Sau khi xem xong Venom: Let There Be Carnage tại rạp, thực sự thứ đọng lại trong đầu Pa Bích chỉ là cuộc chiến cuối cùng giữa Venom và Carnage cũng như after-credit gợi ý về việc Venom kết nối với MCU. Những thứ còn lại trong phim gần như trôi tuột khỏi đầu vì quá nhạt nhòa.
Việc Venom phần đầu tiên thành công rực rỡ về mặt doanh thu bất chấp đánh giá không tốt từ giới phê bình có lẽ khiến Sony cảm thấy hài lòng và cho ra mắt phần thứ 2 với hi vọng công thức cũ sẽ tiếp tục phát huy tác dụng. Nhưng với lần trở lại này, Venom: Let There Be Carnage theo Pa Bích là một bước thụt lùi đáng kể của hãng phim.
Venom: Let There Be Carnage do Andy Serkis đạo diễn, với sự tham gia của Tom Hardy, Woody Harrelson, Naomi Harris và Michelle Williams. Phần tiếp theo này kể về câu chuyện của Eddie Brock (Tom Hardy), cố gắng chung sống với Venom, sinh vật cộng sinh đến từ ngoài hành tinh.
Tên sát nhân Cletus Kasady trong lúc gặp mặt Eddie Brock tại nhà giam đã cắn vào tay anh. Sự việc này khiến máu Eddie có chứa dịch của Venom xâm nhập vào cơ thể Cletus và tạo ra symbiote mới là Carnage. Từ đó, cuộc đối đầu giữa 2 sinh vật cộng sinh mạnh mẽ bắt đầu.
Dù Venom 2 giới thiệu về Carnage, mang symbiote nổi tiếng trong truyện tranh này lên màn ảnh để đối đầu với Venom, nhưng lại chưa đủ hấp dẫn bởi kịch bản dễ đoán, nửa đầu phim dài dòng, lê thế và kết phim lại diễn ra gấp gáp, không trọn vẹn.
>> Xem thêm: Carnage trong Venom 2 khác biệt thế nào với truyện tranh?
Nhịp độ là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong bất kỳ bộ phim nào. Nếu quá chậm, khán giả sẽ buồn ngủ và mất kiên nhẫn. Còn nếu quá nhanh, người xem sẽ bỏ qua những tình tiết và câu chuyện cùng các nhân vật dễ tạo cảm giác dồn dập về cuối. Venom: Let There Be Carnage chính là bộ phim lai tạp, khi mở đầu tạo nhịp phim chậm nhưng cuối phim lại cuống cuồng để chạy về đích.
Có một vài khoảnh khắc thú vị trong phim, nhưng cách khai thác chưa đến nơi đến chốn, thật sự phí! Pa Bích có cảm giác phim tạo ra chỉ để ăn theo phần đầu tiên. Chấm hết. Còn lại nội dung thì kiểu “sao cũng được”, miễn có cảnh Venom chiến đấu hoành tráng với Carnage là có tiền.
Theo Pa Bích, Andy Serkis không phải là một đạo diễn giỏi, ít nhất là khi cầm trịch Venom: Let There Be Carnage. Điểm sáng của phim có thể dồn vào cảnh chiến đầu giữa Venom và Carnage, có nghĩa là những phần khác có cảm giác như được tạo ra để lấp đầy thời lượng chứ không nhằm mục đích dẫn dắt câu chuyện.
Tom Hardy dường như “gánh còng lưng” khi vừa diễn vai Eddie Brock, vừa lồng tiếng cho Venom. Còn các diễn viên khác đều mạnh ai nấy thể hiện, thiếu sự kết nối.
Tỷ lệ nghịch với nội dung nhạt nhòa, hiệu ứng hình ảnh trong phim khá ấn tượng, Venom và Carnage tạo ra cảm giác như những sinh vật hữu hình. Tuy nhiên, phần hiệu ứng âm thanh cũng chưa thực sự phát huy hết công suất để làm nổi bật cảnh phim, trong khi Venom 2018 đã làm rất tốt về phần này.
Có một sự kì lạ trong Venom: Let There Be Carnage là phần phim chính mấy tiếng lại không hấp dẫn và lôi cuốn như cảnh after-credit vỏn vẹn 2 phút trong phim. Cảnh after-credit có lẽ là thứ mà Pa Bích nhớ và muốn bàn tán về nó nhất, vậy mới thấy bộ phim này sai đến mức nào.
>> Xem thêm: Venom của Tom Hardy đối đầu Người Nhện của Tom Holland, ai sẽ thắng?
Nếu muốn xem phim chỉ thuần giải trí thì Venom: Let There Be Carnage cũng là lựa chọn không tồi, nhưng vốn dĩ Pa Bích cũng thích nhân vật Venom lẫn Carnage nên phần phim này của Sony thực sự gây thất vọng lớn. Hi vọng nếu có phần tiếp theo, hãng phim sẽ chăm chút hơn về mặt nội dung, ít nhất là tạo ra được câu chuyện nên hồn trước khi nhắm đến những ý tưởng xa vời hơn.
Bạn thấy Venom: Let There Be Carnage có hay không, hãy chia sẻ ý kiến ở phần bình luận nha.
Bài viết được Pa Bích gửi về cho DienAnh.net
Theo dõi DienAnh.net để cập nhật tin tức phim ảnh mới và chính xác nhất.
Facebook - bình luận