Giữa thế giới điện ảnh cá mập với khủng long, Wukong thích nghiên cứu và tìm hiểu về các bộ phim của khủng long. Bởi không những sự đa dạng về các loài, mà còn là cách khai thác kịch bản, tạo thông điệp rõ ràng qua câu chuyện giữa khủng long với con người. Đặc biệt Jurassic World đã cho mình thấy rõ điều đó thông qua mối quan hệ giữa Owen và Blue.
Phần 3 của chuỗi phim ra mắt với tựa đề Jurassic World Dominion đã khiến mình không khỏi thất vọng trước sự hời hợt của biên kịch, cốt truyện lỏng lẻo, thiếu tính liên kết. Phim không tạo cho mình bất kỳ sự hồi hộp nào so với hai phần trước đó, ngược lại giải trí quá nhiều.
Là một trong những khán giả trung thành với chuỗi phim này kể từ khi Jurassic Park ra mắt bản gốc vào năm 1993, mình đã bị cuốn hút vào thế giới viễn tưởng khi đạo diễn Steven Spielberg biến những sinh vật đã tuyệt chủng hàng triệu năm trước trở nên sống động và chân thật hơn bao giờ hết trên màn ảnh rộng.
Điều đáng nói nhất là sự tài tình của ông khi làm khuấy đảo phòng vé thời gian đó với siêu phẩm Jurassic Park và Jaws, cả hai bộ phim đã làm nên hàng loạt các tác phẩm cùng chủ đề sau này.
Jurassic World được mở ra dưới sự chỉ đạo của Colin Trevorrow, một lần nữa thương hiệu được sống dậy sau chừng ấy năm. Tưởng chừng huyền thoại một thời đã vĩnh viễn chôn vùi, nhưng quả thật bộ phim đã tạo nên một tiền đề cho cách làm phim theo xu hướng đương đại, mọi tình tiết cả hai phần phim Jurassic World và Jurassic World: Fallen Kingdom đều đan xen những thông điệp tích cực, nhân văn.
Không những thế, những cảnh phim đắt giá cũng được ghi lại một cách ấn tượng, có thể kể đến màn so tài sống còn giữa bộ ba Raptor - Indominus - T-rex, cảnh Mosasaurus đớp lấy con mồi bằng bộ hàm to tướng của nó, hay “epic” nhất là cảnh Owen cùng “dàn hậu cung raptor” của anh chạy vào rừng để truy tìm Indominus… Có thể nói, cả hai phần phim đầu tiên để lại nhiều ấn tượng khiến mình không thể nào quên.
Sang đến Jurassic World Dominion đã khiến mình thất vọng hoàn toàn, ngoại trừ những phân cảnh rượt đuổi của Owen với các loài khủng long ở Malta và đoạn anh ấy trao trả Beta lại cho Blue.
>>> Xem thêm: Dominion: Mối quan hệ giữa Owen và khủng long Blue thật đặc biệt
Wukong cảm nhận kịch bản ở phần này không gợi cho mình quá nhiều sự tò mò như hai phần trước, mọi thứ đều như được kể lại và dày đặc các thông tin xoay quanh việc khủng long và con người chung sống với nhau. Lấy bối cảnh sau sự kiện Fallen Kingdom khi Maisie quyết định giải thoát cho các loài khủng long, chúng bắt đầu du nhập vào xã hội loài người.
Jurassic World Dominion bắt đầu bằng một bản tin với hai chữ “Ngày nay”, mọi thứ cứ phát triển dựa trên những chi tiết ấy nhằm xây dựng dần những hậu quả khi khủng long sống cùng với con người trong một hệ sinh thái. Cô bé Maisie Lockwood đang là mục tiêu của tổ chức Biosyn bởi họ muốn dùng cô bé như một vật thí nghiệm phục vụ cho nghiên cứu gen nhân bản.
Trước tiên, mình thấy điểm chung của ba phần phim Jurassic World đều lên án việc con người lạm dụng thiên nhiên một cách quá mức, việc các cuộc nghiên cứu của tiếng sĩ Henry Wu lai giống các loài khủng long, khiến chúng trở thành một công cụ, tệ hơn là một thảm họa của loài người. Ở phần Jurassic World đầu tiên, chúng ta có loài Indominus, ở Jurassic World: Fallen Kingdom thì có Indoraptor và Jurassic World: Dominion là một Gigantosaurus.
Tất cả đều là kết quả của những cuộc thí nghiệm phi pháp và vô nhân đạo, bạn sẽ thấy rõ cả ba con đều là những quái vật tàn bạo, được xem là phản diện chính khi đối đầu với Blue và T-Rex. Điều đó cho thấy, Jurassic World được phát triển không chỉ làm thỏa mãn niềm yêu thích thể loại gay cấn, giật gân, mà còn lên án các nghiên cứu khoa học đầy lòng tham của những tên “tư bản”. Điều đó đã phần nào được nhấn mạnh rõ sau 3 phần phim của Jurassic World.
>>> Xem thêm: Jurassic World 3: Lời tạm biệt đầy thất vọng của thế giới khủng long
Thứ hai, lỗ hổng lớn nhất chính là các nhà làm phim đưa bộ ba Alan Grant, Ellie Sattler và Ian Malcolm, màn “fan-service” này như để cứu vớt một cốt truyện đầy lỏng lẻo của Jurassic World Dominion. Cảm nhận rõ nhất đó là cả ba bị kéo vào cốt truyện điều ra tập đoàn Biosyn, mặc dù sự xuất hiện của ba nhân vật ở Jurassic Park khiến mình khá hoài niệm nhưng thật sự mọi thứ quá tệ, đến cả cảnh “đu OTP” giữa Ellie Sattler và Alan Grant cũng khá sáo rỗng.
Cuối cùng cảnh hỗn chiến giữa ba loài khủng long là một trong những điều mình mong chờ nhất, lại khiến mình vô cùng thất vọng bởi sự chớp nhoáng, xây dựng không gay cấn, thậm chí không xứng đáng với những gì một Jurassic World đã từng làm.
Hai cảnh phim quyết chiến cuối cùng ở những mùa trước đã để lại vô vàn ấn tượng cho Wukong bởi sự ra mắt đầy oai vệ của bạo chúa T-rex. Tuy nhiên, sang đến mùa 3, mùa hạ màn cho chuỗi thương hiệu này sống động này, lại làm một cách chắp vá.
Wukong nghĩ chắc do vấn đề thời lượng nên kịch bản xây dựng liên tục các cuộc đối thoại mà bỏ qua các trận chiến giữa các loài khủng long hoặc làm một cách “không đáng nhớ”. Do đó, Jurassic World Dominion là một lời từ biệt đầy thất vọng cho khán giả hâm mộ như mình.
Nhìn chung, cả hành trình làm nên thương hiệu của Jurassic World đã có những cảnh phim để lại ấn tượng với mình. Hơn hết, mối quan hệ giữa Blue và Owen vẫn luôn khiến Wukong có vài cảm xúc nhất định. Cuối cùng, nói về Jurassic World Dominion, mình chỉ có thể diễn tả bằng hai chữ “thất vọng”.
* Bài viết của Wukong chia sẻ tại box Mọt phim Review
Nếu bạn mê phim Âu Mỹ , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Jurassic World Dominion? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận