Áp lực từ tài chính, công việc, các mối quan hệ đã có lúc khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn. Thậm chí vì thế mà tâm trạng tôi trở nên bất ổn, mệt mỏi và khó chịu với những người xung quanh, làm giảm năng suất công việc và học tập. Tôi nghĩ, có lẽ bạn cũng có lúc như tôi. Và dưới đây là một vài cách giúp gạt bỏ thói quen suy nghĩ nhiều mà tôi muốn chia sẻ với bạn.
1. Học cách chia sẻ
Nếu như không thể thoát khỏi những dòng suy nghĩ về các vấn đề xảy ra, hãy giãi bày tâm sự với người thân hoặc bạn bè. Đây là cơ hội để chúng ta tìm cách giải quyết những khúc mắc của bản thân, không còn cảm thấy phiền muộn nữa.
Hơn thế nữa, đôi khi người trong cuộc không thể nào đưa ra cái nhìn khách quan, cách làm phù hợp. Do đó, việc chia sẻ rất quan trọng, không chỉ giúp chúng ta dễ dàng có được giải pháp mà tâm trạng còn được xoa dịu ổn định hơn.
2. Phân tán suy nghĩ bằng những hoạt động thiết thực trong ngày
Khi cảm thấy bị mắc kẹt với rất nhiều dòng suy nghĩ, hãy thử chuyển dời sự tập trung sang một hoạt động yêu thích. Chúng ta có thể thử tập thể dục, tô màu, đọc sách, đi dạo để cho mình khoảng thời gian bình tĩnh hơn.
Cố ép bản thân phải suy nghĩ để tìm ra giải pháp chỉ khiến mọi chuyện tồi tệ hơn mà thôi. Dành thời gian cho bản thân giúp chúng ta tỉnh táo và sáng suốt hơn trước những vấn đề đang phải đối mặt.
3. Viết nhật ký
Khi đang cảm thấy bức bối vì không thể chia sẻ với ai, và điều đó làm chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều, hãy thử giải toả những cảm xúc đó bằng cách viết ra. Điều này giúp chúng ta bộc lộ, thể hiện được tâm trạng của mình một cách chân thực nhất có thể.
Chúng ta không cần thiết phải quá cẩn trọng về câu từ như khi nói chuyện với mọi người xung quanh. Khi viết, chúng ta có thời gian để giải những suy nghĩ của bản thân. Từ đó, có được cái nhìn khách quan về những ý kiến của bản thân, tự mình điều chỉnh những vấn đề vượt ngoài tầm kiểm soát.
4. Lập kế hoạch cho bản thân
Mỗi lần vấn đề không được giải quyết triệt để, chúng ta sẽ càng suy nghĩ nhiều hơn. Thời gian lâu, suy nghĩ tích trữ lớn dần làm chúng ta cảm thấy căng thẳng, lo âu. Chính vì vậy, chúng ta cần phải lên kế hoạch cụ thể những phương án khả thi cho vấn đề gặp phải.
Nếu như bản thân không nghĩ ra ý tưởng thì nhờ đến sự trợ giúp từ gia đình, bạn bè để có thêm nhiều sự lựa chọn. Sau khi xem xét và cân nhắc, cần phải cố gắng để giải quyết công việc, tránh để tồn đọng.
5. Chú trọng giấc ngủ
Một cách hiệu quả để hạn chế luồng suy nghĩ bi quan chính là ngủ đủ giấc. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy đi ngủ là lựa chọn ưu tiên của những người vừa mới trải qua công việc, học tập áp lực. Ngủ đủ giấc như lời bác sĩ khuyến cáo giúp giảm lo âu, tạo ra nguồn năng lượng làm việc cả ngày.
Ngủ đủ giấc còn giúp chúng ta tỉnh táo hơn, có thể suy nghĩ rõ ràng, rành mạch hơn. Ngược lại, ngủ ít sẽ gây lo âu, áp lực, tình hình dễ nghiêm trọng hơn. Vì thế, cần phải chú trọng vào giấc ngủ nhiều hơn, ngủ đúng giờ và đúng giấc.
6. Không ôm đồm quá nhiều công việc
Không phải người nào làm nhiều công việc sẽ giỏi. Có những người bị ám ảnh với công việc, luôn trong tâm thế phải kiểm soát được toàn bộ dự án. Trong trường hợp này, khi quá để tâm vào vấn đề, có thể dẫn đến nguy cơ mắc sai lầm.
Chính vì vậy, không nên để tư tưởng kiểm soát ảnh hưởng tới công việc. Bước từng bước thật chậm mà chắc. Sự nỗ lực sẽ được đền đáp xứng đáng.
Kết: Hãy dành thật nhiều thời gian cho gia đình cũng như bản thân. Ngoài ra, luôn hướng tới những hoạt động tập thể tích cực, hạn chế để bản thân rơi vào luồng suy nghĩ tiêu cực. Tôi luôn cho rằng, người biết phân bổ thời gian và công việc hợp lí sẽ gặt hái được nhiều lợi ích.
* Bài viết của Tian Yi chia sẻ tại box DAN FC
Đời người là cuộc hành trình vượt qua thử thách, nếu bạn có những tâm đắc về cuộc sống , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận