Sau khi 11 Tháng 5 Ngày kết thúc, bộ phim Thương Ngày Nắng Về nối sóng và nhận được hiệu ứng còn cao hơn “người đi trước”. Vốn dĩ Bé Ba đã nghĩ, khán giả vừa mới xem xong một tựa phim dài hơi về chủ đề gia đình như Hương Vị Tình Thân thì hẳn là khá ngán ngẩm với nội dung kiểu này, thế mà có ngờ đâu, sức hút của bộ phim mới cũng chả hề kém cạnh. Có vẻ như đề tài gia đình, những drama trong cuộc sống luôn được yêu thích nhỉ, nhân vật càng gặp sóng gió thì khán giả lại càng quan tâm.
Chỉ trong vài tập đầu, Thương Ngày Nắng Về thực sự đã gặt hái thành công lớn khi nhận được mức độ thảo luận cao trên mạng xã hội. Câu chuyện về một làng quê nghèo Bắc Bộ của những năm 1995 cùng với thân phận những người phụ nữ ở nơi đó đã chạm đến trái tim của người xem, trong đó có tui. Nhưng đúng ra mà nói, tui quan tâm đến cô bé Hoa - con gái chị Yến hơn. Mới tí tuổi đầu mà moi người hãy bảo “hỉ mũi chưa sạch” nhưng Hoa lại hiểu chuyện, tâm lý và khéo léo. Cơ mà kiểu này thì tui đoán số con bé thực sự vất vả đấy.
Ở những tập đầu phim, vì nghèo khó mà gia đình mang nợ, chị Yến phải ký hợp đồng với một gã nhà giàu để có tiền, nhưng điều kiện là phải rời xa đứa con gái để vào Sài Gòn sinh sống, xem như thay đổi cuộc đời. Dù rất thương con nhưng chẳng còn cách nào khác, chị Yến đã phải gửi bé Hoa cậy nhờ chị Nga bán bún riêu nuôi hộ với một khoản tiền “góp gạo”, và cũng từ đây thì cuộc sống của chị Yến, gia đình chị Nga và cả bé Hoa đã thay đổi hoàn toàn.
Phim buồn lắm ý chứ, nhưng tui lại nhận ra một số bài học từ chính những tập phim này về cách dạy con của bố mẹ cũng như việc phụ huynh cũng cần nắm bắt tâm lý con trẻ, đừng đơn giản nghĩ “chuyện trẻ con” mà lơ là cảm xúc của chúng nó. Để tui nói thử xem có đúng không nhé.
1. Đừng hứa với con nếu bản thân không làm được
Tui tin chắc rằng có không ít người xem phim Thương Ngày Nắng Về giận chị Yến vì đã không giữ lời hứa với bé Hoa. Cô bé nhỏ hạt tiêu nhưng cũng đã nắm bắt tình hình rất nhanh, biết được chuyện gia đình rối ren, bà ngoại không yêu thương gì mình còn ông cậu chỉ quan tâm đến tiền, vậy nên Hoa đặt hết tình cảm và sự tin tưởng vào mẹ. Khi chị Yến thu xếp đồ đạc hòng đi Sài Gòn và muốn đưa Hoa gửi nhờ nhà người khác, con bé linh cảm nên nói rằng:
“Mẹ! Còn mẹ lúc nào cũng phải mang theo con, mẹ nhé! Mẹ sẽ bỏ con đi à? Mẹ cho con ăn phở, mua cho con chiếc vòng này, rồi mẹ sẽ bỏ đi à? Mẹ hứa nhé. Con sẽ ở yên đây đợi mẹ về. Mẹ sẽ về nhanh đúng không ạ? Mẹ mà không về, nhất định con sẽ đi tìm mẹ đấy”.
Chị Yến đã hứa nhưng không thể giữ lời. Người phụ nữ ấy đã phải dứt áo ra đi trong một trưa trời đổ cơn mưa nặng hạt, ông trời khóc thay cho thân phận của hai mẹ con. Vì lời hứa ấy mà bé Hoa vẫn luôn tin rằng, “mẹ sẽ đi một chút thôi rồi về với con”. Kể cả khi nhiều ngày trôi qua, Hoa vẫn ngóng đợi mẹ, có một niềm tin mãnh liệt rằng mẹ sẽ về, sẽ lại vui cùng con, dạy con đạp xe, chuyện trò với con, ăn bữa cháo do tự tay con bé nấu.
Dĩ nhiên, việc chị Yến không giữ lời hứa đã gieo một điểm đen vào tâm trí của Hoa. Sau này lớn lên, cô bé được mẹ Nga đặt tên là Vân Trang nhưng vẫn luôn vịn vào lời hứa ấy mà đi tìm mẹ, để rồi lúc nhận ra bà thì bà lại không biết đây là bé Hoa của mình năm nào. Tui xem qua trích đoạn ở tương lai của Vân Trang (do Huyền Lizzie đóng) mà thấy càng thương cảm cho cô gái ấy. Vì một lời hứa mà Hoa / Vân Trang đã tin trong suốt hàng chục năm qua, dẫu cho có thể người mẹ đã không còn nhớ đến cô nữa.
Ở ngoài đời, tui thấy các phụ huynh vẫn hay rất hứa với con trẻ, rằng sẽ mua cái này, cho cái kia, làm cái nọ cho con. Có lúc, chỉ là lời hứa đơn giản kiểu như, ”một lát nữa mẹ sẽ chơi với con”, “bố làm việc xong sẽ đưa con đi chơi”… nhưng rồi cũng không thể làm được. Với người lớn, lời hứa chỉ là một lời nói nhưng với con cái, lời hứa là một sự ước hẹn để chúng nó chờ đợi, đặt niềm tin rằng bố mẹ sẽ làm.
Vậy nên, tui khuyên các anh chị - những người làm bố làm mẹ (hoặc trong tương lai) hãy cẩn trọng với lời hứa của mình, đừng để thời gian lâu dần, con cái cũng học cái tính “hứa mà không làm” từ chính phụ huynh của mình, hoặc chúng nó sẽ tổn thương vì không được giữ lời nhé.
>>>Xem thêm: Thương Ngày Nắng Về: Vân Khánh ích kỷ khi san sẻ tình thương với Hoa
2. Đừng xem thường chuyện ganh ghét của con trẻ với nhau
Trong phim Thương Ngày Nắng Về, kể từ khi bé Hoa về nhà của chị Nga thì con gái lớn Vân Khánh tỏ ra khó chịu. Không dưới 10 lần tui nghe Vân Khánh đòi bố mẹ phải đưa con bé kia đi chỗ khác, rằng Khánh rất không thích chơi cùng. Đến mức, tui ngạc nhiên vì thái độ sân si, khó chịu ra mặt của Khánh, gây áp lực nếu như bé Hoa không đi thì Khánh sẽ đi.
Để rồi khi anh Mậu làm 2 chiếc lồng đèn cho mỗi người, Vân Khánh tức giận và có thái độ cư xử không tốt với Hoa. Thay vì khuyên giải con, người bố lại tác động mạnh càng thêm khiến Vân Khánh tin rằng, vì sự xuất hiện của con bé lạ mặt kia mà bố mắng mẹ la mình.
Con trẻ ganh ghét nhau có khi chỉ là chuyện vụn vặt tạo nên. Tranh một món đồ chơi, người kia có thêm một miếng cánh gà, hoặc đối phương được cưng chiều ngang ngửa mình. Hiển nhiên ai đang là vị trí “độc nhất vô nhị” mà bỗng dưng xuất hiện thêm một người khác “tranh sủng” thì chẳng dỗi hờn cơ chứ. Vậy nên với Vân Khánh, cô bé chỉ mới 10 tuổi thì việc có thêm một nhỏ em ở trong nhà không phải điều dễ dàng chấp nhận.
>>>xem thêm: Thương Ngày Nắng Về: Làng quê Bắc Bộ những năm 95 bình yên mà buồn
Một khi đã ghét thì bao lý do cũng không đủ, Hoa không có lỗi, nhưng Khánh cũng không phải đáng trách hoàn toàn. Giá như anh Mậu chị Nga chú ý đến thái độ của con gái hơn, không mặc kệ để tự tung tự tác thì có lẽ, Hoa với Vân Khánh sẽ dễ hoà đồng với nhau, để cho con gái chị Nga không bỏ sang nhà bà ngoại để bố mẹ lo sốt vó còn bà ngoại thì nổi trận lôi đình.
Ở ngoài đời, tui cũng thấy nhiều gia đình xem nhẹ những mâu thuẫn của con trẻ, cho rằng chả sao đâu, vài tiếng là hết ngay thôi. Nhưng nếu chuyện đó cứ kéo dài không biện pháp thay đổi, không có lời lẽ phân tích khuyên giải các con thì lâu dần sẽ hình thành tính cách ngang ngược, đố kỵ và thậm chí ảnh hưởng đến cuộc sống lúc trưởng thành.
Do phim chưa chiếu tới thời hiện đại nên tui không rõ Vân Khánh sau này có thay đổi thái độ với Vân Trang hay không, nhưng trước mắt thì bé Hoa đã rất nhún nhường “chị gái”, cũng chỉ mong cô bé lớn kia sẽ biết suy nghĩ, dẹp bỏ những ganh ghét kia mà đón nhận cô em gái xinh xắn, ngoan ngoãn của mình.
3. Yêu thương đồng đều, đừng lấy con cái ra so sánh với nhau
Thực ra ý này cũng có liên quan đến chuyện con trẻ ganh ghét nhau nhưng tui muốn tách riêng ra vì nó cũng khá độc lập. Trong phim Thương Ngày Nắng Về, anh Mậu khen bé Hoa viết chữ đẹp, bảo Vân Khánh phải học hỏi em nó, là một cách làm sai. Bởi lẽ, chẳng ai thích mình bị so sánh với người khác, nhất là khi người kia làm tốt hơn mình. Bản chất Vân Khánh không thích Hoa nên việc anh Mậu làm như vậy chỉ tổ khiến con gái khó chịu thôi.
Sau này, khi Vân Khánh khiến gia đình lo lắng vì bỗng dưng biến mất, hoá ra sang nhà bà nội, thì chính chị Nga cũng thiếu ý tứ mà trách con gái. Rầy la dạy bảo con trẻ là điều nên làm, nhưng cũng đừng so sánh con mình với người khác, hoặc so giữa các con với nhau để tạo nên khoảng cách, sự ghét bỏ nhau. Con nào cũng là con, có xấu thì mình dạy, có đẹp thì mình khen ngợi, chứ đừng vì đứa này nhỉnh hơn mà lại khiến đứa kia buồn lòng, tủi thân. Con trẻ nhạy cảm lắm, chỉ cần khéo léo trong nuôi dạy con là gia đình vui vẻ cả thôi.
Đấy, chung quy đó là vài ý mà tui rút ra được từ những tập phim Thương Ngày Nắng Về vừa qua. Bé Ba hy vọng khán giả cũng yêu thích bộ phim này, dõi theo hành trình trưởng thành của Hoa - sau này là Vân Trang, cũng như Vân Khánh rồi bé út Vân Vân nhé. Tui tin chắc các bạn sẽ không thất vọng với tựa phim này của VTV3 đâu.
>>>Xem thêm: Thương Ngày Nắng Về: Bi kịch bắt đầu từ đồng tiền
Bài viết của Bé Ba Khó Tính trên DienAnh.Net
Nếu bạn cũng mê phim Việt thì theo dõi nhiều bài viết hơn tại đây nha! Còn muốn “hóng hót” tin tức hay ho về những phim khác thì nhanh tay click vào mạng xã hội DienAnh.Net để đọc thêm nhiều điều hay ho nha!
Facebook - bình luận