Lâu lắm rồi mình mới ra rạp xem một bộ phim khoa học viễn tưởng về môi trường sinh thái như thế này. Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa gợi nhớ cho mình về những bộ phim ngày còn bé xem trên HBO. Hồi bé xem chỉ biết “ngắm” khủng long thôi, bây giờ xem thì thấm được những triết lý, những vấn đề được lồng ghép trong phim hơn nhiều.
Jurassic World: Dominion (Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa) lấy bối cảnh tan hoang của hòn đảo Isla Nublar sau khi bị phá hủy. Giờ đây, khủng long có mặt ở khắp mọi nơi, chúng tác động tiêu cực và trở thành mối lo ngại đối với con người.
Câu chuyện trong Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa xoay quanh hành trình đi tìm cô bé Maisie. Maisie là đứa trẻ đặc biệt, Charlotte đã tạo ra cô bằng DNA của mình. Charlotte là một người vô cùng xuất chúng, những thí nghiệm, những công trình của cô luôn đi trước thời đại.
Charlotte mắc bệnh nhưng khi tạo ra Maisie, cô đã loại bỏ mầm bệnh đó. Chính vì vậy, DNA của Maisie được tin là có khả năng thay đổi thế giới. Tiến sĩ Henry Wu nghiên cứu về khủng long đã bắt cóc Maisie về với hy vọng có thể tìm được cách sửa chữa sai lầm của mình thông qua việc khám phá DNA của Maisie.
Sau khi biết tin con gái Maisie của mình bị người của tổ chức Biosyn bắt giữ vì mang trong mình bộ gen đặc biệt mà Charlotte đã chế tạo ra, Owen và Claire đã tức tốc lên đường đi tìm cô bé. Một khía cạnh khác, khi môi trường sinh thái bị đe dọa, tiến sĩ Malcolm và Ellie Sattler đi đến khu bảo tồn Biosyn lấy gene của châu chấu để tìm cách thức ngăn chặn dịch bệnh hoành hành.
Sau đó, cả đám người tiến sĩ, Malcolm, Ellie Sattler, Owen, Claire, Alan Grant, Maisie cùng những nhân vật phụ khác đã hội ngộ tại Biosyn và tham gia vào trận chiến với loài khủng long.
Tuy nhiên, Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa không khiến mình thực sự thỏa mãn. Phần hình ảnh tạm ổn chứ thật sự phần nội dung thì không. Mặc dù mình không cảm thấy dễ chịu lắm khi xem Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa nhưng khách quan mà nói, phim vẫn có những điểm cộng nhất định.
Đầu tiên là Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa có đoạn thuyết minh ở đầu phim để nhắc về sự kiện ở phần trước. Điều này khiến mình dễ nắm bắt nội dung phim hơn. Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa khá đi thẳng vào vấn đề, mới vô đã có một đoán như quay phim tài liệu để setup thế giới rồi.
Kỹ xảo, hình ảnh trong Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa vô cùng chân thực, sống động, nói chung là đã mắt. Phim này coi 3D thì đôi khi có cảm giác là con khủng long đứng kế mình thiệt luôn.
Thêm nữa mình thấy là Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa rất chỉn chu trong từng khung hình. Phim quay ở nhiều bối cảnh, ở những bối cảnh lạnh lẽo, băng tuyết vây quanh mình thấy được cả hơi thở của loài khủng long.
Một điểm cộng cho Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa là phim sử dụng góc máy đa dạng: toàn, trung, cận, viễn có đủ luôn. Trường đoạn rượt đuổi trên đường phố giữa khủng long với Owen và khủng long với Claire khá gây cấn. Đó cũng là cảnh mình thấy hồi hộp nhất trong phim.
Lần này, Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa có sự xuất hiện của nhiều loài khủng long, mỗi loại đều được gọi tên và mang đặc trưng riêng như : Parasaurolophus - loài ăn cỏ, có khả năng nghe và giao tiếp tốt hơn những loài khủng long khác; Apatosaurus - khủng long cổ dài, ăn cỏ, to nhất kỷ Jura; Deinonychus - loài này có 2 phiên bản, phiên bản đầu tiên có vảy, chính là cô bạn Blue đã từng đồng hành với Owen trong các phần phim trước, phiên bản còn lại có lông nên nhìn trông giống những chú chim.
Tuy có nhiều loài khủng long xuất hiện nhưng Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa tập trung vào khai thác mối quan hệ giữa hai mẹ con khủng long Blue và Beta. Beta chính là cái tên mà Maisie đặt cho con của cô khủng long Blue.
Beta vô tình bị bọn xấu bắt giữ đưa về khu bảo tồn Biosyn cùng với Maisie. Blue đã giận dữ và đe dọa Owen, Owen đã hứa là sẽ mang Beta về cho Blue và cuối cùng anh cũng đã thực hiện được điều đó. Ngoài hành trình đi tìm và giải cứu Maisie, Owen và Claire cũng phải thực hiện thêm nhiệm vụ kép là đưa khủng long con Beta về với mẹ. Chi tiết này cũng đã thể hiện sự giao ước và giữ lời hứa giữa con người và các loài động vật hoang dã.
>> Xem thêm: Jurassic World Dominion: Cần nhớ gì ở những phần trước?
Ngoài ra, Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa còn lồng ghép vấn đề nuôi dạy con cái của Owen, Claire. Owen và Claire không phải là cha mẹ ruột của Maisie. Maisie biết điều đó và cô cũng biết mình được sinh ra không giống người bình thường, vậy nên đôi khi cô cũng mặc cảm vì sự khác biệt của mình.
Trong một câu thoại, Maisie đã tiết lộ cô đã không giao tiếp với ai ngoài bố mẹ 4 năm. Tức là, Owen và Claire muốn bảo vệ Maisie khỏi những tác nhân xấu bên ngoài nên đã dựng một ngôi nhà nhỏ trong rừng, sống tách biệt với xã hội để đảm bảo an toàn cho Maisie. Đó cũng là cách nuôi dạy con cái thường thấy ở các bậc cha mẹ.
Tuy nhiên, chẳng đứa trẻ nào muốn điều đó. Tính cách của một đứa trẻ được hình thành dựa trên những tương tác với thế giới bên ngoài, khi chúng mất đi môi trường để phát triển sẽ rất dễ bị cảm thấy hoang mang, vô định và rất khó để lớn lên một cách bình thường. Maisie cũng vậy, đó cũng là lý do Maisie dễ khó chịu và cáu gắt với bố mẹ. Bố mẹ Maisie tách biệt cô với thế giới bên ngoài nhưng họ không biết rằng chính hành động đó cũng sẽ tách biệt Maisie với cả họ.
Phần đầu của Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa mình thấy khá ít thoại, chủ yếu tập trung vào miêu tả từng cử chỉ, hành động của loài khủng long. Về sau, khi bắt đầu đến khu bảo tồn Biosyn, Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa bắt đầu có nhiều thoại hơn. Mình thấy thoại về sau khá thông minh, nó thể hiện được tính cách nhân vật và mang tính cung cấp thông tin. Có nhiều đoạn thoại nối và thoại đuổi tạo sự nhiễu loạn, vui vẻ, làm giảm bớt không khí căng thẳng cho bộ phim.
Mình thấy mới đầu vô khúc đầu nghiêm túc hơi chán nhưng lúc sau có sự xuất hiện của Alan Grant, Ellie Satttler, Ian Malcolm tấu hề đã luôn. Từ lúc các nhân vật hội ngộ với nhau về sau có nhiều tình huống dở khóc dở cười khiến mình cảm thấy phim thú vị hơn lúc đầu nhiều.
Một điểm vừa là điểm cộng nhưng cũng vừa là điểm trừ của Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa là phim thuộc thể loại phim đa tuyến, tức là có nhiều cốt truyện đan xen và được kể theo trật tự không cố định. Trong Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa, mình thấy có 2 hành trình là Owen cùng Claire đi tìm Maisie và tiến sĩ Malcolm cùng Ellie Sattler đi đến Biosyn để đánh cắp gene châu chấu.
Từ đầu phim, mặc dù chuyện về gia đình Maisie và hành trình đi tìm Maisie của vợ chồng Owen có vẻ nổi bật hơn nhưng hành trình của tiến sĩ Malcolm và Ellie Sattler cũng chiếm thời lượng không kém.
Phim đa tuyến cũng có nhiều dạng, với Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa là dạng phim đa tuyến đồng quy. Tức là những cốt truyện nhỏ đó đến hồi 3 (cuối phim) sẽ nhập lại làm một. Lúc này, họ sẽ cùng nhau thực hiện cùng 1 nhiệm vụ chứ không hoạt động riêng lẻ như lúc đầu nữa.
Mình thấy kiểu phim đa tuyến thường được đưa vào cấu trúc kịch bản với những phim khoa học viễn tưởng. Dường như đây cũng là đặc trưng của thể loại phim này. Tuy nhiên, trong Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa, mình thấy đa tuyến này khá lộn xộn và nó thiếu rất nhiều chi tiết để liên kết mọi thứ với nhau. Nó làm mình cảm giác mọi thứ cứ rời rạc, nửa vời.
>> Xem thêm: Jurassic World 3: Chris Pratt cưỡi ngựa chứ không phải khủng long?
Điều đó cũng ảnh hưởng nặng nề đến vấn đề truyền tải thông điệp trong phim. Mình thấy Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa có đề cập đến nhiều vấn đề, cũng có đưa ra nhiều thông điệp ví dụ như: cách nuôi dạy con cái của cha mẹ Maisie, việc khủng long sẽ dạy cho chúng ta cách nhìn nhận về bản thân, con người muốn tồn tại được phải biết tin tưởng, phụ thuộc vào nhau, cách sửa chữa sai lầm,...
Tuy nhiên, không thông điệp nào được truyền tải một cách trọn vẹn. Tất cả thông điệp trên chỉ được nhắc qua và truyền tải một cách vô cùng lớt phớt khiến mình không thấy ấn tượng gì.
Thêm nữa là Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa có nhiều cảnh ảo quá, mấy màn truy đuổi với khủng long mà không bị thương gì luôn. Mình khá bất ngờ là phim “nhẹ nhàng” hơn mình tưởng nhiều.
Đa số khủng long cũng chỉ “vờn” người thôi, con người toàn chạy thoát được khủng long nên chẳng xảy ra cuộc xô xát nghiêm trọng nào trong 2h27’ của phim cả. Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa đặt ra vấn đề về sự việc mang tính sống còn của nhân loại nhưng mình chưa thấy được mức độ nghiêm trọng của nó.
Thêm nữa là Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa nhồi nhiều thông tin quá khiến mình cảm thấy bị ngộp, mới xem lần đầu khó mà load kịp.
Nói chung, mình thấy xem Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa như xem mấy chương trình thế giới động vật vậy, nó chưa thật sự có tính “người” lắm vì mọi thứ về con người chưa có chiều sâu. Được cái kỹ xảo, hình ảnh, âm thanh làm tốt thôi, còn lại kịch bản làm mình cảm thấy có khoảng cách với phim quá vì chẳng hiểu phim muốn truyền tải thông điệp gì.
* Bài viết của Lọ Lem chia sẻ tại box Mọt phim Review
Nếu bạn quan tâm đến phim khoa học viễn tưởng và không muốn bỏ qua bất kỳ phim nào của thể loại phim này , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Jurassic World: Dominion (Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa)? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận