Không có cái gọi là thành công trong một sớm một chiều. Tất cả những người mà tôi ngưỡng mộ đều đạt được thành tích bằng cách xây dựng những chuỗi thói quen tốt hằng ngày. Hầu hết chúng là những thói quen đơn giản cộng lại. Bỏ đi một thói quen xấu và tạo ra một thói quen mới là bước đầu tiên để thúc đẩy tôi tiến tới sự phát triển. Dưới đây là những việc làm/ thói quen mà tôi cho rằng đã kìm hãm chúng ta trong kế hoạch phát triển bản thân, mọi người tham khảo nhé.
1. Không có thói quen buổi sáng tốt
Khi ta có quá nhiều sự lựa chọn và mọi thứ đều gấp gáp, những khoảnh khắc buổi sáng quý giá sẽ được sử dụng một cách vội vã và sau đó là ra khỏi nhà để lên đường đến công ty. Và như vậy là ta đang bỏ lỡ một trong những cơ hội quan trọng nhất trong tầm kiểm soát của mình để phát triển.
Để tận dụng buổi sáng một cách tốt nhất, ta có thể thiết kế một thói quen độc đáo giúp tăng cường thể chất và tinh thần để có được hiệu suất tốt hơn. Như bản thân tôi là dành 10 đến 15 phút để tập thể dục mỗi sáng. Cơ thể tràn đầy năng lượng sẽ mang lại sự tập trung cao hơn, ta sẽ tự tin hơn và làm việc hiệu quả hơn trong ngày thay vì bắt đầu nó với cảm giác vội vã.
2. Quên đi điểm mạnh của mình khi khó khăn xuất hiện
Thông thường, khi gặp phải những khó khăn bất ngờ, chúng ta lúng túng hoặc bị tê liệt như trường hợp một con nai đứng trước đèn pha ô tô. Nhưng nếu ta chịu khó nhắc nhở bản thân mỗi ngày về điểm mạnh của mình, nó sẽ bắt đầu con đường dẫn ta đến một giải pháp tốt hơn và nhanh hơn là lao vào vòng quay của sự thiếu tự tin.
3. Không có ưu tiên cho những việc quan trọng nhất
Khi chúng ta cứ để công việc xô đẩy bản thân, ta sẽ khó mà hoàn thành một cách xuất sắc nếu có quá nhiều việc. Vậy nên, hãy quyết định ba việc nào là tiên quyết phải làm trong ngày vào mỗi buổi sáng hoặc hẹn giờ để chỉ tập trung vào một việc trong 60 phút mà không bị gián đoạn bởi các phiền nhiễu xung quanh.
4. Để các việc vặt vãnh làm tiêu tốn năng lượng quá mức
Việc vặt vãnh có thể là những hoạt động gây lãng phí nhiều thời gian quý báu như kiểm tra email quá thường xuyên, hoặc những mối quan hệ xã giao vô ích không mang lại ý nghĩa để đạt được thành công trong các dự án. Họ níu kéo ta vào trong cuộc trò chuyện vì họ đang trốn tránh công việc của chính họ. Với một vài bước nhỏ, ta có thể thực hiện hành động để quản lý lịch biểu của mình, chẳng hạn như đặt điện thoại ở chế độ “không làm phiền”, hoặc đeo tai nghe khi xung quanh là đồng nghiệp muốn nói chuyện phiếm.
5. Ôm hết những công việc có thể được giao cho người khác
Tôi từng nghĩ rằng mình có thể làm một công việc hoàn hảo hơn, vì vậy tôi nhận thêm cả việc chỉ dành cho người khác. Một người đồng nghiệp chung công ty khác của tôi thì liên tục sửa chữa hoặc quản lý ở cấp độ vi mô đội nhóm của cô ấy. Những điều này làm tiêu hao động lực của chúng tôi và khiến chúng tôi mất tập trung vào việc mà bản thân làm tốt nhất. Vậy nên, đừng tham việc, cũng đừng ôm hết tất cả việc vào mình.
6. Dành quá nhiều thời gian để phục hồi sau một lần vấp ngã
Thay vì nhanh chóng đánh giá một tình huống và xác định kế hoạch mới, ta bị cuốn vào vòng quay tiêu hao năng lượng và sự tập trung. Đừng quên rằng tất cả đều phải trải qua thất bại mới có được thành công. Và những người giỏi nhất thường tìm ra giải pháp tức thời chứ không nghiền ngẫm thất bại của họ quá lâu.
7. Trì hoãn
Những người tôn vinh “chủ nghĩa hoàn hảo” lại thường là những cá nhân bị sự trì hoãn nuốt chửng nhất. Chần chừ có thể đang che giấu sự thiếu tự tin, sợ sai hoặc bị chỉ trích. Chủ nghĩa hoàn hảo khiến chúng ta chậm bắt đầu một sáng kiến mới hoặc khởi động giai đoạn tiếp theo cho một dự án hiện có, bởi vì chúng ta muốn chắc chắn rằng chiến lược hoặc kế hoạch sẽ hoàn hảo. Chỉ cần nhận ra chủ nghĩa hoàn hảo đang len lỏi vào suy nghĩ và bắt đầu từ bước chân đầu tiên sẽ là một bước tiến lớn.
8. Tránh những cuộc trò chuyện nghiêm túc
Theo thời gian, tôi nhận ra rằng những lần giao tiếp nghiêm túc có thể là cơ hội quan trọng để có được sự rõ ràng. Lắng nghe, học hỏi và kết thúc cuộc trò chuyện khi đã làm phong phú thêm mối quan hệ. Tôi đã học được rằng tránh một cuộc trò chuyện khó khăn có nghĩa là chúng ta không dám đối mặt hoặc giải quyết các vấn đề mà nếu không được xử lý sớm, chúng sẽ trở nên khó chịu và tồi tệ hơn.
Kết: Tôi nhận thấy những người có năng suất cao luôn tự giác và coi trọng sự phát triển cá nhân của họ. Họ thường xuyên đánh giá thói quen của mình và cố gắng cải thiện liên tục. Bạn đánh giá thói quen của mình như thế nào? Bạn có thường xuyên tìm cách để cải thiện hoặc xây dựng chúng dựa trên những chiến thắng của mình để tạo thêm động lực, cảm hứng, năng lượng và thành công không? Hi vọng qua bài viết này bạn sẽ tự tìm được câu trả lời.
* Bài viết của Tian Yi chia sẻ tại box Cafe Danner
Cuộc đời là một chuyến hành trình thay đổi để hoàn thiện hơn, nếu bạn có những quan tâm về phát triển bản thân , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận