Tâm An thấy “chuyện gì cũng tới tay” chính là câu nói phù hợp nhất cho những nhân vật có số mệnh éo le trong phim Việt. Trăm công nghìn việc đổ lên đầu nào là lo cho đàn em thơ đến làm lụng vất vả nuôi con lớn khôn đều không xót chuyện gì. Và đó là “công thức mệnh khổ” mà phim truyền hình Việt áp dụng ở loạt bộ phim ăn khách như Hương Vị Tình Thân, Cây Táo Nở Hoa, Mùa Hoa Tìm Lại hay mới nhất là Thương Ngày Nắng Về. Liệu công thức này là rập khuôn hay là nét đặc trưng của phim Việt?
Luôn chấp nhận hy sinh, lựa chọn đau khổ để nhường hạnh phúc
Nhắc đến cụm từ “hy sinh” chắc hẳn ai cũng nghĩ theo hướng tích cực. Bố mẹ hy sinh cho con cái, anh chị phải nhường nhịn em hay vợ là người phải hy sinh cho chồng, đó là những định kiến mà người Việt cho rằng là “lẽ thường tình”. Chính vì thế không quá bất ngờ khi hình ảnh này được khắc họa lên phim và dễ lấy nước mắt khán giả. Xem lại những bộ phim truyền hình Việt, trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc của bà Nga (Thương Ngày Nắng Về), anh Ngọc (Cây Táo Nở Hoa) hay ông Sinh (Hương Vị Tình Thân) đều trải qua vô vàng “bể dâu”.
Khi xem phim, tôi nhận ra rằng những nhân vật chính đều lấy hạnh phúc của mình để đổi hạnh phúc của người thân. Bà Nga hết lo chuyện ly hôn của Khánh, rồi cưới xin của Trang sau đó lại đến ước mơ của Vân, rồi đến chuyện đại sự của cậu Vượng đều do một tay bà thu xếp, uốn nắn. Khi được Vân Trang hỏi rằng: “Ước mơ của mẹ là gì”, bà Nga chỉ ậm ừ mãi chẳng thể nhớ nổi, và cuối cùng bà trả lời rằng: “Hạnh phúc của các con chính là niềm vui của mẹ”.
Hay ở tập cuối Cây Táo Nở Hoa, anh Ngọc vẫn nói đi nói lại một câu để động viên các em: “Nếu cuộc đời toàn những chuyện xấu xa thì tại sao cây táo lại nở hoa?”. Nhìn đi nhìn lại, những nhân vật mệnh khổ của truyền hình Việt luôn có đức tính hy sinh đôi khi bất chấp đau khổ, đúng sai.
Siêu anh hùng Thanos và cú “búng tay” thần thánh
Bên cạnh sự hy sinh, những nhân vật số khổ đều là “siêu anh hùng”. Quả thật khi xem lại và ngẫm nghĩ về những nhân vật chính trong phim truyền hình Việt tôi mới phát hiện ra một sự trùng hợp ngẫu nhiên chính là ai nấy đều sở hữu sức mạnh ngang ngửa Thanos. Chỉ với một “cú búng tay” thì mọi vấn đề đều được giải quyết. Nhớ ngày nào Phương Nam trong Hương Vị Tình Thân khiến khán giả há hốc mồm khi liên tục cứu giúp gia đình nhà Long, đến trả nợ cho mẹ nuôi rồi thêm việc một mình cứu kẻ thù Khánh Thy ra khỏi đám cháy.
Đến với gia đình anh Ngọc, chị Hạnh trong Cây Táo Nở Hoa với tấn bi kịch dày như cuốn từ điển, hết trả nợ cho người này đến lo toan cho người khác như một sứ mệnh không thể thay đổi. Năm lần bảy lượt bị các em mắng mỏ, trách móc đến cuối cùng anh Ngọc vẫn lựa chọn bao dung.
Đến nhà nào của phim Việt cũng thấy một người sẽ chịu trách nhiệm “gánh team”, chạy deadline mệt nghỉ, và luôn phải lương thiện.
Sự hy sinh chưa bao giờ là xấu nhưng cũng không hoàn toàn tích cực qua “bàn tay” xây dựng của nhà làm phim Việt. Tôi nhận thấy những nhân vật được hoặc bị “khổ hóa” khiến cho khán giả cảm thấy ngột ngạt, sinh ra những mặc định về sai lầm buộc phụ nữ phải biết hy sinh, hay anh chị em phải nhường nhau một cách quá đáng.
* Bài viết của Tâm An chia sẻ tại box Blog phim Việt
Thương Ngày Nắng Về và phim Việt khác , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Thương Ngày Nắng Về? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận