Phim chuyển thể từ tác phẩm văn học Việt Nam từ lâu đã trở thành đề tài không hề xa lạ đối với khán giả màn ảnh. Hãy cùng điểm qua một số tác phẩm làm mưa làm gió từ trước đến nay của điện ảnh nước nhà nhé!
1. Vợ Chồng A Phủ (1961)
Vợ Chồng A Phủ là một trong những bộ phim tiên phong cho trào lưu làm phim chuyển thể từ tác phẩm văn học Việt Nam. Dù chỉ được thực hiện dưới dạng phim trắng đen, nhưng dự án này đến hiện nay vẫn được chiếu đi chiếu lại trong các giờ học tại các trường trung học phổ thông.
Không cần nhắc lại quá chi tiết về nội dung, vì hầu như bất kỳ ai trong chúng ta đều đã quá quen thuộc với cốt truyện này. Tô Hoài là một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại, vì vậy Vợ Chồng A Phủ có sức nặng cực kỳ lớn đối với khán giả.
Bộ phim là bức tranh khắc họa chân thực những đau khổ, áp bực của chế độ phong kiến đối với người phụ nữ, khiến họ phải vùng dậy đấu tranh để giành lại tự do, hạnh phúc cho bản thân.
2. Chị Dậu (1980)
Cũng là tác phẩm chuyển thể nói về người phụ nữ, nhưng cách thể hiện của hai ngòi bút tài năng của văn học Việt lại hoàn toàn khác nhau. Nếu Tô Hoài mang đến khát vọng sống, mở ra niềm hy vọng thì Ngô Tất Tố lại chọn cách miêu tả hiện thực khốc liệt và tàn nhẫn hơn, một bối cảnh xã hội dù người phụ nữ có cố gắng thế nào cũng không thể thoát ra khỏi “bóng tối” ấy.
Trước Cách mạng Tháng Tám, nào có người nông dân nào sống trong hạnh phúc, tự do, cuộc sống ai cũng chìm trong lầm than và đói khổ. Vì quá nghèo, chị Dậu phải con cả chó lẫn con để nộp thuế cho bọn cường quyền. Nỗi thống khổ, ai oán trời không thấu, đất không nghe.
3. Làng Vũ Đại Ngày Ấy (1982)
Làng Vũ Đại Ngày Ấy được xem là một trong những bộ phim kinh điển chuyển thể từ tác phẩm văn học Việt Nam. Ra mắt trong thời điểm điện ảnh nước nhà còn nhiều hạn chế, nhưng không thể phủ nhận sức hút cực kỳ lớn của dự án này khi liên tục nhận về những giải thưởng danh giá.
Từ những câu chuyện độc lập, cả ba nhân vật Lão Hạc, Chí Phèo, giáo Thứ đều được xuất hiện trong bối cảnh làng Vũ Đại vào những năm trước Cách mạng Tháng 8 – 1945. Mỗi người đều có những bi kịch riêng nhưng quanh đi quẩn lại vẫn là sự bế tắc, thống khổ không có lối thoát.
4. Cánh Đồng Bất Tận (2010)
Cánh Đồng Bất Tận là bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Khi vừa ra mắt, tác phẩm đã nhận được rất nhiều lời tán dương của giới phê bình bởi nội dung bám sát nguyên tác, dàn diễn viên hóa thân tròn vai, khiến người xem cực kỳ xúc động.
Bộ phim mở đầu với cảnh Sương (Đỗ Hải Yến) bị đánh ghen tàn nhẫn phải trốn lên ghe của cha con ông Tư ( Dustin Nguyễn) trốn thoát. Sau đó, cuộc đời cô bắt đầu chuỗi ngày rày đây mai đó, lênh đênh trên sông nước tương tự như hai đứa trẻ Điền (Thanh Hoà), Nương (Lan Ngọc).
Bốn nhân vật với những suy nghĩ, nội tâm tổn thương, cứ thế nương tựa và vỗ về tâm hồn nhau. Nhưng số phận bi kịch vẫn không ngừng buông tha cho họ.
5. Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh (2015)
Không có quá nhiều tình tiết cao trào, nhưng Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh vẫn dễ dàng chạm đến trái tim khán giả bởi diễn xuất hồn nhiên, ngây thơ của ba nhân vật chính Thịnh Vinh, Trọng Khang và Thanh Mỹ.
Bộ phim điện ảnh do Victor Vũ thực hiện được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tuy không hoàn toàn bám sát nguyên tác bởi giới hạn về thời gian, nhưng Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh vẫn nhận được đánh giá rất cao từ công chúng.
Những lát cắt về thời niên thiếu với những mơ mộng, bồng bột, rung động đầu đời, thậm chí là đố kỵ lẫn nhau khiến người xem không khỏi thổn thức về quãng thời gian tươi đẹp nhất mà không ai có thể quay lại được.
6. Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể (2016)
Lấy cảm hứng từ truyện cổ tích dân gian Tấm Cám, tác phẩm của Ngô Thanh Vân khiến người xem không khỏi choáng ngợp bởi sự đầu tư khủng vào bối cảnh, nội dung lẫn kỹ xảo. Nhằm mang đến trải nghiệm độc đáo và mới lạ hơn cho khán giả, ekip sản xuất đã mạnh dạn thêm thắt các tình tiết mới khiến dư luận chia thành 2 luồng ý kiến khen – chê khác nhau.
Vẫn là cuộc chiến thiện – ác giữa nàng Tấm hiền lành và mụ dì ghẻ, cô Cám mưu mô, thủ đoạn, nhưng thêm vào đấy, Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể còn là cuộc chiến tranh quyền đoạt vị của các thế lực đen tối trong triều đình. Không đơn thuần chỉ là màu sắc cổ tích, bộ phim còn mang dáng vóc một bom tấn hành động với những phân cảnh chiến đấu khốc liệt, đẫm máu.
7. Cô Gái Đến Từ Hôm Qua (2017)
Sau thành công của Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, Cô Gái Đến Từ Hôm Qua là bộ phim tiếp theo chuyển thể từ bộ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được đưa lên màn ảnh rộng. Dự án của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh quy tụ dàn sao trẻ đình đám Miu Lê, Ngô Kiến Huy, Jun Phạm, Hoàng Yến Chibi,…
Vào những năm tháng thanh xuân, ai lại không một lần “lên bờ xuống ruộng” vì lỡ crush thầm một ai đó. Thư (Ngô Kiến Huy) – thanh niên ham chơi, học dốt, luôn tự tin với niềm “kiêu hãnh” đàn ông nhưng cũng không ít lần khốn đốn vì thích thầm cô bạn cùng lớp Việt An (Miu Lê).
Tính cách kiêu kỳ, sớm nắng chiều mưa của crush, khiến Thư không khỏi khó hiểu và liên tục so sánh Việt An với Tiểu Ly (Hà Mi) – cô bạn thuở nhỏ nghe lời, và ngoan hơn Việt An.
8. Mắt Biếc (2019)
Mắt Biếc được đánh giá là bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học Việt Nam thành công nhất tính đến thời điểm hiện tại mà không cần bất cứ cái tên bảo chứng phòng vé nào. Lựa chọn hai gương mặt mới toanh Trần Nghĩa cho vai Ngạn và Trúc Anh cho vai Hà Lan, được cho là bước đi táo bạo và khá rủi ro đối với Victor Vũ.
Khi vừa ra mắt, Mắt Biếc đã nhanh chóng trở thành hiện tượng phòng vé, gây sốt trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng. Bộ phim là câu chuyện tình yêu đơn phương của Ngạn dành cho Hà Lan từ thuở tấm bé đến khi trưởng thành. Cả hai đã lớn lên bên nhau tại làng Đo Đo, cùng tạo nên những hồi ức tươi đẹp, nhưng Ngạn đã đánh mất Hà Lan khi cô lên thành phố và sa vào lưới tình của Dũng.
Dù kết quả cho mối tình nông nỗi ấy là sự ra đời của Trà Long (Thúy Vân) nhưng trái tim Ngạn vẫn vẹn nguyên dành cho mối tình đầu. Một tình yêu chấp niệm, day dứt khiến người xem không thể cầm được nước mắt.
9. Cậu Vàng (2021)
Trái ngược với loạt thành tích ấn tượng của các bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học Việt Nam nói trên, những tác phẩm ra mắt trong năm 2021 đều trở thành những thảm họa.
Được pr là dự án tái hiện cuộc đời cơ cực, thống khổ về cuộc đời lão Hạc –nhân vật nổi tiếng trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao, nhưng những gì ekip Cậu Vàng mang đến cho người xem chỉ là những mớ hỗn đạo về cảm xúc lẫn nội dung. Vì xem thường ý kiến khán giả, ngôn ngữ điện ảnh “không tới nơi tới chốn”, Cậu Vàng đã trở thành thất bại lớn khi doanh thu ảm đạm và ê chề nhận về vô số chỉ trích.
10. Kiều (2021)
Công chúng chưa kịp “hoàn hồn” sau cú sốc của Cậu Vàng thì lại phải tiếp tục “sang chấn tâm lý” vì sự xuất hiện thảm họa của Kiều – bộ phim điện ảnh được “gắn mác” chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du.
Từ một dự án được người xem vô cùng trông chờ, Kiều nhanh chóng ngập trong “gạch đá”, búa rìu dư luận vì phá hỏng kiệt tác văn học từ lâu đã trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt.
Kiều (2021) sử dụng lát cắt trong cuộc đời trắc trở của nhân vật Kiều khi gặp Thúc Sinh. Dù là người đã vợ là Hoạn Thư, Thúc Sinh vẫn ngày đêm chìm đắm trong tình yêu với Kiều, khiến cuộc đời cô trở nên bi kịch.
Phim chuyển thể từ tác phẩm văn học Việt Nam là một nền tảng khá tốt để các nhà làm phim tận dụng được lượng fan hâm mộ có sẵn và xây dựng nên một kịch bản thành công. Nhưng điều này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu dự án không bám sát nguyên tác sẽ dễ bị sa vào “tội” phá hỏng tác phẩm gốc. Theo bạn, đâu là dự án chuyển thể khiến bạn hài lòng nhất?
Facebook - bình luận