Trở lại màn ảnh sau 4 năm, Jurassic World đã không khiến mình ấn tượng như trước. Cảm giác thất vọng tràn trề với một kịch bản gần như “vắt sữa” và không có biến tấu nào mới mẻ hay ý tưởng nào khá hơn cho việc các loài khủng long và con người sinh sống chung một bầu khí quyển.
Do đó, Jurassic World Dominion (Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa) có đầy đủ các yếu tố hành động, hồi hộp, gay cấn, nhưng vẫn không đủ làm thỏa mãn Bánh Đúc bởi cốt truyện dày đặc các lý thuyết cũng như triển khai dài dòng, không tạo được sự mới mẻ.
Jurassic World hay Jurassic Park đều là thương hiệu khủng long gắn liền với mình suốt nhiều năm. Không những xây dựng thành công cốt truyện phiêu lưu, viễn tưởng đầy tính giật gân, mà còn nhờ bàn tay kỹ xảo của các nhà làm phim khi thiết kế tạo hình các loài khủng long như thật.
Tựu trung, nội dung chính của thương hiệu này tập trung xoay quanh việc con người khai thác thiên nhiên cũng như nâng cao giá trị bảo tồn các loài vật quý hiếm. Nếu ai đã từng một lần “ghé thăm” Jurassic Park chắc chắn sẽ nhớ như in bộ ba nhân vật: Alan Grant, Ellie Sattler, Ian Malcom.
Lần này, đến với Jurassic World Dominion (Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa) sự tái hợp của bộ ba tiến sĩ lừng lẫy một thời, đã khiến mình nhớ lại những khoảnh khắc các nhân vật tháo chạy khỏi sự truy đuổi của khủng long bạo chúa T-Rex.
Trước khi đi vào đánh giá về Jurassic World Dominion (Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa), mình phải cảm ơn đến hệ thống các rạp phim đã mang lại trải nghiệm 3D để việc thưởng thức bộ phim khủng long lần này cực kỳ mãn nhãn. Đúng kiểu xem mà khủng long muốn tràn ra màn hình!
>>> Xem thêm: Jurassic World Dominion: Màn hội tụ những nhân vật huyền thoại
Sau sự kiện Fallen Kingdom ở phần 2, lúc này các loài khủng long đã du nhập vào môi trường sống của con người. Điều này gây tác động và làm ảnh hưởng khá nhiều đến hệ sinh thái và lối sống của cả hai. Một tổ chức tên là Biosyn được lập ra để nghiên cứu, tìm giải pháp để quản lý khủng long.
Lúc này, cô bé Maisie đang là mục tiêu của tổ chức vì mang trong mình bộ gen nhân bản, Owen và Claire luôn tách biệt cô bé với thế giới bên ngoài trong căn nhà gỗ. Một ngày nọ, Maisie bị người của tổ chức bắt cóc cùng với Beta, đứa con của Blue - loài Raptor. Owen và Claire buộc phải tìm cách cứu cả hai. Trên hành trình đó, họ vô tình gặp được Alan, Ellie và Ian, cùng với sự giúp đỡ của Kayla và Ramsay.
Jurassic World Dominion (Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa) dành hơn nửa thời lượng đầu để giới thiệu tất tần tật về bối cảnh cũng như hậu quả của Fallen Kingdom, bên cạnh đó là những cảnh phim xoay quanh cuộc sống của gia đình Owen khi họ nhận nuôi trái phép Masie Lockwood.
Có thể thấy, điểm chung của các bộ phim giả tưởng là các nhà làm phim luôn dùng tin tức để thuyết minh cho sự việc chính nhằm gợi ý cho mình phần nào về nội dung sắp được triển khai.
Tuy nhiên chính điều này là lỗ hổng khiến Jurassic World Dominion (Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa) nhàm chán bởi nó mang nặng tính lý thuyết, khiến mình buộc phải theo kịp tốc độ của phim. Mặc dù, đã ráng “đu” theo để mong chờ sự thiết lập hợp lý về tổ chức Biosyn hoặc những thế lực đứng sau nó.
Tuy nhiên, nó lại là một bản tóm tắt dày đặc các dữ kiện, đơn thuần cũng chỉ nói về việc khủng long đang sống cùng với con người.
Trước đây, đạo diễn Steven Spielberg đã làm “khuấy động” các rạp phim trên toàn thế giới với siêu phẩm Jurassic Park, ông cũng là người làm nên tên tuổi của Jaws. Ở thời điểm đó, kịch bản hầu như cực kỳ đơn giản, khai thác trọng tâm vào vấn đề. Điều này dẫn đến kết quả 2 phần phim sau của Jurassic Park kế thừa tính liền mạch và tạo nên một dây chuyền hợp lý qua các thế hệ, mặc dù đã thay đổi đạo diễn.
Song, vũ trụ của Jurassic World lại chỉ tạo được mức độ nhịp nhàng ở 2 phần phim đầu tiên, sang đến Jurassic World Dominion (Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa), Bánh Đúc cảm nhận mọi thứ không còn quá mới mẻ bởi việc lặp đi lặp lại hành trình truy tìm khủng long, bị khủng long “mần thịt” và rồi kết phim là “mạnh ai nấy sống”.
Nói về cái kết, thật sự khiến mình thất vọng cực kỳ bởi sự xuất hiện của T-Rex quá nhạt nhòa trong trận chiến với Giganotosaurus và Atrociraptors. So với những màn “đo ván” ở hai phần trước, thì Bánh Đúc đánh giá đây đúng kiểu “đánh nhanh thắng nhanh”.
Nhịp phim không tạo được sự nhịp nhàng khi các tình tiết diễn ra như một bài văn tự sự của đạo diễn Colin Trevorrow. Mở đầu phim dài dòng, dẫn đến ở diễn biến lại để thừa một số nhân vật của các diễn viên như Justice Smith, Dichen Lachman, Glynis Davies.
>>> Xem thêm: Jurassic World Dominion: Cần nhớ gì ở những phần trước?
Điểm đặc biệt mà Bánh Đúc thấy được, đó là Jurassic World Dominion (Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa) đưa mình đến một thế giới hoàn toàn mới với nhiều bối cảnh và khái niệm khác nhau. Từ những ngọn núi tuyết ở Sierra Nevada đến những con đường đông dân cư của đảo Malta và Thung lũng BioSyn rậm rạp nằm trong Dãy núi Dolomite của Ý.
Điều đó chứng tỏ, khủng long ngày một tự do trong thế giới con người, chúng đang cố gắng tồn tại và con người buộc phải thích nghi với hoàn cảnh luôn thay đổi này. Đây là một Thế giới kỷ Jura hoàn toàn mới.
Ngồi ghế đạo diễn cho phần kết của thương hiệu này, Bánh Đúc nhận thấy Colin Trevorrow đã tập trung vào những màn rượt đuổi ở Malta hơn những cảnh khác. So với hai phần phim trước, thì nhân vật Owen lần này bức phá ở khoảng “fast and furious” với các loài khủng long. Do đó, đây là cảnh ăn tiền mà mình nghĩ người xem nào cũng sẽ phải hứng thú.
Cuối cùng có hai phân cảnh mình ấn tượng và khó mà quên được. Đó là màn thể hiện của “quý ngài” Monsasaurus và “trứng phục sinh” thể hiện thương hiệu Jurassic Park bởi chiếc logo quen thuộc.
Nói về Monsasaurus, từ mùa 1 của Jurassic World đến hiện tại, tuy thời lượng xuất hiện chỉ đến trên đầu ngón tay. Nhưng quả thật, loài khủng long này như một “chiến thần” đại dương, sống ẩn dật dưới mặt nước ngầm mà vẫn uy nghi, oai vệ, khiến mình một phen sửng sốt mỗi khi “quý ngài” xuất hiện trên màn ảnh rộng.
Thứ hai là cảnh phim thể hiện sự tri ân của đạo diễn Collin Trevorrow dành cho cả thương hiệu Jurassic Park và Jurassic World bằng việc để T-Rex xuất hiện sau vòng tròn phun nước giống như chiếc logo nổi tiếng của bộ phim.
Chứng tỏ một điều, trải qua hơn 2 thập kỷ, sẽ có những phần phim khiến bạn hài lòng hoặc không. Nhưng tựu trung, Thế giới kỷ Jura đã hoàn thành sứ mệnh của nó khi các nhà làm phim đã đưa loài sinh vật đã tuyệt chủng cách đây hàng triệu năm “hô biến” nó lên màn ảnh. Vì vậy đây là cảnh phim khiến Bánh Đúc khá hoài niệm, mặc dù chỉ xuất hiện chớp nhoáng.
Tuy là cảnh hạ màn cuối cùng không thật sự đặc sắc như đúng nghĩa nó phải kết thúc, nhưng nhìn bao quát cả chặng đường dài mà cả Jurassic Park và Jurassic World đã trải qua, mình thấy khá thích việc các loài khủng long sống lại trên màn ảnh rộng. Hơn nữa, nếu những ai đi xem Jurassic World Dominion (Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa) thì nên chọn những trải nghiệm từ 3D trở lên để có một phần hạ màn đúng với suy nghĩ của bạn nhé.
Còn bạn. Bạn nghĩ sao về bộ phim này? Đừng quên nói cho mình nghe dưới phần bình luận nhé.
* Bài viết của Bánh Đúc chia sẻ tại box Mọt phim Review
Nếu bạn mê phim Âu Mỹ hay những bộ phim về các loài quái vật, siêu thú , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Jurassic World Dominion (Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa)? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận