Midnight (Tiếng “Kêu” Cứu Lúc Nửa Đêm) với mình là bộ phim có ý tưởng hay nhưng phát triển thì dở quá. Xem xong mình thấy khá tiếc vì rõ ràng với cốt truyện đó, Midnight có thể làm tốt hơn rất nhiều.
Điểm sáng duy nhất, cũng là điểm “cứu vớt” cả bộ phim với mình chính là diễn xuất của nữ chính Jin Ki Joo. Bỏ qua tình tiết khá vô lý làm chuyển hướng suy nghĩ của mình về vai diễn Kyung Mi của Jin Ji Koo thì cô đã hoàn thành khá tròn trịa vai diễn của mình.
Trong Midnight, Jin Ki Joo vào vai Kyung Mi, cô gái kém may mắn khi không thể nghe, cũng chẳng thể nói. Mọi cảm xúc chỉ được thể hiện bằng ánh mắt và biểu cảm gương mặt của cô.
Kyung Mi luôn bị đồng nghiệp châm chọc, đem ra làm trò cười và thản nhiên “nói xấu sau lưng” trước mặt cô vì nghĩ cô không bao giờ hiểu được. Điểm đặc biệt là Kyung Mi là tuýp người phụ nữ cá tính, tuy bề ngoài trông có vẻ mềm yếu lại còn bị khiếm khuyết nhiều so với người bình thường nhưng cô rất tinh tế để nhận ra mọi thứ và sẵn sàng đáp trả để bảo vệ chính mình.
Hình tượng nhân vật Kyung Mi được xây dựng không phải là một “bánh bèo” yếu đuối mà là một con người mạnh mẽ với ý chí kiên cường, luôn biết đứng dậy đấu tranh cho bản thân, dù bị ức hiếp nhưng không hề buông xuôi, đầu hàng trước số phận. Những màn “ăn miếng trả miếng” của Kyung Mi với cô khách hàng khó tính, những người đồng nghiệp khó ở và cả kẻ thủ ác - Wi Ha Joon thủ vai đều có thể cho thấy điều đó.
>>> Xem thêm: Midnight: Coi từng đoạn thì được chứ tổng thể rời rạc quá
Spotlight của Midnight với mình là những màn rượt đuổi chạy đua như marathon của nữ chính Kyung Mi. Mình thấy Kyung Mi chạy không khác gì một vận động viên điền kinh luôn. Nhìn nhỏ bé, yếu ớt vậy chứ mấy cảnh one-shot thấy chạy bền thiệt.
Một điểm đặc biệt mình để ý là trong Midnight toàn cảnh rượt đuổi chứ chưa có cảnh nào kẻ thủ ác bắt được Kyung Mi luôn, chỉ có mấy lúc trốn mà trốn dở quá nên bị bắt thôi.
>>> Xem thêm: Midnight: Lỗ hổng lớn nhất là cách xây dựng nhân vật
Ngoài mấy cảnh trốn chạy ngoài đường ra thì tài năng diễn xuất của Jin Ki Joo còn được thể hiện qua những cảnh đối diện trực tiếp với kẻ thủ ác. Lúc run sợ không kịp phản ứng thì chỉ biết để cho hai hàng nước mắt tuôn rơi. Lúc biết rằng dù cho xung quanh có hàng tá người cũng không ai cứu mình thì van xin nài nỉ tên tội phạm nguy hiểm bằng những âm thanh ú ớ “không lời”.
Điểm mình thích nhất trong cách xây dựng hình tượng nhân vật Kyung Mi là cô nàng khá độc lập. Trong tình huống nguy hiểm vẫn cố gắng tự lực cánh sinh chứ không hề trông đợi vào sự giúp đỡ của người khác. Thật ra mình nghĩ không hẳn là Kyung Mi không trông chờ mà qua những chuyện xảy ra, cô cũng biết được là dù cho cô có đợi thì cũng không ai cứu giúp.
Cuối cùng, Kyung Mi đã chiến thắng kẻ thủ ác để giải cứu nạn nhân phía trước, giải cứu chính mình và ngăn chặn những hành vi gây án sắp tới của hắn.
Mình nghĩ thách thức lớn nhất của Jin Ki Joo với vai diễn này là phải thể hiện như mình không thể nghe và nói được gì. Điều này đòi hỏi sự tập trung cao độ và phải quen với cả những thói quen của nhân vật từ những điều nhỏ nhất.
Tuy nhiên, trừ đoạn cuối tự nhiên Kyung Mi nở một nụ cười bí hiểm khi gài được kẻ thủ ác vào tròng khiến mình bắt đầu có sự hoài nghi vào nhân vật này thì còn lại các cảnh kia, Kyung Mi đều có thể hoàn thành xuất sắc.
Nói chung là mình thấy được khát khao sống rất mạnh mẽ của nhân vật và thấy thương cho Kyung Mi khi phải sống trong một xã hội thờ ơ như thế nhưng nụ cười ở cuối phim đến giờ vẫn là một dấu chấm hỏi lớn với mình.
Bài viết được Lọ Lem gửi về cho DienAnh.net
Cập nhật đầy đủ thông tin về Midnight (Tiếng “Kêu" Cứu Lúc Nửa Đêm) tại Thư Viện Phim nhé.
Facebook - bình luận