Đến nay, Thương Ngày Nắng Về đã đi được 1/3 đoạn đường, bộ phim tái hiện lại cuộc sống của một người mẹ đơn thân tần tảo cùng gánh bún để nuôi những đứa con nên người. Ba cô con gái, mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh khác nhau nhưng mẹ chưa từng thiên vị cho ai; đứa nào cũng có chuyện để khiến mẹ phải đau đáu, tìm hướng giải quyết cho ổn thỏa.
>>>Xem thêm: Thương Ngày Nắng Về: Nhà Vân Khánh có biến lớn, bà Nga lại khốn đốn
Người vào vai bà Nga béo là NSƯT Thanh Quý. Nói về cô, người phụ nữ đã quá quen thuộc với những khán giả ngồi trước màn ảnh nhỏ với những vai diễn người vợ, người mẹ trong loạt phim truyền hình của VTV như: Hôn Nhân Trong Ngõ Hẹp, Hoa Hồng Trên Ngực Trái, Nàng Dâu Order , Cả Một Đời Ân Oán, Người Phán Xử,… đa phần là những nhân vật có tính cách sắc sảo, chua ngoa, xéo xắt, luôn mặt cau mày có thể hiện sự khó chịu thường trực.
NSƯT Thanh Quý từng chia sẻ hóm hỉnh về việc cô được chọn vào những vai người phụ nữ khó tính, ghê gớm: "Thực ra, tôi rất muốn được đóng dạng vai là những người phụ nữ lam lũ, vất vả, mưu sinh. Tôi thấy người phụ nữ Việt rất đáng quý và đáng trân trọng. Họ luôn hi sinh hết mình vì gia đình. Tôi cũng từng trả lời là rất muốn được nhận những vai vất vả, khó khăn như vậy nhưng chắc do hình thể của mình béo tốt quá, đầy đủ quá nên không được. Vì vậy, tôi thường được các đạo diễn mời vào những vai sắc sảo, ghê gớm".
Và thật may mắn, trong lần quay lại này NSƯT Thanh Quý đã có cơ hội để thay đổi hình tượng là một phụ nữ lam lũ, truân chuyên, tần tảo đúng như mong ước của cô từ trước đến giờ.
Qua sự diễn xuất của NSƯT Thanh Quý, bà Nga hiện lên với đúng chuẩn mực của người mẹ Việt Nam cả đời vất vả, lam lũ, lận đận. Thời trẻ bị mẹ chồng coi khinh vì “ăn cơm trước kẻng”, chồng mất sớm, một mình nuôi con đến khi con trưởng thành thì mẹ vẫn phải lo lắng đủ thứ chuyện và bà luôn ý thức được điều đó nên đã dặn cô con gái lớn Vân Khánh (Lan Phương): “Làm mẹ bao giờ chết mới hết lo con ạ”.
Nét diễn rất đời của NSƯT Thanh Quý đem lại những cảm nhận chân thực cho khán giả, nếu ai đã và đang làm mẹ chắc chắn sẽ thấy được hình ảnh của mình trong bà Nga. Tôi thật sự thấy nể phục NSƯT Thanh Quý, cô đã không ít lần phải ứa nước mắt vì thương cho bà Nga. Cả cuộc đời vất vả nhưng lúc nào cũng bị coi khinh, thời trẻ thì bị mẹ chồng ganh ghét, đến khi về già thì lại bị thông gia coi là “người giúp việc theo giờ”.
Tôi ấn tượng và đã rơi lệ cùng bà Nga trong hai phân cảnh. Đầu tiên là lúc bà Nga bị Vân Khánh mắng té tát, người mẹ ngỡ ngàng khi không hiểu tại sao con mình lại có thể làm như vậy? Phải chăng không thể làm gi được mẹ chồng nên Vân Khánh đã trút giận lên chính mẹ đẻ của mình và từ đó mà tôi biết được “Điều dễ dàng nhất chính là làm tổn thương người thân của mình”. Lúc đó, tôi vừa tức Vân Khánh, vừa thương cho bà Nga.
Phân cảnh thứ hai khiến tôi xúc động là một phân cảnh tĩnh, đơn giản nhưng sâu lắng. Bà Nga dù giận con nhưng vẫn đứng từ xa ngóng theo con với đôi mắt đã ngấn đầy lệ, thế mới hiểu được người mẹ thương con đến nhường nào, đứa con dù có sai trái với mẹ nhưng mẹ vẫn luôn tha thứ, che chở cho con.
NSƯT Thanh Quý đã đem lại một hình ảnh người mẹ gần gũi, bao dung khiến cho “những đứa con” khi xem phim biết yêu thương mẹ mình hơn và cố gắng để không bao giờ mắc lỗi với mẹ của mình. Sự gần gũi mà NSƯT Thanh Quý đem lại có lẽ một phần xuất phát từ hoàn cảnh ngoài đời của cô; ở ngoài đời cô cũng là một người mẹ sống với con gái và cháu ngoại sau hai lần đổ vỡ trong hôn nhân. Điều đó làm cho NSƯT Thanh Quý hiểu được sự vất vả của người mẹ đơn thân và đưa nhân vật thăng hoa bằng chính những cảm xúc, từng trải của bản thân.
Nếu như bà Nga là hình ảnh phản chiếu của người mẹ tần tảo thì ba cô con gái Vân Khánh – Vân Trang (Huyền Lizzie) – Vân Vân (Ngọc Huyền) là thiện thân của những người trẻ. Mỗi cô con gái lại thể hiện chính chúng ta trong từng giai đoạn cuộc đời.
Vân Vân – Cô sinh viên mơ mộng với những hoài bão tương lai
Vân Vân – Cô em út hay mộng mơ là hình ảnh của chúng ta thời sinh viên với nét hồn nhiên với những dự liệu trong trong tương lai. Vừa đi học, vừa đi làm để cố gắng tích lũy thêm kinh nghiệm. Nhưng sinh viên nào cũng thế, làm ít như tiêu nhiều, thế là tháng nào cũng phải xin thêm tiền của cha mẹ.
Vân Trang – Thành công trong sự nghiệp nhưng lại “ế”
Tiếp đến là cô chị Vân Trang – Người con gái chăm chỉ, chu đáo, thấu hiểu nhất của bà Nga. Chắc vì có xuất phát điểm từ một hoàn cảnh khó khăn nên Vân Trang lúc nào cũng là đứa con thấu hiểu cho mẹ nhất, sự chăm chỉ đã giúp Vân Trang có một sự nghiệp hoàn hảo cùng cuộc sống đáng mơ ước của một cô gái.
Nhưng cũng chính vì quá chú tâm vào công việc nên Vân Trang “quên luôn” việc thành gia lập thất, cô con gái này khiến bà Nga “nóng ruột” vì mối nào Trang cũng không ưng. Bà Nga vẫn luôn mong được tham gia một đám cưới linh đình của con gái, để được nở mặt nở mày với bà con hàng xóm. Vì trong quá khứ thì bà đã cưới trong sự ‘bắt buộc” khi “ăn cơm trước kẻng”, tương tự là cô con gái lớn Vân Khánh.
Vân Trang là tấm gương phản chiếu của những người trẻ thành công nhưng gặp duy nhất một vấn đề là việc lập gia đình. Việc chúng ta dành hết thời gian, tâm huyết để phát triển sự nghiệp đến lúc nhớ ra mình phải lập gia đình thì đã quá lứa lỡ thì. Phần cũng do bản thân đã có mọi thứ và có thể tự chăm sóc cho bản thân nên cảm thấy không cần thiết phải nghĩ đến chuyện lập gia đình.
Vân Khánh – Luôn bộn bề với cuộc sống trong gia đình nhỏ, bị mẹ chồng hành lên xuống
Làm dâu chưa bao giờ là dễ dàng với một cô gái, đứa con gái lớn của bà Nga dường như lại “đi vào vết xe đổ” của chính mẹ mình khi xưa. Và giờ đây phải chật vật để cân bằng giữa công việc và gia đình.
Khi xem phim, tôi cảm thấy rất tức với sự ngang ngược của Vân Khánh khi cô chọn mẹ mình là người để xả mọi ấm ức mà Khánh phải gánh chịu trong suốt thời gian qua. Nhưng khi nhìn lại mình thì tôi chắc chắn chúng ta cũng có đôi lần làm như thế vì ta luôn giữ suy nghĩ mẹ sẽ luôn tha thứ cho mọi lỗi lầm của ta dù lớn, dù nhỏ và trong “bước đường cùng” thì chúng ta đã quên mất cái hậu quả khi làm như thế, quên đi những tổn thương to lớn của người thân khi nghe được những lời đó.
Nhưng ngoài sự bực tức dành cho Vân Khánh thì tôi cũng rất thương và đồng cảm cho hoàn cảnh của Vân Khánh. Cái việc làm trong quá khứ tuyệt nhiên đã khiến cô chưa từng được mẹ chồng coi trọng. Bà Hiền (NSND Lan Hương) lúc nào cũng coi thường con dâu, luôn tìm cách để hành và bòn rút túi tiền của Vân Khánh. Ở công ty thì công việc không bao giờ suôn sẻ, về đến nhà lại tất bật với con cái, “chướng tai gai mắt” với ông chồng như trẻ con.
Thử hỏi bất cứ ai trong cái hoàn cảnh ấy cũng phải phát điên lên mà chẳng nghĩ được cái gì chu đáo nữa. Chỉ có chỗ dựa duy nhất là người mẹ ruột của mình. Lan Phương đã diễn rất đạt để lột tả được một Vân Khánh luôn gặp trắc trở, khó khăn trong cuộc sống, lúc nào cũng xuất hiện với những giọt nước mắt.
Dù mới chỉ phát sóng được 12 tập nhưng Thương Ngày Nắng về đã khiến cho chúng ta sống trong những cảm xúc dâng trào khó tả, để chúng ta được sống cùng với nhân vật và tìm thấy chính mình trong bộ phim. Hi vọng trong thời gian tới bộ phim sẽ tiếp tục giữ vững phong độ để cho mỗi khán giả cảm thấy sự ngóng chờ từng tập phim của mình là hoàn toàn xứng đáng.
>>>Xem thêm: Bà Nga – Vân Khánh: Chuyện mẹ con cãi nhau, xem mà ngẫm lại nhà mình
*Bài viết của Lindo trên Dienanh.Net
Nếu bạn cũng mê phim Việt thì theo dõi nhiều bài viết hơn tại đây nha! Còn muốn “hóng hót” tin tức hay ho về những phim khác thì nhanh tay click vào mạng xã hội DienAnh.Net để đọc thêm nhiều điều hay ho nha.
Facebook - bình luận