Hạnh phúc lớn nhất của đời người có lẽ là được yêu và biết yêu, tình yêu với Trịnh Công Sơn hẳn vô hạn như ông đã từng nói. Vì thế, khi cùng Em và Trịnh trải qua hơn 2 tiếng đồng hồ, tôi nhận thấy cuộc tình ông đã trải qua cùng những Dao Ánh, Khánh Ly hay Michiko đều là những mối lương duyên dang dở. Như người ta thường nói “tình chỉ đẹp khi tình dang dở” là vậy!
Em và Trịnh là một trong những câu chuyện giàu cảm xúc, đầy chất thơ, nhạc điệu như nhân vật chính. Bộ phim đưa tôi trải qua nhiều giai đoạn của một Sài Gòn trong những năm 60 cho đến cuối năm 80, đầu năm 90, không chỉ đơn thuần khắc họa một thời kỳ dày đặc tiếng khóc bi ai của những con người đang phải chịu đựng chiến tranh, mà còn là thời khắc Trịnh chiều chuộng cảm xúc của bản thân, thả nó theo những rung động mà lần đầu anh chạm đến.
Đó là cái ánh mắt thẹn thùng trên gương mặt rạng rỡ ánh hướng dương của Dao Ánh, là tiếng hát khác biệt nhiều chất chứa về cuộc đời đầy tủi thân của Khánh Ly và còn là sự ngưỡng mộ từ cô gái Nhật Bản với niềm đam mê các tác phẩm phản chiến của Trịnh Công Sơn.
Bên cạnh Dao Ánh, Khánh Ly, Michiko, thì Thanh Thúy và Bích Diễm là hai thơ nữ cũng đã “đi ngang” cuộc đời của Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên, họ không có để lại quá nhiều ấn tượng với tôi trong Em và Trịnh. Do đó ở bài viết này, tôi chỉ nêu cảm nhận của bản thân về ba mối tình của Trịnh Công Sơn cùng Dao Ánh, Khánh Ly và Michiko.
Trịnh Công Sơn và Dao Ánh: Tình yêu học trò với những bức thư tình nồng nàn
Em và Trịnh là một trong những tác phẩm đẹp từ khung hình, bối cảnh, nhân vật cho đến cách sắp xếp câu chuyện tình yêu cũng đẹp một cách hợp lý. Bộ phim đặt Trịnh Công Sơn ở tuổi xế chiều làm trung tâm, ôn lại ký ức tuổi trẻ của mình với những nàng thơ đã từng viết nên trang chuyện tình của riêng ông.
Trong phim, Dao Ánh, cô em gái của Bích Diễm, sở hữu gương mặt rạng ngời cùng nụ cười e ấp, luôn bẽn lẽn sau cánh cửa gỗ mỗi khi Sơn đến nhà. Chuyện tình của cả hai bắt đầu khi Sơn lên B’Lao dạy học và Ánh yêu cầu hát cho cô nghe, mỗi ngày cứ rảnh rỗi anh lại viết thư cho Ánh, kể cho cô mọi chuyện.
Hơn nữa, anh luôn chủ động bày tỏ cảm xúc của mình qua lá thư, ngay cả việc thèm gọi tên Ánh hay cô đơn, lạnh lẽo vì thiếu hơi ấm của cô, Sơn cũng ghi rõ. Trịnh Công Sơn đã yêu Dao Ánh từ lúc đó.
“Anh đang mong tin Ánh. Dĩ nhiên là mong tin vui. Ánh ở đó dù buồn vẫn còn bạn bè. Anh ở đây thì tuyệt nhiên không có ai.”
Thời điểm đó, cả hai đều là những cô cậu học sinh, sinh viên ở lứa tuổi đôi mươi, tôi cảm nhận tình yêu họ dành cho nhau cực kỳ dung dị và nhẹ nhàng. Đặc biệt ở Ánh, mỗi lần nhận được tin từ Sơn, cô mỉm cười làm gương mặt sáng bừng lên, đúng với tâm trạng của những người khi yêu, đó cũng là điểm khiến Trịnh Công Sơn luôn tương tư Ánh “hướng dương”.
Tuy không phải là tình đầu, nhưng là cuộc tình khiến Sơn vương vấn cả đời. Mãi cho đến tận sau này, khi đã trao chiếc nhẫn đính hôn cho Michiko, sự trở lại của Dao Ánh vẫn khiến người nghệ sĩ của chúng ta vừa hồ hởi, vừa lúng túng.
>>> Xem thêm: Em Và Trịnh: Được yêu hay bị từ chối cũng là số phận của đời người
Chuyện tình của Dao Ánh với Trịnh Công Sơn dễ thương lắm! Còn nhớ những phân cảnh mỗi khi lén đọc những bức thư mà Sơn gửi cho cô, Hoàng Hà diễn tả một cách tự nhiên, đúng với tính cách của một đứa con gái muốn yêu nhưng lại bị gia đình cấm đoán, cô vội vã giấu đi những bức thư tình trong một chiếc hộp.
Thời ấy không có công nghệ hay thư điện tử hiện đại như bây giờ, họ yêu nhau qua những lá thư viết tay đầy chân tình, qua những chuyến tàu lửa. Cách gọi “Ánh ơi” nghe cũng thân thương, họ khiến tôi nghĩ rằng không phải cứ “anh yêu” hay “em yêu” mới là yêu. Thật ra chỉ cần trong lòng mình có họ, thì ngay cả việc gọi tên cũng đủ mùi mẫn rồi.
Nếu được so sánh với một màu sắc, tôi ví chuyện tình của Dao Ánh và Trịnh Công Sơn như màu vàng. Một tình yêu thuần khiết nhưng lại đầy chân thành và ấm áp, sự trong sáng, thơ ngây của cái tuổi trăng rằm, đã làm nên một chuyện tình mà mãi cho đến sau này, Trịnh Công Sơn không thể không nhớ đến cô.
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly: Hai tâm hồn nghệ sĩ đồng điệu, thăng hoa nhau
Trong phim, Trịnh Công Sơn gặp Lệ Mai (tên thật của Khánh Ly) tại một quán rượu trên Đà Lạt, khi ấy anh lên vùng đất mơ mộng này để tìm giọng hát và người có tâm hồn đồng điệu. Khi nghe Lệ Mai hát ca khúc Sầu Đông, anh đã phải thốt lên rằng: “Giọng hát của cô ấy thật khác biệt”. Anh quyết định ngỏ lời hẹn gặp Mai và cả hai đã trở thành tri kỷ trong âm nhạc từ lúc đó.
Vậy còn tình yêu, liệu Trịnh Công Sơn có tình cảm với Lệ Mai không?
Tôi nghĩ là có, bởi với một tâm hồn dễ dàng nuông chiều cảm xúc và thả trôi nó một cách dễ dàng, Trịnh Công Sơn dễ sa vào lưới tình bởi giọng hát của Mai. Hơn nữa, nhân vật Lệ Mai của Bùi Lan Hương hóa thân làm mọi thứ rất hay ho, sống thật với cảm xúc cũng như can đảm thể hiện tình cảm dành cho Trịnh Công Sơn.
Tuy nhiên, với tôi nó là một tình yêu buồn. Khi cả hai nhân vật bắt đầu có những nảy sinh bất chợt, họ đã trải qua một giai đoạn khiến họ trưởng thành hơn. Đặc biệt, Lệ Mai cũng đã thừa nhận bản thân đã có hai con và từ chối lên Sài Gòn, bởi nơi đó không dành cho cô, đó cũng chính là lý do cô lấy nghệ danh Khánh Ly, thay vì tên thật.
Tình yêu họ buồn đến nỗi, những cảnh phim quay đến, tôi chỉ thấy trong ánh mắt của Khánh Ly như luôn mong muốn nhận được sự quan tâm duy nhất từ Sơn. Khi yêu ai mà chẳng vậy, càng buồn hơn khi nhận ra anh đã có Dao Ánh. Vì thế tôi nghĩ, không thể phủ nhận sự đồng điệu trong tâm hồn đã gắn kết họ cùng âm nhạc, nhưng để mà nói một tình yêu hạnh phúc thì không hẳn.
>>> Xem thêm: Em Và Trịnh: Phim tiểu sử đầy tính nghệ thuật về Trịnh Công Sơn
Tôi ví chuyện tình của Khánh Ly và Trịnh Công Sơn là một màu tím buồn bã, họ sánh bước cùng nhau suốt một thập kỷ, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau rực cháy trong tình yêu dành cho âm nhạc... Thế nhưng, đó chẳng phải là cách yêu như chuyện tình của Sơn và Ánh. Với nhiều người, có lẽ điều này thật kỳ lạ. Nhưng tôi nghĩ đó là mối quan hệ không phải ai cũng có thể giải mã đến tận cùng, vì họ đến với nhau nhờ nghệ thuật, mà nghệ thuật thì không có đúng - sai, đẹp - xấu, hẳn là chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ được.
Trịnh Công Sơn và Michiko: Tình yêu làm trẻ hóa con người ta ở tuổi xế chiều
Còn nhớ trong phim, Michiko là một cô gái để lại trong tôi nhiều bất ngờ, không e ấp như Dao Ánh, không buồn như Khánh Ly, ở cô gái người Nhật này có một sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ. Niềm si mê các sáng tác phản chiến của Sơn đã giúp mối quan hệ của hai người dần dần tiến triển.
Tôi cảm nhận mỗi khi Michiko cất tiếng hát là khiến Trịnh Công Sơn như hồi xuân. Năng lượng tích cực cô lan tỏa, đã khiến một Trịnh Công Sơn ủ dột ngày nào lại chuyển động bước chân theo điệu broadway. Là nàng thơ cuối cùng của Trịnh ở tuổi xế chiều, Michiko đã nhen nhóm một tình yêu đặc biệt, vượt mọi khoảng cách, địa lý, cả rào cản ngôn ngữ với Sơn.
Chuyện tình của họ bắt đầu từ những cuộc trò chuyện về ký ức thời trẻ của Sơn, những nốt nhạc, những chuyến đi khiến điều ấy trở nên sâu đậm lúc nào không hay. Để rồi trong một đêm, cả hai đã trao nhau nụ hôn đắm say. Cá nhân tôi không rõ đó có phải nụ hôn đầu đời của Michiko hay không, nhưng tôi biết chắc đó là nụ hôn đầy thỏa mãn của một khán giả hâm mộ dành cho một thần tượng nghệ thuật của mình.
Thử hỏi được một lần ôm hôn người mình thần tượng bấy lâu, ai mà không thích.
>>> Xem thêm: Em Và Trịnh: Những bóng hồng đi ngang đời Trịnh Công Sơn
Michiko xuất hiện sau những mối tình thời trẻ của Trịnh Công Sơn, cô là nàng thơ cuối cùng và cũng là người sắp cùng anh tạo nên một hạnh phúc gia đình, nhưng rồi lại bỏ anh mà đi. Bởi vì cô nhận ra rằng “áo đẹp cách mấy cũng phải phù hợp với mình, mặc hợp rồi phải coi có đúng thời điểm chưa đã”.
Hơn nữa, sự xuất hiện trở lại của Dao Ánh đã khiến Sơn hạnh phúc và tươi cười, hồ hởi hơn bao giờ hết. Tôi nghĩ có lẽ anh đã ngộ nhận, một phần do Michiko có nét tính cách dễ thương như Dao Ánh, hoặc cũng có thể tình cảm với Dao Ánh quá đậm sâu đến nỗi anh không còn nhớ chiếc nhẫn đính hôn đã trao cho Michiko.
Nếu được ví chuyện tình của Trịnh Công Sơn và Michiko như một màu sắc, tôi sẽ cho nó là màu đỏ. Rõ ràng đây là một cuộc tình tươi trẻ, cháy bỏng đầy hoài bão, cảm xúc, hơn nữa nó cũng đánh dấu cho một thời kỳ đổi mới với những chiến thắng vinh quang trong giai đoạn căng thẳng trước đó.
Em và Trịnh là một tác phẩm khiến tôi hỗn độn khá nhiều cảm xúc trước chuyện tình của Trịnh Công Sơn cùng những nàng thơ, thời cuộc lúc bấy giờ của dân tộc và những lay động từ âm nhạc mà bộ phim mang lại. Suy cho cùng, từng người tình bỏ anh mà đi như những dòng sông nhỏ. Điều này khiến tôi lại nhớ đến câu nói “lắm mối, tối nằm không”.
* Bài viết của Người Gỗ chia sẻ tại box Mọt phim Review
Nếu bạn yêu thích điện ảnh Việt Nam và đặc biệt là tác phẩm Em Và Trịnh , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Em Và Trịnh? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận