Có ai đó từng nói với tôi rằng: Nội tâm của một người mới chính là thứ đáng để người đó đặt sự quan tâm của mình lên hàng đầu. Chỉ khi chúng ta tự nhận thức được những điểm mạnh cũng như những thứ còn hạn chế của mình, ta mới có thể cởi mở để học hỏi và làm chủ những khuyết điểm, phát huy thế mạnh, và sống tốt hơn trong cuộc đời này. Dưới đây là một vài gợi ý nhỏ có thể giúp bạn phát triển khả năng nhận thức về bản thân một cách tốt hơn:
1. Xem xét nội tâm
Bước đầu tiên và cũng là quan trọng nhất chính là phát triển nhận thức về những gì mình thực hiện trong ngày. Nhìn sâu vào các nguyên nhân dẫn đến hành động mà mình thể hiện ra ngoài. Từ đó, thấu hiểu các điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Hiểu những gì đang gây ra một số cảm xúc nhất định trong tâm trí như buồn, vui, giận hờn, lo âu, căng thẳng, chán nản, hạnh phúc…
Hãy dành một khoảng thời gian ngắn trước khi đi ngủ để suy ngẫm về các cảm xúc và hành động đó. Có một bí mật rằng, người hướng nội cực kỳ giỏi trong nhiệm vụ quan sát và thấu hiểu nội tâm chính mình hơn những người thích giao du với cuộc sống xã hội bên ngoài. Nhưng việc đưa bản thân vào trạng thái thiền định chỉ vài phút trước khi ngủ để biết một ngày của mình diễn ra như thế nào thì có thể áp dụng được đối với tất cả mọi người, và nó diễn ra khá dễ dàng.
2. Tiếp nhận phản hồi từ người khác
Chúng ta có thể dành thời gian trò chuyện với bạn bè và người thân của mình về những gì đang xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, thì cũng nên dành ra một vài phút để hỏi người đó xem bản thân chúng ta là con người như thế nào. Nhận phản hồi thường xuyên về quá trình biểu hiện hành động và cảm xúc của bản thân là cách hiệu quả để tự nhận thức, từ đó điều chỉnh mình trở nên tốt hơn mỗi ngày.
Họ có thể là người nhận ra một vài thứ mà bạn chưa bao giờ thấy. Họ sẽ mang lại sự thay đổi cho bạn khi nhận xét và góp ý về các điểm mạnh, điểm yếu, điểm cần cải thiện, hay những đặc điểm gì ở bạn sẽ có ích cho một mối quan hệ lâu dài…
3. Ghi lại những trải nghiệm của bản thân
Quá trình ghi chép lại trải nghiệm của bản thân có thể hơi mệt mỏi, nhưng đó chắc chắn là một trong những cách hiệu quả để biết rằng, liệu nội tâm của mình có đang tự đấu tranh hay có đang giúp ích gì cho cuộc sống hàng ngày hay không. Bạn có thể nhớ lại và suy ngẫm về các hành động, các phản ứng của mình với người khác. Ghi chép chúng vào một quyển nhật ký, sau đó tự mình đưa ra nhận xét và phản hồi cho từng hành vi cụ thể. Điều này sẽ giúp trải nghiệm tự nhận thức diễn ra nhanh hơn và dễ dàng hơn vào những lần sau.
4. Làm bài kiểm tra đo lường tâm lý
Nghe có vẻ rắc rối, nhưng có rất nhiều công cụ hỗ trợ khác nhau tồn tại sẵn trên môi trường Internet có khả năng giúp chúng ta thấu hiểu bản thân mình hơn. Thực hiện các bài kiểm tra đo lường tâm lý đều đặn để biết và hiểu những thay đổi trong hành vi của bạn và tự đưa ra những phân tích cho chúng.
Một người có khả năng tự nhận thức cao cũng đôi khi phạm phải sai lầm, nhưng sẽ không bao giờ quên học hỏi một bài học giá trị nào đó. Họ sẽ hiểu và suy ngẫm về hành động của mình một cách thường xuyên và sẵn sàng chào đón những trải nghiệm mới trong cuộc sống.
Kết: Ở thế kỷ 21 này, tôi cho rằng một người có khả năng tự nhận thức bản thân có lẽ thực sự rất hiếm khi đây là kỷ nguyên của Photoshop, ảnh tự chụp và các bộ lọc chỉnh sửa diện mạo cơ thể… Trong khi chúng ta dễ rơi vào tình trạng mù quáng bởi sự quyến rũ đến từ thế giới bên ngoài, thì xu hướng chung là ta càng dễ quên mất rằng, những điều đó hầu như không có ảnh hưởng gì đến giá trị nội tâm bên trong bản thân. Trên đây là 4 gợi ý để tăng mức độ tự nhận thức bản thân mà tôi có thể giúp bạn xây dựng thói quen này mỗi ngày.
* Bài viết của Tiêu Dao chia sẻ tại box Cafe Danner
Đời người là một quá trình hoàn thiện và tu dưỡng bản thân, nếu bạn có những tâm đắc về cuộc sống , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận