô ấy, Trang hiểu rất rõ mình không có tư cách để can thiệp hay đòi hỏi gì từ người mẹ nhiều năm xa cách của mình. Cô chỉ biết âm thầm dõi theo bà từ xa, âm thầm khóc khi bà không nhận ra mình, âm thầm chịu đựng những xung đột trong công việc với bà ấy mà không dám hé răng nói rõ thân phận của mình.
Ngay cả khi tưởng mẹ mình và Duy (Đình Tú) có mối quan hệ cấp trên - cấp dưới không trong sáng, bề ngoài, cô chọn cách đóng vai ác, trút giận lên Duy, không ngại mích lòng mẹ ruột. Nhưng khi ở một mình, trong những cơn ác mộng, Trang sợ hãi với cảnh tượng mẹ phủ nhận mình, không cho phép mình được quan tâm, được can thiệp vào đời bà. Càng muốn gần mẹ, Trang càng bất lực. Sau ngần ấy năm chia cách, cô biết mình không thể kỳ vọng mẹ sẽ lại yêu thương mình như mình muốn được.
Trong tương tác giữa Trang và Duy, chúng ta cũng lại lần nữa thấy sự bất lực này. Duy không biết vì sao Trang nổi đóa với mình, cố tình gây khó dễ với mình. Anh rất muốn Trang nói ra lý do, hiểu lầm nào đưa đẩy đến cơ sự này. Anh muốn cô đối xử công bằng hơn. Sâu trong lòng, Duy luôn ngưỡng mộ Trang và mong muốn được cô khuyến khích, đồng hành với mình. Thế nhưng, đó là chuyện không thể. Khổ là vậy!
Tôi thấy phim như đời. Cái khổ bắt đầu khi ta bắt đầu kỳ vọng ở người khác. Vân Khánh (Lan Phương) ngay từ đầu vốn biết anh chồng mình - Đức (Hồng Đăng) có tính trẻ con, ham chơi, không để tâm vào một chuyện nghiêm túc nào. Cô đã chọn lấy anh ấy. Thế rồi cả ngày cô lại ca cầm vì sao anh ấy không chịu trưởng thành hơn, không nghĩ cho vợ con hơn, không kiếm chuyện nghiêm túc mà làm. Rồi, cô tự chuốc lấy khổ. Rõ là, chúng ta có thay đổi được ai đâu, nếu như chính họ không muốn thay đổi.
Bản thân Khánh cũng không thể ngừng ca cẩm, than vãn, kêu gào về cuộc sống hôn nhân của mình. Cô cũng sắp xếp đời mình rất dở. Đức cũng không bắt cô thay đổi được. Vậy làm sao cô có thể bắt anh thay đổi, để chiều theo ý mình?
Cũng như trong quan hệ với mẹ chồng, dù biết bà quá quắt, Khánh cũng không nói được bà ấy. Bà mẹ chồng còn coi thường xui gia, nói bà Nga mùi này mùi nọ, rồi chỉ trích bà Nga không biết trông cháu, lo chuyện bao đồng,… Bà Nga ngoài việc nổi giận trong lòng, cũng không biết làm gì để bà mẹ chồng của con gái mình cư xử biết điều hơn.
Không biết mọi người có đồng cảm với tôi, xem phim xong, tôi tự ngộ ra rằng chúng ta vốn không thể ép uổng ai, kỳ vọng ai sẽ cư xử với mình theo cách mà mình mong muốn được. Ngay chính mình cũng chẳng dễ dàng thay đổi quan điểm, cách hành xử của bản thân đối với mọi người mà. Cá nhân tôi nghĩ, thay vì lao vào chỉ trích, chúng ta nên học cách tôn trọng thế giới quan của nhau, cố gắng nương nhau mà sống thôi. Cuộc đời mà…
Nói chung, phim Thương Ngày Nắng Về bóc tách nhiều khía cạnh nhân văn, đời thường về những mối quan hệ gia đình - xã hội. Theo đó, chúng ta không chỉ xem drama, mà còn tìm thấy hình ảnh phản chiếu của mình đâu đó trong các nhân vật, để học hỏi được những kinh nghiệm sống. Các bạn nhớ tiếp tục theo dõi phim với tôi nha! Hẹn gặp mọi người trong một bài chia sẻ khác nhé!
>> Xem thêm: Chuyện có bầu trước hôn nhân: Trẻ xem nhẹ, người già lo lắng
*Bài viết của NNgân trên DienAnh.Net
Nếu bạn cũng mê phim Việt thì theo dõi nhiều bài viết hơn tại đây nha! Còn muốn “hóng hớt” tin tức hay ho về những phim khác thì nhanh tay click vào mạng xã hội DienAnh.Net để đọc thêm nhiều điều hay ho nha.
Facebook - bình luận