Lại một “mùa Diều” nữa tới, những nhà làm phim trên cả nước có dịp để “hái trái ngọt” sau những tháng ngày vất vả tạo nên đứa con tinh thần xuất sắc của mình. Theo tôi quan sát, Cánh Diều Vàng 2021 là một mùa gặt bội thu đối với VFC - đơn vị sản xuất phim truyền hình của VTV.
Thế nhưng lướt qua một loạt giải thưởng quan trọng, bộ phim đình đám nhất nhì năm 2021 - Hương Vị Tình Thân lại rớt đài thảm hại. Hai người duy nhất được vinh danh là NSƯT Võ Hoài Nam cho vai phụ xuất sắc nhất và NSƯT Danh Dũng cho giải Cánh Diều Bạc. Những tên tuổi đình đám như Thu Quỳnh, Phương Oanh, Mạnh Trường hoàn toàn vắng bóng.
Song kết quả này lại không làm tôi quá bất ngờ. Bởi thứ nhất, các nghệ sĩ đã giành giải đều vô cùng xuất sắc và xứng đáng. Và điều thứ 2, Hương Vị Tình Thân đình đám là vậy nhưng nhìn chung nội dung khá ô dề và không thực sự xứng đáng với danh xưng “phim quốc dân” như nhiều người ca ngợi.
Ngay từ đầu, tác phẩm truyền hình này đã là một bản Việt hoá của bộ phim My Only One do Hàn Quốc sản xuất. Cả 2 phần phim đều trung thành gần như tuyệt đối với kịch bản gốc, nên tôi có thể dễ dàng đoán được diễn biến cũng như nhiều cú twist quan trọng của phim.
Nội dung của phim được kéo dài tới 138 tập với nhiều tình tiết được “sáng tạo” nhưng chỉ thêm phần lê thê, dài dòng, không cần thiết. Cụ thể, sau 20 năm mới được trả tự do, ông Sinh - bố của Nam (nữ chính Phương Oanh) trở về để tìm con gái rồi bị Thy (Thu Quỳnh) hết vu cho tội dọa nạt lại đến tung clip dàn cảnh “ra tay” người khác.
Xét về mặt ý tưởng, đây là một sự sáng tạo khá thú vị, giúp đẩy cao trào của bộ phim lên cao, tạo nút thắt cho các nhân vật. Nhưng nhân vật ông Sinh lại luôn giậm chân tại chỗ, làm việc gì cũng ngây ngô, thụ động, gây ức chế cho người xem.
Để rồi từ đó sinh ra những phân cảnh ngớ ngẩn như bố của Nam tay không nhảy vào hang cọp, muốn ghi âm đoạn hội thoại của phản diện, để rồi bị cho một trận no đòn chứ chẳng để làm gì. Hay những tình tiết ông Sinh liên tục bị thoá mạ giữa đường, rồi về nhà 2 cha con Nam ôm nhau khóc cũng lặp đi lặp lại như để cố kéo dài tình tiết của bộ phim chứ không đóng góp gì cho nội dung chính.
>>> Xem thêm: Trương Mỹ Nhân thả dáng cực cháy, nói về vai Huệ phim Duyên Kiếp
Cũng song song với tình tiết này là phản ứng của nhân vật Thy suốt phần 2. Lúc nào, cô này cũng hậm hực, hoạnh hoẹ với chị dâu Nam. Những màn đối thoại đầy tính thù địch của họ cứ lặp đi lặp lại mà chẳng nhằm mục đích gì. Bởi mối quan hệ bất hoà của họ thì ai cũng biết từ những tập đầu phim rồi mà.
Bên cạnh đó, bộ phim còn lạm dụng một cách quá đà một số kiểu mô-típ. Điển hình như cảnh bóc phốt hội đồng giữa thanh thiên bạch nhật được sử dụng cho Diệp ở phần 1 khi gặp được Dũng ngoài đời. Hay sau này là khi Nam trở về nước và bị Thiên Nga hãm hại, rồi mẹ Long bị vu oan phải nhờ đến Nam tới giải cứu. Tất cả các cảnh này đều được thực hiện theo phương thức nhân vật chính bị hại, vu oan giữa đường, một đám đông nhào vô chỉ trích, quay hình và có 1 “anh hùng” đứng ra bảo vệ, che chắn.
Nếu như Thương Ngày Nắng Về là một bộ phim nhân văn, ca ngợi những người phụ nữ mạnh mẽ, can đảm, tôn vinh những bà mẹ tần tảo vì con cái; thì Hương Vị Tình Thân là một chiều kích ngược lại. Hình ảnh người phụ nữ mà cụ thể là người bà, người mẹ hiện lên với sự méo mó, ích kỷ, vô tri và là nguồn cơn cho mọi rắc rối.
Đầu tiên, phải kể đến cụ Dần - một người mẹ những tưởng vì con cháu cả đời, nhưng lại vì căn bệnh của bản thân mà ép cháu trai phải lấy vợ theo ý mình, để tiện bề chăm sóc bản thân, bỏ qua cảm xúc lẫn ý kiến của con dâu. Hình ảnh của cụ Dần chẳng khác nào những người ở nhà chồng độc địa, lúc nào cũng tị nạnh, ghét bỏ nàng dâu.
Còn với mẹ của Long - trung tâm của mọi rắc rối trong phim, tất cả những tính nết xấu nhất như ngu ngơ, ngây thơ, cố chấp, bảo thủ, ích kỷ, bà đều có cả. Nên 5 lần 7 lượt người phụ nữ này ép con trai lấy vợ theo ý mình, làm mình làm mẩy để cả gia đình nháo nhào lên, cãi mẹ bật chồng, gây sức ép, làm khó làm dễ với nữ chính Nam.
Người bạn thân của bà là mẹ Thy - bà Sa cũng là một người đàn bà xấu tính không kém. Nếu như mẹ Long chỉ là khẩu xà tâm phật, vẫn còn chút lương thiện bên trong thì bà Sa là người mưu mô, quỷ quyệt 100%. Đến mẹ của Nam - bà Bích cũng luôn hiện lên với vẻ ngoài một người phụ nữ tham giàu, hám tiền, luôn muốn con lấy chồng đại gia để đổi đời.
Một yếu tố khác khiến tôi cảm thấy khá ức chế trong bộ phim này đó chính là cách sử dụng thoại “người lớn” một cách vô duyên, tục tĩu. Ví dụ như sau khi kết hôn, Long liên tục sử dụng những câu nói với Nam kiểu “Anh ăn em”, “húp sò”, “chén khúc giò này”... Rõ ràng có rất nhiều cách để đẩy chemistry của cặp đôi chính nên nhưng tại sao đạo diễn và biên kịch lại phải chọn phương pháp phản cảm, thiếu nghiêm túc nhất như vậy chứ?
>>> Xem thêm: NSND Việt Anh (Gia Đình Phép Thuật) sau 13 năm: Sống độc thân vui vẻ
Có thể thấy, với từng ấy yếu tố thì tôi không cảm thấy bất ngờ trước kết quả của Cánh Diều Vàng 2021. Hương Vị Tình Thân chỉ nên dừng ở một bộ phim giải trí cơ bản, không nên được ca ngợi thành phim quốc dân và càng không nên được tôn vinh trong bất cứ giải thưởng nghệ thuật nào.
* Bài viết của Hoa Le chia sẻ tại box Sao Việt
Nếu bạn yêu mến Hương Vị Tình Thân hoặc là fan của phim truyền hình Việt , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận