Cô đơn là một loại cảm giác thuộc về nội tâm con người. Nó thực sự không liên quan gì đến việc chúng ta bị cô lập khỏi một hoàn cảnh hay một con người khác. Nhưng nó là cảm xúc hụt hẫng tột cùng khi chúng ta chẳng may bị bỏ lại.
Cô đơn, cô độc hay một trạng thái trống rỗng nào khác của bản thân và của tâm trí chính là “bị bỏ rơi”. Sự khác biệt ở đây là khi ta bị người khác bỏ ra khỏi một hoàn cảnh, đó là cô đơn; còn cô độc là ta tự “bỏ rơi” chính mình để tìm về một thực tại hoàn toàn khác, thực tại chỉ còn có sự hiện hữu giữa “mình và ta” một cách bình lặng, an tĩnh.
Nỗi cô độc có thể là nguyên nhân quan trọng nhất gây nên trầm cảm nặng nề ở con người nhưng nó cũng có thể là hệ quả của một sự lựa chọn, chọn xa rời đám đông và tìm cho mình một khoảng không gian yên tĩnh thay vì giao thiệp và kết nối.
Quyết định “được” cô độc trong một khoảng thời gian nhất định giúp chúng ta rất nhiều vào việc định hình những suy nghĩ sâu sắc có thể mang lại câu trả lời cho các vấn đề nan giải, được tự do làm việc hay nghỉ ngơi mà không bị quấy nhiễu từ người khác. Ngoài ra, chúng ta còn dễ dàng đạt được những mong muốn vì lợi ích riêng tư nhờ vào sự cô độc trong ngắn hạn.
Cô độc không nhất thiết phải được hiểu theo quan niệm thông thường, là tình cảnh bị cô lập khiến con người rơi vào trạng thái sống tiêu cực. Nó có thể mang lại nhiều ích lợi tích cực như được làm việc trong một môi trường yên tĩnh khi không bị những xã giao đời thường phá rối; được tự do suy ngẫm về những vấn đề nặng tính trừu tượng hoặc cao cấp hơn là tự bản thân nhận thức về các triết lý trong cuộc sống, thay đổi quan điểm thông thường về vũ trụ, và đạt được những hiểu biết lớn lao về giá trị con người.
Chúng ta thường vô tình để cho bản thân hai chữ cô-độc đánh lừa cảm xúc của mình khi bám víu vào định nghĩa trong cách hiểu thông thường mà nó vốn có: Bị cô lập trong một tình trạng đơn độc. Khái niệm này có vẻ đúng nhưng với điều kiện chỉ khi chúng ta cho phép người khác thực hiện điều đó với ta, nghĩa là ta phó mặc hoàn toàn cảm giác trong con người mình chịu sự chi phối của những tác động tiêu cực bên ngoài. Còn ngược lại, “tự cô lập bản thân để sống an nhiên, tự tại trong đơn độc” cũng là một khái niệm khác về cô độc nhưng mang ý nghĩa rất tích cực.
Ngôn ngữ là cái tương đối, cảm giác cũng vậy. Việc định nghĩa một khái niệm cho cảm giác cô độc là dùng sự tương đối để diễn dịch một đối tượng tương đối khác. Vậy thì chúng ta có thể hiểu cảm giác cô độc theo quan niệm nào cũng được nhưng tốt nhất là đừng bao giờ để sự cô độc tiêu cực chi phối chính khả năng tự quyết của mình.
Khi con người cảm thấy cô đơn hoặc khi chúng ta rơi vào tuyệt vọng, điều ta muốn là né tránh cô đơn và tìm mọi cách để trốn thoát khỏi trạng thái đó. Chúng ta không muốn ngồi yên một chỗ chỉ để cảm nhận về những gì mà tâm hồn ta đang phải chịu đựng trong nỗi cô độc tột cùng. Chúng ta hiếm khi tìm kiếm liều thuốc chữa trị tinh thần từ sự tĩnh lặng.
Sự cô đơn có thể giết chết một người khi tâm hồn anh ta từ trước đến nay chỉ quen với việc rong chơi trong những suy nghĩ về cảm giác gần gũi và thân mật. Đơn giản vì chúng ta là loài sinh vật sống theo cộng đồng, một mặt ta phải phụ thuộc vào cộng đồng mới có thể tồn tại thông qua trao đổi và giao thương, mặt khác, cộng đồng đem lại cho ta cảm giác thoải mái và an toàn khi được là thành viên trong đó.
Khi chúng ta đang mỉm cười hạnh phúc bỗng một ngày bị tước đi cảm giác thân thuộc yên bình từ một người mà ta yêu thương trọn vẹn, nghẹn ngào cay đắng buộc phải chấp nhận một sự thật đầy phũ phàng rằng ta đã bị người đó bỏ rơi. Điều này chẳng khác gì sau một buổi rong chơi cùng nhân thế, ta trở về nhà với ước nguyện được vỗ về, yêu thương, bỗng phát hoảng nhà mình đang bốc cháy, ta sụp đổ lặng nhìn không nói nổi một câu, một nửa hồn ta xem như đã chết.
Cảm giác đột ngột bị bỏ rơi và một mình phải gắng gượng chịu đựng tình cảnh cô đơn thật sự khó để có thể diễn tả thành lời, nhất là trong khoảnh khắc ta không hề có được sự chuẩn bị cho mình từ trước. Càng đau đớn hơn nữa khi nguồn an ủi, yêu thương mỗi ngày của ta lại chính là người khiến ta rơi vào hoàn cảnh lạnh lẽo đơn độc như băng giá. Còn gì đáng buồn hơn khi niềm tin và yêu thương đã đặt hết vào chung một chỗ, để một ngày phải gánh chịu nỗi thống khổ từ chính nơi luôn tạo ra yên bình.
Đấy là lúc ta rơi xuống hố sâu và chạm mình vào đáy của sự tuyệt vọng. Mọi niềm tin đã mất và sự đồng điệu với cảm xúc con người cũng vì thế biến mất theo. Còn gì tan nát bằng con tim trao đi trọn vẹn yêu thương bỗng một ngày phải nhận lấy sự ruồng bỏ từ chính người mà ta đã đặt tất thảy niềm tin tưởng.
Những lúc thế này, chúng ta mặc dù có thể mất đi niềm tin, có thể bỏ rơi luôn cảm hứng sống của bản thân nhưng tuyệt đối đừng bao giờ đánh mất chính mình. Người duy nhất có thể kéo chúng ta ra khỏi vũng lầy tăm tối của sự chán nản, buồn bực và tuyệt vọng chỉ có một, đó là chính ta mà thôi.
Chúng ta thường xem nỗi cô độc như một kẻ thù cần loại bỏ. Chúng ta không muốn mời gọi những chuyện đau lòng đến với mình do đó ta nóng nảy, bồn chồn và khao khát tìm kiếm một ai đó để bầu bạn. Nhưng hãy tĩnh lặng và nhìn một chút vào trong bản thân con người mình, những hoạt động trí óc là do tự thân chúng ta lựa chọn, chất liệu nuôi dưỡng tâm hồn là những suy nghĩ và tư duy cá nhân mà không một ai khác ngoài ta có thể chạm vào. Đừng lo lắng hay sợ hãi vì sự cô độc. Nó sẽ cho chúng ta một khoảng thời gian và cơ hội tuyệt vời để tạo nên một thế giới tinh thần bao quát diệu kỳ.
Facebook - bình luận