Thương Ngày Nắng Về có nhiều tình tiết xoay quanh nhiều tuyến nhân vật. Mỗi tập lại có một spotlight khác nhau. Tôi thấy biên kịch rất giỏi khi chia sẻ được những mảnh ghép khác biệt vào cùng một đường dây câu chuyện. Nhưng, tôi hơi cảm giác mạch phim bị dàn trải với nhiều điểm nhấn ở nhiều nhân vật.
>> Xem thêm: Thương Ngày Nắng Về: Vân Trang "tới công chuyện" với mẹ ruột vì Duy
Ngay những tập đầu đã tạo ấn tượng cho người xem bởi sự xuất hiện của muôn hình vạn trạng những nhân vật nữ với những tình tiết đắt giá, đặc biệt ở tuyến phụ. Các bạn có nhớ người phụ nữ đã tìm tới mẹ con bé Hoa / Vân Trang (Chu Diệp Anh / Huyền Lizzie) vì chồng bà ta có quan hệ bất chính không? Dù chỉ một khoảnh khắc, cô ấy đã thể hiện câu chuyện của mình vô cùng đắt. Song song, nhân vật bà ngoại ích kỷ của Trang – bà Lựu (Thanh Hiền) cũng được khắc họa kỹ lưỡng.
Rồi nhân vật mẹ của bà Nga bún riêu – bà Mùi (NSƯT Minh Phương) cũng được lột tả là một người phụ nữ với những nỗi niềm riêng. Đặc biệt là nhân vật mẹ chồng xéo xắt của bà Nga. Và tôi còn nhớ đến những “chị ba cô bảy” – những chị em hàng xóm cho bà Nga mượn nợ nữa… Tựu chung họ đều là nhân vật phụ, kết thúc vai diễn sớm nhưng được biên kịch hết sức chăm chút.
Điển hình, mới đây, trong tập 20, biên kịch lại thêm thắt vào mạch phim câu chuyện của một nữ phụ khác. Cô lái xe đi bán trái cây để nuôi mẹ bệnh, rồi chạy lòng vòng đến mức trúng nắng ngất xỉu, được bà Nga (NSƯT Thanh Quý) tận tình cứu giúp. Cả hai trò chuyện với nhau. Tôi thấy chi tiết này không dở, nhưng không cần thiết lắm. Tôi không biết nhân vật này có lại xuất hiện trên phim nữa không? Nếu không thì sự sáng tạo ra một nhân vật mới trong tình huống này là khá uổng.
Lại nói đến dàn chính, riêng câu chuyện giữa Vân Trang và mẹ ruột đã dây mơ rễ má đến nhiều nhân vật lớn, nhỏ khác nhau. Đầu tiên phải kể đến là Duy (Đình Tú) – cũng là nam chính trong phim. Sự liên kết giữa Duy và mẹ ruột Trang, với ông chủ tịch rồi kéo theo câu chuyện quá khứ vào chục năm trước đã làm dày tình tiết phim lên gấp bội.
>> Xem thêm: Vân Trang công tư thiếu phân minh: Duy bị bắt thử việc thêm 1 tháng
Rồi ông chủ tịch, tuy chỉ là nhân vật nhỏ, nhưng lại là người nắm giữ nút thắt cho toàn bộ những hiểu lầm giữa Trang và mẹ ruột. Ông là nhân chứng duy nhất chứng thực được cho hoàn cảnh của mẹ ruột Trang suốt ngần ấy thời gian. Sự có mặt của ông ấy còn hứa hẹn đem lại nhiều cách trở mẹ con Trang trong tương lai nữa. Tôi nhìn mặt ông là thấy không tốt lành gì rồi.
Phim chủ yếu xoay vần giữa chuyện của Vân Trang – mẹ ruột, Vân Trang – Duy rồi mẹ ruột – Duy, sau đó lại chuyển cảnh sang chuyện mẹ chồng – nàng dâu với những bất mãn không có gì mới của nhà Vân Khánh (Lan Phương), rồi tập khác lại đổi spotlight qua chuyện đi làm, đi học của cô em Vân Vân (Ngọc Huyền) cùng những màn thả thính bay lả tả với anh chủ quán – Đông Phong (Doãn Quốc Đam). Cuối cùng là vài đoạn ở quán bún bà Nga.
Nói chung, do mảng chính (trừ vai trung tâm – bà Nga) có đến tận 3 tuyến nhân vật – 3 cặp đôi, lại thêm những vai phụ vô tình bước vào đời nhau nữa, thành ra trong một tập không thể khai thác hết, nên khi xem tôi cứ cảm giác nhịp phim hơi chậm, hơi dàn trải lúc người này, khi người khác.
Phim hay mà “nặng” nhân vật quá nên “tải” chậm nữa khiến tôi cứ bị tiếc, cảm giác xem mỗi tập đều chưa đã, hay đó là dụng ý biên kịch đây ta? Nói chứ, Thương Ngày Nắng Về đối với tôi vẫn là một bộ phim có kịch bản xây dựng chắc tay, dù hơi “ngộn” nhân vật một chút. Tôi vẫn sẽ theo dõi những tập tiếp theo để xem diễn biến câu chuyện sắp tới như thế nào. Có gì hấp dẫn, mới lạ tôi sẽ chia sẻ thêm với các bạn, nhớ đón xem nha!
>> Xem thêm: Thương Ngày Nắng Về: Nói không yêu nhân viên, Phong cũng phải lòng Vân
Bài viết của NNgân trên DienAnh.Net
Nếu bạn cũng mê phim Việt thì theo dõi nhiều bài viết hơn tại đây nha! Còn muốn “hóng hót” tin tức hay ho về những phim khác thì nhanh tay click vào mạng xã hội DienAnh.Net để đọc thêm nhiều điều hay ho nha.
Facebook - bình luận