Tôi còn nhớ trong một tập phim, Long từng nói với Nam: “Cô phải hiểu, chỉ có gia đình cô và ruột thịt thì mới yêu thương cô vô điều kiện, còn những người ngoài tiếp cận cô đều có mục đích cả”. Đây là lời nói của một vị giám đốc từng trải hay chính là phát ngôn tư tưởng của biên kịch Hương Vị Tình Thân. Bởi trong suốt chiều dài của bộ phim, tôi không chỉ căng thẳng, hồi hộp với từng màn đấu đá, drama mà còn hòa vào dòng cảm xúc của nhân vật trong những phân cảnh tình cảm gia đình hết sức ấm áp, gần gũi.
Nhiều khán giả cho rằng Hương Vị Tình Thân phần 1 sao bi ai, éo le cho Nam thế. Hơn 70 tập phim, chỉ toàn bất công cho nữ chính. Nên gọi phim là Hương Vị Đồng Tiền hơn là Tình Thân bởi số phận con người chỉ xoay vần trên những giá trị vật chất. Nhưng sang đến phần 2, tôi đã thấy được thứ gọi là hương vị của tình thân trong mối quan hệ của gia đình Long và đặc biệt là tình cảm của bố con Nam.
Trong tập phim mới đây, dù chưa biết ông Sinh là bố ruột của mình, nhưng Nam vẫn chẳng ngại xa xôi mà về tận nhà người bác thân thiết khi nhận được lời đề nghị. Sau khi nghe lời trăn trối của chị ông Sinh, dường như Nam cũng phần nào nhận ra ông chính là bố của mình. Giữa khoảnh khắc sinh ly tử biệt, Nam không bận tâm đến người bên cạnh có phải máu mủ ruột già hay không mà ôm chặt lấy ông Sinh đang khóc nghẹn.
Những giọt nước mắt lăn trên má Nam khi cô ôm ông Sinh vào Lòng. Đôi môi của cô lắp bắp, dường như muốn gọi một tiếng bố nhưng lại không thể phát ra thành lời. Trong Nam dường như đang có cuộc đấu tranh tư tưởng lớn.
Dù cha con chưa thể nhận nhau, nhưng Nam và ông Sinh vẫn luôn gắn bó. Cô cũng chẳng vì lời của người hàng xóm, tiết lộ quá khứ xấu xa của ông Sinh mà xa lánh hay ghét bỏ. Có lẽ tình phụ tử sâu bên trong họ đã cất lời giúp Nam đồng cảm với nỗi đau và sự mất mát của ông Sinh. Sớm muộn gì ông Sinh cũng sẽ được đoàn tụ với con gái một cách đường đường chính chính.
Trong khi đó, câu chuyện của gia đình Long cũng lấy đi nhiều nước mắt của khán giả. Sau khi Thiên Nga lộ bộ mặt thật, Long đã lập tức từ hôn vì không thể chấp nhận hành động của cô đối với bà nội.
Bà Xuân thì luôn cho rằng mẹ chồng quái thai, ghê gớm, hành mình, nhưng ngẫm lại cụ Dần là một người bà, người mẹ hiền lành và thương con cháu hết mực. Khi biết chuyện Thiên Nga làm, cụ không hề truy cứu mà ngược lại thông cảm và mong Long sớm kết hôn. Luôn canh cánh trong lòng về chuyện vì mình mà cháu trai 5 lần 7 lượt không lấy được vợ, cụ Dần tự trách mình và khuyên Long: “Cháu đừng cố tìm người hợp với gia đình mình nữa, rồi phải lấy lòng bà. Giờ cháu chỉ cần lo đến hạnh phúc cá nhân thôi, bà có sống cũng chỉ là muốn nhìn thấy các cháu hạnh phúc”.
Nhưng Long vốn là người hiếu thảo nên đã an ủi bà rằng: “Cháu chỉ có một bà nội thôi, không ai thay thế bà được”. Đây như một lời khẳng định hay hồi chuông khiến chúng ta giật mình nhận ra về sự quan trọng của những người thân trong gia đình. Chúng ta có thể gặp gỡ nhiều người, trải qua nhiều cuộc tình nhưng người thân thì chỉ có một. Nên khi quyết định người để gắn bó trọn đời, đừng chỉ nghĩ cho hạnh phúc của cá nhân mà hãy nghĩ cho cả gia đình và cố gắng dung hòa mọi thứ.
>>> Xem thêm: Ông Sinh chưa kịp giải oan thì Nam đã biết về quá khứ tăm tối
Còn với ông Khang, thật khó để tôi có thể tìm ra từ ngữ diễn tả hết về sự hiếu kính của ông với cụ Dần. Đường đường là một chủ tịch công ty xây dựng lớn nhất nhì ở Hà Nội, nhưng ông Khang luôn cố gắng để về nhà ăn cơm với mẹ. Biết được việc mối quan hệ của vợ và mẹ bất hòa, ông cũng cố gắng dỗ ngon ngọt để bà Xuân chăm sóc cụ Dần.
Sau vụ việc của Thiên Nga, ngay khi cụ Dần được xuất viện, ông Khang vì lo mẹ yếu, đêm ngủ xảy ra chuyện nên tình nguyện sang nằm đất để trông mẹ. Ông Khang nói: “Ngủ với vợ cả đời, mấy khi được ngủ với mẹ”. Lời nói này của ông Khang như chạm vào trái tim của hàng ngàn người xem.
Hơn ai hết, ông Khang hiểu được rằng vì các con mà cụ Dần đã cả một đời vất vả, lao lực. Tưởng chừng là người có khoảng cách lớn nhất, nhưng chính cụ Dần lại là sợi dây kết nối và chỗ dựa tinh thần cho tất cả mọi người. Vì cụ Dần đã hy sinh cho con cháu đủ rồi, giờ đến lượt ông Khang và các con báo hiếu.
Cảnh người đàn ông đầu hai thứ tóc, lao vào vòng tay mẹ khóc như một đứa trẻ khiến bất cứ người xem nào cũng phải rung động, nhớ về người thân yêu, muốn được bé lại để được mẹ che chở, yêu thương.
>>> Xem thêm: Hương Vị Tình Thân có những bà mẹ "trời ơi đất hỡi"
Thế mới thấy, Hương Vị Tình Thân đâu chỉ hấp dẫn chuỗi drama kéo dài, mà còn bởi chính giá trị vì tình cảm gia đình mà bộ phim mang lại. Đây chắc chắn là những câu chuyện tình thân cảm động mà khán giả mong chờ suốt thời gian qua.
*Bài viết của Hoa Lê gửi về DienAnh.Net.
“Hương Vị Tình Thân có vị gì?” là chuyên đề đặc biệt của DienAnh.net nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, ý nghĩa của tình thân trong bộ phim truyền hình ăn khách nhất hiện nay của Việt Nam. Qua chuyên đề này, các bạn sẽ cảm nhận rõ nét hơn những câu chuyện đầy xúc động về tình cha con, mẫu tử và cả những tình cảm trân quý của những nhân vật không cùng huyết thống nhưng đối đãi với nhau như ruột thịt.
Mọi ý kiến đóng góp bài vở hãy gửi contact@dienanh.net để cùng nhau lan toả nguồn năng lượng tình thân cao quý này đến mọi người. Đừng quên follow DienAnh.Net để cập nhật những thông tin phim ảnh, chuyện hậu trường nhanh nhất, chính xác nhất nhé!
Facebook - bình luận