Chắc là do may mắn nên mình biết đến điện ảnh Iran toàn là những tác phẩm chất lượng nên mình có ấn tượng đặc biệt tốt về các bộ phim của đất nước này. Bộ phim đầu tiên mình xem được là Những Đứa Trẻ Đến Từ Thiên Đường , chất phim làm mình phải trầm trồ vì sự “đời” rất riêng biệt.
Gần đây mình lại được xem The Night (Đêm Trói Buộc), bộ phim đang khởi chiếu không làm mình thất vọng vì những suy nghĩ trước giờ mình dành cho điện ảnh Iran.
>>> Xem thêm: Đêm Trói Buộc và những phim kinh dị gây ám ảnh với bối cảnh khách sạn
Phim kể về chuyến đi đến Mỹ của hai vợ chồng trẻ Babak và Neda. Sau khi rời tiệc rượu ở nhà một người bạn, hai vợ chồng và đứa con gái nhỏ tá túc tạm một đêm tại khách sạn Normandie. Vào đây, những chuyện quái dị bắt đầu xảy ra với gia đình nhỏ này.
Về cốt truyện, phim dẫn dắt tình huống khá tự nhiên và dễ hiểu. Tất cả đều được đơn giản hóa một cách tối ưu nhất, nhưng những gì càng đơn giản, càng ít thể hiện ra thì càng đòi hỏi mình tập trung nhiều hơn để cảm nhận được những ý nghĩa sâu xa hơn. Bộ phim đã thành công trong việc đóng vai trò khơi gợi còn mọi chuyện sẽ mình “tự xử” theo cách riêng nhất. Điều này mới thật sự là chất của điện ảnh mà bộ phim đã khai thác được. Mình khá thích những bộ phim mang mang tính cảm nhận cao như vậy nên dành "điểm 10" cho sự kịch bản này.
The Night (Đêm Trói Buộc) là bộ phim kinh dị độc lập mang hơi hướng nghệ thuật nên sẽ kén người xem bởi sự ngụ ý cực kỳ cao. Phim thách thức mình phải cân não những chi tiết không đơn thuần chỉ hiển hiện trên màn ảnh. Mà qua những ngôn ngữ điện ảnh đó, tự mình phải ngầm hiểu được cả một câu chuyện ẩn giấu bên trong cần được khai thác. Thích thì thích vậy thôi chứ mình cũng “xì chét vì có nhiều điểm chưa kịp hiểu ra.
Mỗi chi tiết dàn cảnh được đặt để, mỗi góc máy quay điển hình, mỗi câu thoại thốt lên đều là những tính toán kỹ lưỡng của vị đạo diễn Kourosh Ahari. Hơn hết, với yếu tố kinh dị, những con ma xuất hiện trong phim không chỉ mục đích gây sợ hãi mà đó chính là “bóng ma tâm lý” của đôi vợ chồng trẻ với cuộc hôn nhân sắp sửa rạn nứt. Những “bóng ma” đó có thể là áp lực cũng có thể là chìa khóa để giải quyết những mâu thuẫn hôn nhân này.
Chi tiết nhỏ làm mình cực ấn tượng trong phim là sự xuất hiện hình ảnh những chiếc gương phản chiếu lại nhân vật. Đó ẩn dụ cho sự phản tư bên trong mỗi con người. Chiếc gương là yếu tố để các nhân vật tự nhìn nhận lại chính mình, nhìn nhận lại cuộc hôn nhân đang trên bờ đổ vỡ của họ.
Với kịch bản tốt cộng thêm sự xuất hiện của nam tài tử bậc nhất Iran, Shahab Hosseini, người đoạt nhiều giải thưởng diễn xuất tầm cỡ thì với mình, sự trọn vẹn của The Night (Đêm Trói Buộc) được nhân lên gấp đôi không cần bàn cãi nhiều. Anh thành công trong việc đưa cảm xúc của mình nhập tâm vào câu chuyện của nhân vật, ngồi coi phim trong rạp mà như đang ở trong khách sạn Normandie ở Mỹ thiệt luôn.
>>> Xem thêm: Đêm Trói Buộc: Tài tử nổi tiếng nhất Iran đóng vai chính
Điều mình tiếc nhất ở phim có lẽ là đã được công chiếu tại Mỹ từ năm 2021 mà tại sao đến bây giờ khán giả Việt Nam mới được thưởng thức, tell me why??? Mình nghe tiếng bộ phim này mà đợi lâu quá mới được xem nên trừ điểm khúc này nha.
Còn bạn đã bị phim này “trói buộc” chưa, để lại nhận xét giúp mình nhé.
Bài viết được Salonpas gửi về cho DienAnh.net
Cập nhật đầy đủ thông tin về The Night (Đêm Trói Buộc) tại Thư Viện Phim nhé.
Facebook - bình luận