Dạo này mạng xã hội đang rần rần chuyện một anh chàng nọ lên sóng chia sẻ vấn đề mâm trên - mâm dưới, trách nhiệm con dâu trong gia đình dòng tộc truyền thống của mình. Nhiều người hóng hớt, trong đó có tôi, cũng cảm thấy phần nào khó chịu, chua chát. Chúng ta đặt câu hỏi là tại sao đến thế kỷ 21 rồi mà người phụ nữ, nhất ở vai trò làm dâu trong gia đình chồng, vẫn còn phải gồng gánh những nghĩa vụ, những “thiên chức” kiểu “mâm dưới” như vậy?
Khi xem Thương Ngày Nắng Về, chắc hẳn các bạn cũng sẽ nhận thấy bộ phim đang khắc họa một câu chuyện tương tự, cùng góc nhìn thực tế đến phũ phàng rằng: hình như xã hội chúng ta từ xưa đến nay dù đã tiến bộ đến đâu đi nữa, vẫn còn những góc khuất trong chuyện làm dâu, khiến những bạn trẻ chưa lập gia đình phải ái ngại, “quay xe” gấp.
>> Xem thêm: Thương Ngày Nắng Về và 6 hình tượng người mẹ, mỗi người một câu chuyện
Trong tập 9 Thương Ngày Nắng Về vừa rồi, cảnh Vân Khánh (Lan Phương) vừa tất bật đi làm, vừa lăng xăng lo cho con cái, lại còn phải thu xếp về nhà mẹ chồng - bà Hiền (NSND Lan Hương) để nấu tiệc 5, 7 món cho bà xun xoe với chị em bạn dì, khiến tôi cảm thấy bức xúc giùm. Thực ra, hầu hạ mẹ chồng cũng không phải là chuyện đáng than thở. Thế nhưng bà mẹ chồng này của Khánh lại vô cùng khó ưa, khó chiều. Đáng ghét nhất là xem thường bà Nga (NSƯT Thanh Quý) - mẹ ruột Khánh ra mặt luôn.
Ai đời thấy sui gia phải chạy ngược chạy xuôi lo cho con cháu mình mà bà Hiền lại có thể thản nhiên nói: “Bà ấy quen lao động chân tay rồi, giờ chăm cháu ngoại một chút thì có làm sao”. Nghe thiệt là tức. Chẳng là bà ấy cứ vin vào chuyện đã từng móc hầu bao mua nhà cho con trai - con dâu lúc mới cưới mà lên mặt với bà Nga thấy rõ: “Thử hỏi bà thông gia bả cho chúng nó được mấy đồng, thế nên bây giờ bà ấy mới phải làm, bả phải trông cháu ngoại cũng là chuyện bình thường…”
Đã vậy, có mặt Khánh ở đó, mà bà Hiền với mấy bà bạn còn nói mẹ ruột người ta là osin - người giúp việc. Tôi nghe còn không chịu nổi. Khánh ở trong bếp phải ghìm lại, nuốt nước mắt vào lòng, thật tội nghiệp!
Nhớ lại đầu phim, chúng ta cũng được biết sơ cảnh làm dâu của bà Nga hồi trẻ. Không được mẹ chồng thương, cuộc sống bà Nga với chồng con bấp bênh, thiếu thốn đủ điều mà không có được sự chia sẻ nào từ phía nhà chồng, thậm chí còn bị chì chiết, móc mỉa. Bà Nga lúc ấy vẫn nín nhịn, một dạ hai vâng, trong khi cô bé Khánh ngày đó đã thể hiện ghét bà nội ra mặt vì làm tổn thương mẹ mình.
Tôi thấy biên kịch xây dựng câu chuyện ngày xưa này rất có dụng ý, để đối chiếu với cuộc sống làm dâu của Khánh ở hiện tại. Chúng ta nhận thấy cô bé láu lỉnh, ăn nói bộc trực ngày xưa đã phải thu mình, nín nhịn mẹ chồng để “vui nhà vui cửa”. Thậm chí, khi thấy người ta khinh thường mẹ ruột mình, cũng không dám lên tiếng thẳng thừng như hồi nhỏ nữa. Tôi nghĩ, cô ấy đã trở nên giống bà Nga, giống những người phụ nữ Việt Nam truyền thống từ bao đời, luôn ráng nghiêm mình khép nép trong thân phận dâu con, không dám bật lại, dù mẹ chồng có oái ăm, quá quắt thế nào đi nữa. Nghĩ mà thương!
Bản thân Khánh phải chịu cảnh phải đi làm xa, mỗi sáng còn tất tả lo con cái ăn uống, đi học, rồi chiều phải tranh thủ làm xong việc để đi rước con về, rồi lại lo tắm rửa, cơm nước cho chúng nó. Chuyện tưởng đơn giản nhưng thực stress lắm! Chúng ta thử phỏng vấn những phụ nữ vừa chăm con, vừa đi làm rằng mỗi ngày của họ trải qua thế nào là đủ biết. Đến việc đưa đón con, tôi lướt ngang các diễn đàn cũng thấy nhiều phụ nữ như Khánh phải tự cáng. Sao mà không xót cho được?
Mà đó mới là chuyện công việc hằng ngày thôi, còn chuyện sinh hoạt với chồng, với bố mẹ chồng, với bà con dòng họ hai bên lại áp lực kiểu khác. Bày một bữa cơm thôi cũng có thể bị soi mói, “vạch lá tìm sâu”, chỗ này mặn, chỗ này ngọt. Mua một cái áo cho bản thân cũng có thể trở thành phung phí, không biết vun vén cho gia đình. Đón con trễ hay dọn nhà chưa sạch là phải chịu mấy lời như “cả ngày làm gì mà đến cái chuyện dọn dẹp, đón con cũng không xong"? Và hằng hà sa số những lời dạy bảo của mẹ, dì, thím, chị kiểu: “làm vợ thì phải biết bla bla bla"…
Như trong phim, vừa xong tiệc tùng, Khánh muốn nhờ chồng mình phụ dọn mà bà Hiền đã sẵn giọng “có mấy cái bát cũng không dọn cho xong…”, rồi mang nghĩa vụ làm dâu ra để bắt cô phải lo cho chồng con ăn uống trước. Bản thân Khánh thì nhịn đói từ chiều, đì làm về rã cả người, vẫn phải rửa chén, dọn dẹp xong xuôi nữa mới được ăn. Quay sang anh chồng, cũng chỉ biết cắm cúi nghe lời mẹ, chẳng nói đỡ cho vợ mình chút nào. Thấy chán nản thay!
Tôi thấy phim đúng thật đời. Hoàn cảnh mấy nhân vật của Thương Ngày Nắng Về mang ra soi xét hệt như chuyện của mẹ tôi, dì tôi, mấy chị em gái tôi. Chuyện làm dâu vốn không của riêng ai mà! Phần lớn các chị em đều xem những tủi cực của phận dâu con như một mẫu số chung của phụ nữ, rồi truyền tục nó từ thế hệ này đến thế hệ khác. Cái sự chua chát “khác máu tanh lòng” ấy, vì vậy mà vẫn âm ỉ kéo dài đến tận bây giờ.
Nói chung phim rất nhân văn, đưa lên nhiều khắc họa chân thật, đời thường về cuộc sống khiến chúng ta phải suy ngẫm. Các bạn đừng bỏ lỡ, hãy tiếp tục theo dõi phim cùng tôi nhé! Chúng ta sẽ cùng bàn luận thêm những khía cạnh hay ho khác.
>> Xem thêm: Thương Ngày Nắng Về: Vân Vân cưng xỉu, thu hút anh chủ “badboy”
*Bài viết của NNgân trên DienANh.Net
Nếu bạn cũng mê phim Việt thì theo dõi nhiều bài viết hơn tại đây nha! Còn muốn “hóng hót” tin tức hay ho về những phim khác thì nhanh tay click vào mạng xã hội DienAnh.Net để đọc thêm nhiều điều hay ho nha.
Facebook - bình luận