Tôi nhận ra, thiếu kỷ luật chính là lý do lớn nhất khiến chúng ta không đạt được mục tiêu về lâu dài. Thành công của một người không phải là ngẫu nhiên. Không có gì mà bạn “thỉnh thoảng làm” sẽ dẫn đến kết quả tuyệt vời. Tuy nhiên, những gì bạn “làm thường xuyên” sẽ quyết định mức độ hài lòng và thành tích của bạn. Đạt được các mục tiêu dài hạn là một cuộc đua marathon, nó đi kèm với rất nhiều kỷ luật và ý chí, tuy nhiên, những điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng duy trì. Nhưng, "Hành trình ngàn dặm bắt đầu bằng một bước chân." — Lão Tử
1. Đặt mức độ ưu tiên rõ ràng
Nếu bạn muốn xây dựng một số thói quen và thực hiện các mục tiêu khác nhau cùng một lúc, bạn sẽ dễ dàng thất bại. Sự tập trung chính là điều cần thiết để đạt được các mục tiêu lớn. Có một tầm nhìn rõ ràng về tương lai giúp bạn tập trung vào những điều đúng đắn và đặt ra các ưu tiên hàng ngày phù hợp với tầm nhìn đó. Bất cứ khi nào tôi cảm thấy mơ hồ, tôi lấy giấy bút và bắt đầu viết nhật ký về tương lai lý tưởng của mình.
Tôi xem xét các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Các mối quan hệ, sức khỏe, sự nghiệp, phát triển cá nhân, tài chính, v.v. và cố gắng đưa ra một bức tranh lý tưởng cho mỗi ưu tiên riêng. Sau đó tôi sẽ có được một hình ảnh rõ ràng về tầm nhìn tương lai của mình. Kết quả là, tôi biết những gì mình cần phải làm hàng ngày để biến chúng thành hiện thực.
Giả sử bạn tưởng tượng mình là một người khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng mỗi ngày. Nếu tầm nhìn đó không phù hợp với lối sống hiện tại, bạn biết rằng mình cần phải thay đổi để cải thiện bản thân. Rồi bạn sẽ có thể đưa ra ý tưởng về những gì cần làm.
Có lẽ chế độ ăn uống của bạn cần thay đổi? Hoặc bạn cần đến phòng tập thể dục thường xuyên hơn? Hoặc bạn quyết định nhận sự giúp đỡ từ một chuyên gia dinh dưỡng chuyên nghiệp hoặc huấn luyện viên cá nhân? Dù cho đó là gì, bước đầu tiên là hãy rõ ràng về kết quả lý tưởng và thiết lập các ưu tiên phù hợp. Bạn chỉ có thể hành động nếu bạn biết rõ mình cần làm những gì.
2. Đặt mục tiêu thực tế
Những kỳ vọng quá cao thường khó đạt được và làm cạn kiệt năng lượng cũng như động lực của bạn. Bạn cần tìm ra sự cân bằng giữa việc đặt mục tiêu đủ lớn khiến bạn phấn khích nhưng vẫn thực tế. Nếu mục tiêu là quá sức, hãy chia nhỏ nó ra. Việc này có thể khiến bạn tốn nhiều thời gian hơn nhưng chắc chắc sẽ khó nản chí.
Sẽ thú vị hơn nhiều khi có những cột mốc quan trọng và ăn mừng các chiến thắng nhỏ trên con đường đạt được những thành tựu trong đời. Một khi đã có một tầm nhìn rõ ràng và một mục tiêu lớn, bạn có thể tìm ra những gì bạn cần hoàn thành hàng tháng, hàng tuần hoặc thậm chí mỗi ngày để tiến gần hơn đến đích.
Đôi khi, mục tiêu và tầm nhìn của chúng ta có thể thay đổi, nhưng điều quan trọng là phải thường xuyên tự hỏi bản thân xem hành động của mình có còn phù hợp với mục tiêu hay không.
3. Có thời hạn rõ ràng
Theo Định luật Parkinson, một nhiệm vụ đơn giản được thực hiện trong khoảng thời gian dài sẽ trở nên phức tạp và tiêu tốn hết thời gian. Nếu bạn đang trên đường hiện thực hóa các mục tiêu mà không có thời hạn cụ thể, khả năng cao là bạn sẽ không bao giờ hoàn thành chúng. Có một giới hạn thời gian rõ ràng sẽ giúp bạn giữ vững kỷ luật và thúc đẩy hiệu suất.
4. Tạo áp lực xã hội
Một trong những cách mạnh mẽ nhất để tuân thủ thời hạn và mục tiêu của bạn là tạo ra áp lực xã hội. Nếu bạn chia sẻ mục tiêu của mình với người khác, bạn có nhiều khả năng thực hiện nó tốt hơn. Bằng cách công khai, bạn đang tăng cường kỷ luật bản thân bởi sau cùng chúng ta đều không muốn người khác đánh giá rằng: “Bạn không đạt được mục tiêu chỉ vì quá lười biếng".
Đôi khi tôi đăng một bức ảnh lên Facebook vào tối Chủ nhật, chia sẻ mục tiêu của mình cho tuần sắp tới. Bằng cách đó, tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải tiến bộ và thực sự gắn bó với những gì tôi đã cam kết.
Kết: Trong khi nhiều người nghĩ về kỷ luật là một cái gì đó hơi tiêu cực, một cái gì đó làm giảm tự do của họ, thì sự thật lại hoàn toàn ngược lại. Tôi cho rằng, khi chúng ta càng kỷ luật với những hành động hằng ngày của mình thì ta càng có nhiều thời gian rảnh để tận hưởng sự tự do mà không có cảm giác tội lỗi vì những điều chưa hoàn thành.
* Bài viết của Trương Di chia sẻ tại box Cafe Danner
Cuộc đời là một chuyến hành trình thay đổi để hoàn thiện hơn, nếu bạn có những quan tâm về phát triển bản thân , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận