Chỉ cần ta nhận ra một điều, mọi “bóng đen” của những buồn phiền bủa vây khiến ta chán nản và tuyệt vọng triền miên sẽ nhẹ nhàng tan biến, đó là: “vạn pháp duy tâm tạo”. Vui hay buồn, sung sướng hay khổ đau, buồn thương tiếc nuối hay hạnh phúc đích thực, tất cả đều từ tâm trí con người mà ra.
Tâm thái tích cực sẽ quyết định việc chúng ta có hạnh phúc hay không
Ngoại cảnh là nhân tố khiến chúng ta bất an, trong khi nó không thuộc quyền kiểm soát của mình.
Bản tính chung của con người khi không may gặp phải những vấn đề trái ý mình thường là lo lắng và bất an. Chúng ta luôn để tâm trí của mình dịch chuyển vào trong những suy nghĩ ở quá khứ, những viễn cảnh vẫn chưa thực sự xảy đến ở tương lai và các mối bận tâm khiến ta sợ hãi trong thời khắc hiện tại.
Một lẽ hiển nhiên là tất cả các trạng thái đó chỉ xuất hiện khi ta không kiểm soát được tâm trí và cứ liên tục để chúng dao động qua lại trong tâm như vậy. Tuy nhiên, mọi cảm xúc sinh ra trong con người ta hầu hết đều là những “cảm giác” có được khi tiếp xúc với điều kiện và hoàn cảnh bên ngoài. Nghĩa là những xúc động trong quá trình chúng ta cảm nhận một sự vật, hiện tượng nào đó đều bắt nguồn từ ngoại cảnh. Chúng ta bị tác động bởi ngoại cảnh nhiều hơn là tự nhiên bản thân có được cảm giác đó.
Chúng ta ít khi biết làm chủ tâm trí mình không dính mắc với hoàn cảnh bên ngoài
Tất cả những gì chúng ta đang cảm thấy đều mang tính tương đối và thường thì chúng không có thực hoặc tồn tại trong giây lát rồi biến mất. Những cảm giác khổ sở, đau buồn, giận dữ, chán nản và lo âu đều như vậy. Cứ mỗi khoảnh khắc đi qua, chúng ta sẽ cảm nhận nó khác giây phút trước hoàn toàn.
Và khi chúng ta nhận thức được nó trong một thời gian đủ lâu, ta nghĩ mình bị nó đeo đuổi dai dẳng nhưng thực tế thì cảm giác sau chỉ là “ảo ảnh” của cảm giác trước, được tạo ra từ tâm trí của ta khi bị ngoại cảnh tác động vào. Tất thảy đều vô nghĩa.
Câu chuyện “Huệ Khả cầu pháp an tâm” - Liều thuốc ý nghĩa cho sự lo lắng, bất an:
Cảm giác của chúng ta về mọi thứ, thực chất chỉ là ảo ảnh
Trong buổi đầu sơ khai của Phật giáo Thiền tông Trung Hoa, một người tên là Thần Quang tuy tinh thông sách thánh hiền và hiểu rõ đạo lý sống của các bậc hiền giả như Lão Tử, Trang Tử và thuộc làu giáo lý Phật giáo trong kinh kệ nhưng vẫn mong cầu tìm đạo vì trong đầu vẫn còn nhiều điều khúc mắc chưa thể lý giải.
Một ngày nọ, hay tin có vị cao tăng ẩn mình độc cư trên núi cao, chín năm rõng rã quay mặt vào bức tường không động tĩnh chỉ để thiền định, Thần Quang quyết tâm đến tìm vị đại sư này để thỉnh giáo. Khi gặp được ngài, Thần Quang chợt cảm nhận được một loại sức mạnh tâm linh kỳ diệu và một trí huệ đại giác được phát ra từ vị này bèn quỳ gối xin thưa rằng: “Thưa đại sư, tâm con luôn bất an, xin ngài hãy an tâm cho con.”
Vị đại sư im lặng giây lát rồi hét lớn: “Đưa tâm ngươi ra đây ta an cho!”
“Đưa tâm đây ta an cho!”
Thần Quang sững sờ với câu trả lời đột ngột đó vì quá bất ngờ và ngạc nhiên không biết phải làm thế nào, nhưng cũng vội vàng đi tìm tâm của mình, mà tìm hoài không thấy nên bèn trả lời: “Thưa ngài, con tìm hoài mà không thấy tâm đâu.”
Trong lúc đi tìm tâm hoài mà không thấy, Thần Quang nhận ra trong người mình một cảm giác vô cùng kỳ diệu, một niềm hân hoan lạ lùng bắt đầu sinh khởi. Từ trước đến nay ông chưa từng một lần cảm nhận được thứ xúc cảm an lạc và diệu kỳ như thế này.
“Ta đã an tâm cho ngươi rồi!” – Vị đại sư lên tiếng.
Ta thường ảo tưởng về một tâm trí bất an và mải mê tìm kiếm nó trong vô thức
Câu chuyện trên là một điển tích nổi tiếng của Thiền tông Trung Hoa, nói về cuộc đối thoại đặc biệt giữa Sơ tổ Thiền tông Đạt Ma Bồ Đề – người được xem là kế thừa y bát thứ hai mươi tám từ Đức Phật, và người học trò xuất sắc nhất của ngài là Thần Quang – người sau này là thiền sư Huệ Khả và cũng là Nhị tổ Thiền tông (vị tổ thứ hai của tông phái Thiền).
Câu chuyện cũng cho chúng ta thấy được phần nào hình ảnh của mình trong con người Huệ Khả lúc ngài chưa đạt đạo, luôn cảm thấy tâm mình bất ổn không yên vì những sự tình mang đến nhiều lo lắng xảy ra trong đời sống hằng ngày.
Bình yên nằm ở tại tâm, vậy mà người không biết, luôn tìm kiếm nó từ bên ngoài
Hầu hết chúng đều là ảo tưởng của ta về hoàn cảnh bên ngoài, ta “cảm thấy” cảm giác của mình là thực và mặc nhiên thừa nhận rằng mình đúng như những gì mà cảm giác đó đang phản ánh: Lo âu, căng thẳng, buồn bã, bồn chồn và sợ hãi. Rồi sau đó chúng ta cố chấp cho rằng chúng luôn luôn hiện hữu nơi mình và điều đó khiến ta chán nản để rồi suy nghĩ càng thêm tiêu cực. Ta chưa một lần thử đi tìm và đối diện trực tiếp với cảm giác buồn chán hay lo lắng đang xảy ra bên trong tâm trí mình và tự hỏi rằng nó thực sự đang ở đâu trong con người và suy nghĩ của ta.
Facebook - bình luận