Công tử Bạc Liêu lấy cảm hứng từ giai thoại về “công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy (1900-1974). Tác phẩm xoay quanh quá trình Ba Hơn (Song Luân) từ Pháp trở về và gầy dựng sự nghiệp, cũng như tạo nên tai tiếng lẫn danh tiếng “có một không hai” cho mình.
Trong phim, “bảo chứng phòng vé” Kaity Nguyễn thủ vai cô Sáu - em gái của “thiên hạ đệ nhất chơi ngông” Ba Hơn. Còn hoa hậu Đoàn Thiên Ân hóa thân thành mỹ nhân nức tiếng Bảy Loan, được xem phiên bản sáng tạo từ “nguyên mẫu” NSND Phùng Há. Bảy Loan có mối tình chớp nhoáng, ngắn ngủi với Ba Hơn.
Kaity Nguyễn có kinh nghiệm đóng cổ trang sau thành công của Người vợ cuối cùng ra mắt hồi năm ngoái. So với vai mợ Ba u ám, bi kịch, ngột ngạt bởi cái lồng phong kiến trong tác phẩm của Victor Vũ; cô Sáu tươi tắn, đáng yêu, lạc quan hơn. Cũng phải thôi, cô Sáu vốn xuất thân trâm anh thế phiệt, luôn được cha mẹ yêu thương, anh trai chìu chuộng, sao mà không vui vẻ, hoạt bát cho được. Hãy xem cách Ba Hơn nhiều lần cho cô tiền mua sắm những bộ cánh đắt đỏ mà xem!
Tôi cảm thấy Kaity trở về với đúng tuổi thật khi hóa thân thành cô Sáu. Có chút nghịch ngợm, có chút đanh đá, có chút dễ thương, nhưng vẫn rất hiểu chuyện - Kaity Nguyễn ngoài đời và cô Sáu của Công tử Bạc Liêu đôi phần giống nhau. Cô Sáu đại diện cho một bộ phận phụ nữ ở Nam Kỳ lục tỉnh những năm 1930 - vẫn hoàn thành nhiệm vụ của người con cháu trong nhà nhưng cũng am hiểu thời cuộc, biết tận hưởng cuộc sống và cất lên tiếng nói của mình. Chẳng hạn trong những cảnh cô Sáu bát phố cùng anh trai, hay khi cô động viên anh trai khi anh vừa mới được ra tù.
Tôi thích cách cô Sáu ở bên cạnh Ba Hơn khi anh trai vấp váp, hoặc khi cô làm cầu nối giữa anh trai và cha là Hội đồng Lịnh (NSƯT Thành Lộc). Lúc ấy, cô Sáu tạo thiện cảm ấn tượng trong lòng khán giả, vì cô không phải là “cô chiêu” chỉ biết đến bản thân, mà còn biết quan tâm đến người xung quanh. Thành thực mà nói, Kaity Nguyễn thì quá đủ “trình” để hóa thân thành dạng vai “gái tân thời”. Nhìn lại Em chưa 18, Hồn papa da con gái, Tiệc trăng máu, Cô gái đến từ quá khứ là bạn sẽ rõ. Thành ra, vai cô Sáu không làm khó sao nữ sinh năm 1999.
Thỉnh thoảng, Kaity đem đến vài thay đổi nhỏ trong các biểu cảm trên gương mặt, sao cho mang nét “cổ điển” hơn mà thôi. Lần nhập vai này, Kaity cũng hạn chế việc mở đôi mắt to tròn và khống chế được giọng thoại, tránh bị thé khi lên tông cao. Tôi không còn nghe nhiều những lời bàn tán tranh luận về việc Kaity Nguyễn có ngoại hình quá hiện đại để đóng cổ trang nữa sau Người vợ cuối cùng, và sau Công tử Bạc Liêu, hẳn những lời xì xào đó sẽ dập tắt hoàn toàn.
Hoa hậu Đoàn Thiên Ân gây chú ý ngay từ khi được công bố là sẽ đảm nhận vai Bảy Loan. Tuy thời lượng lên hình không nhiều như Kaity Nguyễn, nhưng nàng hậu chiếm trọn trái tim khán giả mỗi khi xuất hiện. Tôi ấn tượng ánh mắt của Bảy Loan nhìn Ba Hơn đốt tiền nấu chè, và khi Ba Hơn vung tiền từ trên lầu cao xuống. Ở đó, tôi cảm thấy Bảy Loan không chỉ thích tiền của chàng “thiên hạ đệ nhất chơi ngông”, mà còn si mê dáng vẻ tự cao, phóng khoáng, thích tự do của chàng.
Sau đó, là chút đượm buồn rất nghệ sĩ, rất tinh tế nơi Bảy Loan. Vì Bảy Loan bộc bạch rất “con gái rằng”: “Em không hiểu được cậu Ba”. Bấy nhiêu đó cũng để đánh dấu màn chạm ngõ điện ảnh đáng nhớ của hoa hậu 24 tuổi. Hi vọng, Đoàn Thiên Ân sẽ tiếp tục ghi dấu ấn trong hành trình nghệ thuật thứ bảy.
Nhìn chung, cô Sáu và Bảy Loan là hai nhân vật nữ đáng chú ý của Công tử Bạc Liêu. Cả Kaity Nguyễn và Đoàn Thiên Ân đều nỗ lực hết sức trong các phân cảnh không nhiều của mình để gây ấn tượng trong lòng người xem. Cả hai đều không chỉ xinh đẹp, trẻ trung mà còn tỏa ra sức hút nội tại riêng mình.
Công tử Bạc Liêu công chiếu Toàn Quốc kể từ ngày 6.12.2024.
trao đổi - bàn luận
Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài