Hoài Trinh có thể đánh giáChicago Typewriter là một trường hợp “underrated” cực kỳ đáng tiếc của dòng phim truyền hình Hàn Quốc. Bộ phim không chỉ là sự kết hợp của bộ đôi Ảnh hậu và Ảnh đế Rồng xanh đầy tài năng mà còn sở hữu một kịch bản vừa mới lạ lại đậm chất nhân văn. Tuy vào thời điểm phát sóng rating của phim chỉ quanh quẩn ở mức 2% nhưng trên thực tế, “đứa con tinh thần” của biên kịch Jin Soo Wan lại nhận về vô số lời khen ngợi từ các nhà phê bình nghệ thuật xứ Hàn. Vậy nên hôm nay, các bạn hãy cùng Hoài Trinh tìm hiểu lý do tại sao bạn tuyệt đối không nên bỏ lỡ một bộ phim xuất sắc như Chicago Typewriter nhé.
1. Một cốt truyện độc đáo, hấp dẫn
Những năm 1930, trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, Seo Hwi Young, Shin Yul và Ryu Soo Hyun chỉ là ba trong số rất nhiều nhà hoạt động độc lập trẻ tuổi sẵn sàng cống hiến cả thanh xuân để đem lại tự do cho đất nước.
Năm 2017, họ một lần nữa được tái sinh, trong đó Han Se Joo là nhà văn nổi tiếng luôn được săn đón, Jeon Seol là cô nàng fangirl cuồng nhiệt của anh ấy, và người còn lại là Yoo Jin Oh – chàng trai luôn xuất hiện trong những bộ âu phục cổ điển đầy bí ẩn.
Tại sao người ở kiếp này lại không ngừng bị ám ảnh bởi những ký ức từ kiếp trước? Phải chăng trong quá khứ xa xôi ấy đã từng có những lỗi lầm chưa được tha thứ, hay những lời hứa chưa thể thực hiện,… Từ tiền đề đó, Chicago Typewriter dẫn dắt Hoài Trinh bước chân vào cuộc hành trình siêu thực đan xen giữa hai thời đại, đánh thức bao cảm xúc mãnh liệt nhất trong tim mỗi người.
>>Xem thêm: Phim Bossam: Steal the Fate và Voice 4 đạt rating cao nhất
2. Một bộ phim chỉn chu về mọi mặt
Hoài Trinh cảm thấy, với một cốt truyện tổng hòa giữa nhiều yếu tố như tình cảm lãng mạn, viễn tưởng kỳ bí lại pha chút giật gân kịch tính, biên kịch Jin Soo Wan (người từng chắp bút cho những siêu phẩm Mặt trăng ôm Mặt trời, Kill Me Heal Me,…) thật sự cho thấy khả năng xử lý tình tiết xuất sắc khi duy trì mạch phim một cách nhuần nhuyễn và đầy thuyết phục. Cái kết của phim cũng rất vừa vặn khi không chỉ giải quyết thấu đáo mọi khúc mắc mà còn để lại nhiều dư âm đáng suy ngẫm.
Sự tâm huyết với bộ phim còn được thể hiện ở những chi tiết như bối cảnh, góc quay, màu phim, trang phục,… đều được dàn dựng tỉ mỉ đem lại những thước phim cực kỳ mãn nhãn. OST của phim dù không nhiều nhưng bài nào cũng hòa hợp với cảnh phim khủng khiếp, đặc biệt những khúc cao trào hoặc bi thương mà nhạc phim vang lên thật sự khiến lòng người rung động lắm ấy.
3. Một dự án được bảo chứng diễn xuất
Đầu tiên Hoài Trinh phải kể đến là sự xuất hiện của Ảnh đế Yoo Ah In với nội lực diễn xuất vô cùng độc đáo, vừa điên rồ mà cũng rất đỗi quyến rũ. Nhất là tạo hình nhà văn kháng Nhật Seo Hwi Young chắc hẳn đã gây nên nhiều thương nhớ cho phái nữ, nhưng đã để lại ấn tượng sâu đậm như vậy thì rõ ràng ngoài nhan sắc còn cả thần thái lẫn khí chất hoàn hảo mà dường như chỉ có nơi chàng trai này.
Tuy không đẹp lãng tử như Seo Hwi Young nhưng Hoài Trinh đánh giá, ngay cả Han Se Joo vẫn cuốn hút theo một cách rất riêng, từ thái độ kiêu ngạo, cay nghiệt đến đáng ghét thuở ban đầu cho đến một nhà văn Han đầy cảm thông, thấu hiểu về sau đều được Ah In lột tả một cách sinh động, tinh tế không chê vào đâu được.
Còn gì tuyệt vời hơn khi sánh đôi bên cạnh một Ảnh đế xuất chúng như vậy là một Ảnh hậu cũng tài năng chẳng kém. Là drama đánh dấu sự trở lại màn ảnh nhỏ của chị đẹp Im Soo Jung sau hơn một thập kỉ vắng bóng, chỉ riêng điều đó đã là sự khẳng định tuyệt đối cho chất lượng và sức hút từ kịch bản của Chicago Typerwriter.
Hoài Trinh có thể nhận ra, dù là tay súng Ryu Soo Hyun cá tính mạnh mẽ, nàng ca sĩ Anastasia ngọt ngào của kiếp trước hay một Jeon Seol trong trẻo, mộc mạc thì cô đều thể hiện rất tròn vai.
Mặc dù hơn nam chính bảy tuổi nhưng chemistry giữa hai người vẫn cực kỳ đỉnh cao, trong khi chuyện tình ở quá khứ lãng mạn bùng nổ bao nhiêu thì thời hiện đại lại giản dị, bình yên bấy nhiêu.
Về phía Go Kyung Pyo thì anh cũng đã hoàn thành tốt nhân vật của mình. Nếu Yoo Ah In mang đến những nét diễn đầy sắc sảo cho cả Seo Hwi Young lẫn Han Se Joo, thì Shin Yul và Yoo Jin Oh của Go Kyung Pyo lại chinh phục khán giả bởi sự lịch thiệp, nhã nhặn trong mọi hoàn cảnh. Chính bởi sự đối lập rõ rệt từ ngoại hình cho đến tính cách giữa hai chàng trai đã góp phần tạo nên những khoảnh khắc hài hước vừa thú vị vừa đáng yêu.
>>Xem thêm: Rating phim Penthouse 3 giảm ở tập 4 lên sóng tối qua
4. Một drama giàu thông điệp nhân văn đầy ý nghĩa
"Dù đất nước có mất đi, không ai có thể lấy đi văn chương của tôi. Nếu không thể viết, tôi sẽ chẳng khác nào một bóng ma. Ngày mà Joseon giải phóng, tôi sẽ viết tất cả những gì tôi muốn viết bằng tất cả đam mê".
Không phải ngẫu nhiên mà Chicago Typewriter được các nhà phê bình ca ngợi là tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, bởi trước hết đây là bộ phim dành để tôn vinh những người làm nghệ thuật chân chính, mà điển hình ở đây chính là thông qua hình tượng cả hai nhà văn Seo Hwi Young và Han Se Joo. Một người không thể viết những gì mình muốn vì đã bị đưa vào danh sách đen của Nhật, người kia tuy là thần tượng của giới văn học rốt cuộc cũng đang viết những tiểu thuyết chạy theo thị hiếu.
Trong suốt một thời gian dài, Han Se Joo chỉ viết vì tiền và danh tiếng, cùng với đó là cảm giác bị bỏ rơi và phản bội vẫn luôn đeo đuổi đã khiến anh đánh rơi ý niệm ban đầu của viết lách mà mình từng theo đuổi. Vì vậy, sự xuất hiện của Yoo Jin Oh và Jeon Seol không đơn thuần là sự chắp nối với những gì dở dang ở kiếp trước, mà đó còn là hành trình giúp Se Joo tìm lại ý nghĩa thật sự trong văn chương, khiến anh một lần nữa tự vấn lương tâm về bản chất nghề nghiệp của chính mình.
Qua đó, biên kịch Jin dường như không ngừng nhắc nhớ đến trách nhiệm và lương tri của những người cầm bút nói riêng và cả những người làm nghệ thuật nói chung đối với xã hội, đặc biệt trong thời đại kim tiền đầy biến động như ngày nay.
"Đến lúc đó, dưới một đất nước tự do, anh phải coi em như một người phụ nữ thật sự đấy. Đừng do dự, đừng che giấu, đừng đẩy em ra xa… Hãy hứa là anh sẽ làm những điều anh đã không thể làm cho em ở kiếp này…"
"Anh xin lỗi đã để em phải một mình chịu đựng tất cả. Anh đã biết rõ tấm lòng em nhưng lại không đối tốt với em. Anh hứa... kiếp sau... nhất định anh sẽ gặp lại em. Anh sẽ nhận ra em trước và chúng ta có thể yêu nhau dưới một đất nước tự do. Chúng ta sẽ bắt đầu lại... Anh yêu em, Soo Hyun à..."
Đã từng có một Seo Hwi Young và Ryu Soo Hyun như thế, vì nghĩa lớn đã không biết bao lần phải chôn chặt tình cảm tận sâu nơi đáy lòng. Cái cách mà họ bước qua nhau trong lặng lẽ, ánh mắt lưu luyến nhìn nhau hay những lời thổ lộ ít ỏi mà nghẹn ngào trong những thời khắc cuối cùng, dù chỉ thoáng qua trong một vài phân cảnh vẫn để lại trong ta những âm ỉ cháy bỏng, xót xa đến nhường nào.
Thế nhưng, ở một thời đại khói lửa bao trùm là thế, những thanh niên yêu nước vẫn không quên kiếm tìm những niềm vui sống dù cho nguy hiểm gần kề. Seo Hwi Young, Ryu Soo Hyun và Shin Yul vẫn tay trong tay cùng nhau dạo phố, vẫn thản nhiên chọc ghẹo nhau bất cứ lúc nào, tình bạn chân thành của ba người chính là bình minh tươi sáng hiếm hoi giữa bóng tối ngột ngạt bao trùm thời ấy.
Thậm chí ngay trong đêm trước cuộc chiến sinh tử, họ vẫn cùng những đồng chí khác hào sảng nói về những việc sẽ làm ngày đất nước giải phóng, vẫn vô tư mơ mộng về một tương lai mà có lẽ họ sẽ chẳng có cơ hội được chứng kiến. Vì giống như tên của quán bar mà Shin Yul làm chủ là Carpe Diem - trong tiếng Latin nghĩa là "Hãy sống cho ngày hôm nay", quả thật ai biết được ngày mai sẽ ra sao, vậy nên hãy cứ tận hưởng hết mình phút giây này.
"Nếu được sinh ra một lần nữa, ở một nước Joseon độc lập, tôi hy vọng, lại có thể cùng mọi người, cùng các cậu, tận hưởng giây phút này".
Nếu quá khứ là khúc tráng ca dữ dỗi mà bi ai, thì với Han Se Joo, Jeon Seol và Yoo Jin Oh mà nói, hiện tại chính là để hàn gắn và chữa lành. Mong ước được gặp lại nhau tại một đất nước tự do nay đã thành hiện thực, quả thật khi ngắm nhìn những khung cảnh cả ba người ở bên nhau đầy an yên như thế, trái tim người xem cứ như được xoa dịu và sưởi ấm theo. Bởi lẽ hơn bao giờ hết, chính những ký ức đau thương từ kiếp trước đã khiến họ càng thấm thía ý nghĩa của sự sống, trân quý mọi khoảnh khắc bên người mình yêu.
Qua đó càng phát ra thông điệp mạnh mẽ về giá trị của tự do – điều mà bao lớp người từ xa xưa đã không ngừng tranh đấu để thế hệ ngày nay được thụ hưởng như một đặc ân thiêng liêng mà đôi khi ta không hề hay biết hoặc vô tình lãng quên.
Cuối cùng, câu chuyện của Chicago Typewriter không quên truyền cảm hứng sống mãnh liệt đến bất cứ ai vẫn đang vật lộn trong thực tại khó khăn, đừng bao giờ từ bỏ hy vọng vì rồi sẽ có một ngày thành quả mỉm cười với bạn.
Nhìn chung nếu bạn đang tìm kiếm một bộ phim mới lạ lại không kém phần ý nghĩa và sâu sắc thì Hoài Trinh khuyên thiệt lòng, tuyệt đối không nên bỏ qua Chicago Typewriter. Tác phẩm xứng đáng là khúc ca vừa bi tráng vừa lãng mạn về lòng yêu nước, tuổi trẻ và lý tưởng của một thế hệ không thể nào quên. Một bộ phim mà bất cứ ai cũng nên xem một lần trong đời. Tin Hoài Trinh đi, đây là một bộ phim xứng đáng để xem, để chiêm nghiệm, để viết ra những câu thoại rồi thi thoảng đăng lên trang cá nhân, đảm bảo bạn sâu sắc trong mắt mọi người đó. Phim hay xỉu luôn bạn ơi.
>>Xem thêm: 3 diễn viên đã thể hiện vai diễn cửu vĩ hồ ấn tượng và độc đáo nhất
*Bài viết của Hoài Trinh gửi về DienAnh.Net.
Theo dõi DienAnh.Net để cập nhật tin tức phim ảnh mới và chính xác nhất.
Facebook - bình luận