“Đạo làm người” là chuẩn tắc cao cấp nhất, là những điều trụ cột, căn cơ để một cá nhân có thể vững chắc trở thành người tốt trong cuộc đời này. Nếu không sống với đạo lý, một người sẽ không có điểm tựa, dễ phát sinh các thói hư tật xấu và kể cả những điều tồi tệ, bất nghĩa nào cũng dám ra tay. Con người sống trong một xã hội đầy rẫy những cám dỗ mà không có chỗ dựa vững chãi, sẽ phát sinh nhiều tệ nạn khôn lường.
1. Đời người dù cơ hàn đến đâu cũng không được bán đứng bạn bè
Cổ nhân dạy rằng, bạn thân như thể anh em. Người mù đối đãi với bạn mình giống như một chiếc gậy đi đường, không có bạn, sẽ không thể đến đích. Người què xem bạn mình như một chiếc nạng gỗ, không ở cạnh bạn, sẽ luôn luôn nằm một chỗ mà đứng dậy cũng không xong. Người không biết bơi, xem bạn mình là một mái chèo lướt sóng, không chung thuyền với bạn, sẽ không thể nào vượt qua giông tố cuộc đời.
Một người dù nghèo hèn đến đâu, cũng không được vì một quãng sa cơ lỡ vận mà bán đứng bạn bè, anh em thân thiết. Dù thế giới có đối đãi với ta tồi tệ thế nào thì lừa gạt bạn mình, chính là tự cắt đứt đường đi cho mình. Giàu sang không quên ân nhân, nghèo khó không bán đứng bạn thân. Đây chính là điểm cốt yếu đầu tiên để biết được phúc họa đời người.
2. Khí phách là trụ cột của một người quân tử, dù khó khăn, cũng không được để mất
Làm người, khó nhất là giữ vững lập trường trước mọi hoàn cảnh sống. Chúng ta thường rất dễ bị tác động bởi ngoại cảnh và tâm lý yếu dẫn đến lung lay bởi quan điểm của đám đông. Trong thế giới hiện đại, chúng ta dễ dàng bắt gặp những cộng đồng nhỏ luôn đặt lợi ích nhóm lên trên hết mà bất chấp việc lờ đi những giá trị đạo đức của một xã hội loài người.
Điểm cốt lõi thứ hai của một bậc chính nhân quân tử là phải biết giữ vững lập trường, luôn chắc chắn về những giá trị đạo đức mà bản thân theo đuổi. Phải lấy đạo lý làm chỗ dựa, để không lâm vào trạng thái đánh mất chính mình khi ở trong một đám đông luôn muốn kiếm chác những lợi ích không đúng đắn. Khí phách chính là xương sống để chúng ta dựa dẫm. Đánh mất khí phách nghĩa là ta đã gửi hồn vào những điều sai trái.
3. Không để bản thân bị lợi dụng dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu
Tiểu nhân thì luôn biết cách nịnh hót để tạo lợi thế cho mình và được hưởng những ưu tiên mà người khác phải cố gắng cả một quá trình để đạt đến.Quân tử sẽ không bao giờ có tư tưởng “ngồi mát ăn bát vàng”, họ quan niệm rằng lao động mới chính là vinh quang của đời người. Xã hội càng cao cấp, chúng ta càng nên theo đuổi lý tưởng sống đẹp đẽ, đừng đánh mất giá trị con người mình bằng những món lợi nhỏ.
Hoàn cảnh có khó khăn đến mấy, cũng đừng để bản thân bị lợi dụng bởi những tiểu tiết không đáng có. Thời gian dùng vào việc tìm ra các mánh khóe lao động mà không tốn công tốn sức thì hãy dùng cho những hoạt động tạo ra giá trị đích thực cho mình và xã hội. Đừng đầu cơ trục lợi từ thành quả của người khác. Một phút huy hoàng sẽ không thể bù đắp cho cả cuộc đời dài thê lương sống trong khinh bỉ, chê bai.
Mỗi người đều có giai đoạn khó khăn nhất định, đừng nhìn vào gia thế huy hoàng của người khác mà tị hiềm, ganh ghét rồi từ đó lạc vào con đường sai trái với những giá trị đạo đức. Ai cũng phải kiên trì một thời gian rất dài mới có được chỗ đứng vững vàng. Bất kỳ công ty nhỏ hay doanh nghiệp lớn nào cũng phải đi lên từ con số không bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Hãy luôn cầu tiến và thực tế, thắng nhỏ dựa vào trí tuệ, thành công lớn buộc phải dựa vào phẩm đức.
4. Thành tựu có lớn lao đến mấy cũng không được ngạo mạn, kiêu căng
Nếu nói cuộc sống an dật và thích hưởng thụ vật chất xa xỉ là thứ khởi đầu cho sự suy tàn của một gia tộc thì kiêu căng tự mãn, không coi ai ra gì lại là thứ khởi đầu cho sự suy bại của một đời người.
Người xưa có câu: “Thiên dục kỳ vong, tất lệnh kỳ cuồng”, nghĩa là “Khi Thượng Đế muốn hủy diệt một người nào, Ngài sẽ biến kẻ đó thành anh hùng trước đã!”. Người sống trong trời đất, nếu chỉ kiêu căng ngạo mạn một cách mù quáng sẽ luôn tạo dấu ấn tiêu cực và khiến người khác dần coi thường, xa lánh.
Trong “Tăng Quốc Phiên gia thư” có một câu khiến mọi người suy ngẫm như sau: “Gia bại là bởi bỏ không được chữ xa xỉ, người thất bại là bởi bỏ không nổi chữ an dật, khiến người nghi kỵ là bởi không bỏ được chữ kiêu ngạo”. Trong thuật đối nhân xử thế, người đạt đến cảnh giới càng cao lại càng mộc mạc, khiêm cung. Họ không ngông cuồng, tự mãn hay thô thiển, vênh váo.
5. Người sống càng lâu thì càng trọng nghĩa khí, không bao giờ bỏ quên ân tình
Đời người lúc trầm lúc thăng, có khi lâm vào túng quẫn nghèo khó, cũng có lúc phất lên như diều gặp gió. Nếu một cá nhân dù kiệt xuất đến đâu mà bỏ quên lòng biết ơn, thì hậu vận khó sống, mọi nguyên tắc đạo lý dễ đi vào đường cùng. Khi đó khó lòng cầu mong được sự giúp đỡ từ ân nhân.
Khi đói rách ai sẽ cho bạn một bát cơm? Lúc nghèo khó, ai là người giang tay giúp đỡ? Gặp hoạn nạn có biết ai là bạn? Khi không có một xu dính túi, ai cho bạn vay tiền? Hay bước đường cùng, ai che cho một mái hiên để tránh mưa tránh rét? Khi đối diện với sinh tử, ai sẽ là người khuyên răn bạn cuộc sống vẫn còn nhiều điều tốt đẹp? Họ chính là ân nhân của bạn. Đừng bao giờ là người vô ơn, bởi vì thực hành lòng biết ơn là chuẩn tắc đạo đức của bậc chí nhân quân tử.
Kết: Cây cao vạn trượng vẫn phải nhờ bộ rễ làm nền tảng, người thành công mưu việc đại sự trong thiên hạ cũng không bao giờ quên nghĩa nặng tình sâu. Người không thấu đạt được lòng biết ơn, đường đời càng khắc nghiệt khó đi. Muốn phát triển thì phải biết đứng thẳng. Khắc cốt ghi tâm được 5 điều cốt yếu trên đây thì đường đời rộng mở thênh thang, công danh chóng thành, vạn sự hanh thông, luôn an tâm sống trong yên ổn.
Facebook - bình luận