Bối cảnh khách sạn trong phim kinh dị có thể tạo cảm giác vừa gần gũi vừa xa lạ, đáng sợ. Gần gũi bởi vì nó có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong cuộc sống của chúng ta và chắc chắn là ai cũng đã từng một lần ở khách sạn. Còn xa lạ vì đơn giản nó không phải là nhà. Vì vậy chúng ta thường sẽ có cảm giác không an toàn và lo lắng có vấn đề gì đó bất chợt xảy ra.
Đáng sợ là vì chúng ta không thể biết được có chuyện gì xảy ra trước đó. Đáng sợ đôi khi còn do bị ám ảnh bởi không khí của các phim kinh dị rùng rợn trước đó như Psycho, The Shining, 1408 hay gần đây nhất là The Night (Đêm Trói Buộc).
Thực tế trong lịch sử điện ảnh thế giới đã có rất nhiều phim kinh dị lựa chọn khai thác bối cảnh này. Đến thời điểm hiện tại khách sạn hay nhà nghỉ đã trở thành một không gian kinh điển đủ sức gợi lên nỗi run sợ cho người xem trong một thời gian dài.
Cùng điểm qua một số phim kinh dị lấy bối cảnh khách sạn để xem điều gì đã gây cho chúng ta nỗi ám ảnh nhé.
Psycho (Sự hoảng loạn)
Sau thành công của 2 bộ phim Vertigo (1958), North by Northwest (1959). Năm 1960, đạo diễn Alfred Hitchcock ra mắt Psycho dựa trên tiêu chí là một bộ phim trắng đen kinh phí thấp.
Bộ phim mở đầu với tình tiết hầu như chỉ xoay quanh Marion Crane (Janet Leigh thủ vai). Sau khi biển thủ 40,000 USD của một khách hàng giàu có đến ký gửi để mua nhà cho con gái, cô nàng đã nhanh chóng “cao chạy xa bay” về quê nhà của bạn trai Sam Loomis (John Gavin) tại California.
Trên đường đi, do trời mưa lớn nên cô phải rẽ vào Bates Motel. Chủ của khách sạn này có tên là Norman Bates (Anthony Perkins thủ vai) - một người đàn ông có ngoại hình hiền lành và rất mến khách. Anh sống cùng với người mẹ cáu kỉnh hay chán ghét những cô gái trẻ. Bất ngờ, có một kẻ lẻn vào phòng của Marion và ra tay với cô trong khi cô đang tắm dưới vòi sen. Một lát sau, Norman Bates hốt hoàng mang cô ta đi trong sợ hãi.
Chị gái của Marion - Lila (Vera Miles) sau khi thấy em gái mất tích đã bắt đầu lo lắng. Cô tìm đến Sam để hỏi về tung tích của Marion nhưng cả 2 nhanh chóng rơi vào bế tắc. Cuối cùng, để tìm ra chân tướng cả 2 đã lần theo manh mối do thám tử tư Milton Arbogast (Martin Balsam) để lại sau khi chính ông cũng bị kẻ sát nhân thủ tiêu một cách không thương tiếc, họ cũng đến được căn nhà trọ và rồi sự thật kinh hoàng về kẻ sát nhân dần dần được hé lộ…
Trong Psycho có một cảnh quay khiến hàng triệu người phụ nữ khi theo dõi bộ phim bị ám ảnh trong thời gian dài đó là cảnh Marion bị đâm chết dưới vòi sen. Đây còn là một bước đột phá về góc quay, âm thanh cùng cách “hù dọa” khán giả trong điện ảnh.
Psycho được coi như một “tượng đài” phim kinh dị về đề tài đa nhân cách. Sau hơn 50 năm, Psycho vẫn được đánh giá là một trong những bộ phim kinh dị ám ảnh nhất của thời đại. Các dòng phim kinh dị sau này lấy bối cảnh nhà nghỉ hay khách sạn sau này cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ phong cách rùng rợn của Psycho.
The Shining (Ám ảnh kinh hoàng)
The Shining được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Stephen King dưới bàn tay của vị đạo diễn tài ba Stanley Kubrick. Bộ phim được xem là một trong những tác phẩm kinh dị vĩ đại nhất mọi thời đại bởi những giá trị mà nó mang lại. Ra mắt vào thập niên 80, với những tình tiết và hình ảnh đi vào văn hóa Mỹ, The Shining đã dễ dàng thấm sâu vào tiềm thức người xem.
Phim lấy bối cảnh tại một khách sạn biệt lập, xoay quanh câu chuyện về gia đình của người đàn ông đần, mất trí Jack Torrance (Jack Nicholson thủ vai). Đó là một khách sạn tọa lạc trên sườn núi, cách thị trấn gần 15 dặm, vốn được xây dựng trên nền của một nghĩa địa thổ dân Da đỏ và thường được đóng cửa từ tháng Mười đến tháng Năm năm sau vì tuyết làm giao thông bị tắc nghẽn.
Dường như The Shining không phải là tác phẩm được đánh giá cao ngay từ những giây phút đầu tiên kể từ khi phát sóng. Các hình ảnh kinh dị trong bộ phim không tạo được cảm giác thỏa mãn, thích thú với các tín đồ “mê” phim kinh dị. Các nhân vật trong phim cũng không được kết nối với nhau một cách chặt chẽ. Nhân vật khá rời rạc và chưa tạo được sự nối kết cho mạch phim.
Tuy nhiên, về sau The Shining ngày càng được đông đảo khán giả yêu thích vì ý nghĩa lớp lang, ẩn giấu mà nó được cài cắm. Trong phim cũng có nhiều phân cảnh táo bạo, gây ám ảnh cho người xem như cảnh nhân vật Jack dùng rìu phá cửa, hành lang ngập máu, hai cô bé song sinh ma mị hay cảnh cậu bé Danny (con trai của Jack, do Dany Lloyd thủ vai) chạy xe đạp.
>>> Xem thêm: The Ex (Bồ Cũ): Điều gì đáng sợ hơn bồ cũ, là bồ cũ đã mất quay về ám
Nối tiếp thành công của The Shining, hai thập kỷ sau, vào năm 2019, Doctor Sleep được ra mắt, tiếp tục đưa nhân vật và khán giả quay lại với khách sạn ma ám The Overlook trên núi tuyết. Đồng thời Doctor Sleep còn hứa hẹn những sự kiện bất ngờ ghê rợn tiếp theo tiếp tục xảy ra.
1408 (Căn phòng 1408)
“The Dolphin Hotel Invites you to stay in any of its stunning rooms. Except one” (tạm dịch: Khách sạn Dolphin mời bạn vào ở trong bất kỳ căn phòng đẹp nào. Ngoại trừ một phòng). Đó là câu khẩu hiệu chính thức của phim và cũng là câu nói gợi mở, hé lộ những sự việc bất thường sắp sửa diễn ra trong 1408.
1408 tiếp tục là một bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn lừng danh Stephen King. Phim khai thác nỗi sợ của các nhân vật trong một khách sạn “bất thường”. Nhân vật chính của 1408 là Mike Enslin - một nhà văn nổi tiếng chuyên viết truyện kinh dị. Vì tính chất công việc và sự tò mò của bản thân, mỗi lần nghe ở đâu bị ma ám thì Mike Enslin liền đến đó ngủ lại một đêm rồi viết bài về nơi đó.
Một ngày, Mike Enslin nhặt được mẫu giấy về khách sạn Dolphin tại New York với lời cảnh bảo “đừng vào phòng 1408”. Ngay lập tức, hôm sau Mike Enslin đi đến New York, vào khách sạn Dolphin đăng ký ngủ lại ở phòng 1408. Dù cho người quản lý khách sạn là Gerald Olin có nhiều lần can ngăn và cho anh xem hình ảnh những nạn nhân trước kia từng chết thê thảm ở căn phòng đó nhưng anh vẫn nhất mực ở lại căn phòng ma ám ấy. Sau đó là những sự kiện bất ngờ diễn ra ngoài dự đoán của Mike Enslin, liệu anh có phải trả giá cho những quyết định thiếu suy nghĩ của mình?
>>> Xem thêm: The Batman: Cảnh ra mắt của Robert Pattinson ở đầu phim quá hay
The Night (Đêm trói buộc)
Nhìn vào Psycho (1960), The Shining (1980), 1408 (2007), chúng ta có thể thấy một điểm tình cờ là cứ cách hai mươi năm lại có một tác phẩm kinh dị lấy bối cảnh khách sạn có thể xếp vào hàng kinh điển. Tiếp nối thành công của loạt phim kinh dị đó, trong tháng 3, 2022 sắp tới đây, sẽ có một siêu phẩm được ra mắt, rất đáng để trông chờ.
The Night là câu chuyện xoay quanh một cặp vợ chồng người Iran sau khi rời bữa tiệc tại nhà bạn đã nghỉ chân tại một khách sạn neo người tại Los Angeles (Mỹ). Tại đây, đôi vợ chồng và đứa con gái nhỏ đã bị một thế lực tâm linh nhốt lại bên trong, không thể trốn thoát.
Hàng loạt những hiện tượng lạ trong đêm dần dần xuất hiện. Bên cạnh những nỗi sợ do tác nhân bên ngoài, đôi vợ chồng còn phải đối mặt với những bí mật trong cuộc sống hôn nhân của họ. Họ sẽ phải đối diện với sự thật. Những tổn thương, những khúc mắt mà họ đã cất giấu và cam chịu bấy lâu sẽ được phơi bày.
Ngay từ khi tung poster, The Night đã tạo được sự hứng thú, tò mò với đông đảo khán giả. Sự kiện đôi vợ chồng và đứa con gái nhỏ bị kẹt lại trong một khách sạn vắng lặng giữa đêm khuya cùng những hiện tượng lạ đã gợi nhớ lại tinh thần của The Shining.
Mặc dù The Night có cách tiếp cận thiên về tâm lý đối với những hiện tượng siêu nhiên, nhưng phim không đi vào lối mòn khai thác các yếu tố hù dọa cũ. Phim sử dụng vài hình ảnh và các nhân vật kỳ lạ như mèo đen, người đàn ông vô gia cư hay nói những lời cảnh báo không rõ ràng, sĩ quan cảnh sát đa nghi… những yếu tố này được sử dụng khéo léo nhằm tạo sự dự báo một cách bí ẩn, gây tò mò và đánh vào tâm lý lo sợ của người xem thay vì những pha “thót tim” jumpscare như bình thường.
Bài viết được Lọ Lem gửi về cho DienAnh.net
Cập nhật đầy đủ thông tin về Đêm Trói Buộc tại Thư Viện Phim nhé.
Facebook - bình luận