Công tử Bạc Liêu: Hiện tượng sống nửa đầu thế kỉ 20

tiendat.nguyen 18:00 - 06/12/2024

Công tử Bạc Liêu lấy cảm hứng từ giai thoại về “công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy (1900-1974). Tác phẩm xoay quanh quá trình Ba Hơn (Song Luân) từ Pháp trở về và gầy dựng sự nghiệp, cũng như tạo nên tai tiếng lẫn danh tiếng “có một không hai” cho mình. Nhưng, công tử Bạc Liêu có phải chỉ là một người? Đây là "hiện tượng sống" đại diện cho một tầng lớp xã hội nửa đầu thế kỷ 20.

 Theo như ghi chép của các nhà nghiên cứu văn hóa, Trần Trinh Huy - cậu Ba Huy nổi đình nổi đám ở Sài Gòn và Lục tỉnh về thói ăn chơi phóng túng, mạnh vì gạo bạo vì tiền. Từ đó thành ngữ “Công tử Bạc Liêu” ra đời. Lúc đầu, thành ngữ chỉ một nhóm người gồm Ba Cân, Dù Hột, Hai Đinh.... Nhưng sau đó, với giai thoại đốt tiền nấu chè, Trần Trinh Huy xem như “thiên hạ đệ nhất độc tôn duy ngã” của Nam bộ. Ba Huy sinh hoạt cực kỳ xa hoa. Ra đường, ông đóng bộ veston, thứ hàng đắt tiền nhất thời đó. 

 Ngoài ra, trong lễ Kỳ Yên kéo dài 15 ngày, Ba Huy tổ chức thi hoa hậu mà lúc đó gọi là “đấu xảo sắc đẹp”. Trong con mắt người Bào Xàng và các vùng lân cận thì đó là những trò kì lạ chưa từng xem qua. Chưa hết, Trần Trinh Huy còn thuyết phục cha là Hội đồng Trần Trinh Trạch mua máy bay để... "đi thăm ruộng". Chiếc máy bay trị giá vài chục triệu đồng Đông Dương, tương đương hơn 100 kg vàng. Trần Trinh Huy là người Việt Nam đầu tiên sắm máy bay riêng. 

 Ở trên là một vài những sự kiện, giai thoại nổi bật nhất về “công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy. Tuy rằng, nhiều người bài xích và phê phán thói vung tiền như nước, lối sống phong lưu, phóng túng của Ba Huy, nhưng không phủ nhận tầm ảnh hưởng của ông đến văn hóa Nam kỳ lục tỉnh. Bộ phim của đạo diễn Lý Minh Thắng giữ lại những chi tiết này trong tác phẩm của mình, khiến khán giả cảm thấy gần gũi và thú vị khi tiếp xúc với một nhân vật “người thật việc thật”. 

 Diễn xuất linh hoạt, ngẫu hứng của Song Luân cũng góp phần tạo nên một cậu Ba hào hoa, lịch lãm, có máu điên cuồng, nghĩ là làm. Tình tiết Ba Hơn cho bồ câu ăn và ám chỉ bản thân giống chúng, cũng như cái cách anh tự do bay lượn trên bầu trời bằng máy bay riêng cùng cha, làm bật lên tinh thần phiêu lưu, ưa thích khám phá chân trời mới của vị công tử có tinh thần cấp tiến này. Thử hỏi, nếu một đất nước, cái gì cũng không có người tiên phong làm, cũng chẳng ai dám “mạnh gạo bạo tiền”, thì liệu có tạo được đột phá hay những điều mới mẻ không? Ngoài ra, biên kịch cũng thêm thắt nhiều tình tiết hay ho về cá tính gây tranh cãi của nhân vật Ba Hơn.

 Chẳng hạn, ở cuối phim, cảnh Ba Hơn quăng tiền từ trên phi cơ riêng xuống cho nông dân và dùng tiền quyên góp cho người nghèo khiến tôi ấn tượng mạnh. Ngoài ra, phân đoạn Ba Hơn cũng được nhiều người đồng lòng ủng hộ khi ngân hàng đóng cửa cũng đem đến cái nhìn thoáng qua về một xã hội đại đồng. 

Khi ấy, những người ủng hộ Ba Hơn là những người từng chịu ơn anh (nhóm phu xe kéo, bà lão gửi tiền ngân hàng) và cũng từng là kẻ thù của anh - như Bá Hộ (NSƯT Hữu Châu) hay Bạch công tử Tư Phát (Công Dương). 

Bởi vì, họ “biệt nhỡn liên tài”. Họ thích khí khái hào sảng, phóng khoáng, chất chơi của Ba Hơn. Họ trân trọng cách Ba Hơn lao vào tẩn tay đấm quyền người Pháp vì dám “chơi bẩn” với đồng hương anh.

 Nhìn chung, Công tử Bạc Liêu không chỉ là bộ phim giải trí đơn thuần để phục vụ những ai tò mò muốn tìm hiểu về Trần Trinh Huy, mà còn gián tiếp khắc họa tinh thần và khát vọng của người Việt 100 năm trước.

Công tử Bạc Liêu công chiếu Toàn Quốc kể từ ngày 6.12.2024.

trao đổi - bàn luận

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài

Bài Cùng chuyên mục

Công tử Bạc Liêu: Quá trình trưởng thành và tình phụ tử xúc động

Công tử Bạc Liêu: Quá trình trưởng thành và tình phụ tử xúc động

Phim Công tử Bạc Liêu của đạo diễn Lý Minh Thắng và Song Luân để lại ấn tượng khi kể câu chuyện về “thiên hạ đệ nhất chơi ngông” những năm 1930 của Sài Gò