Vốn dĩ mình đã rất trông đợi vào Người Môi Giới khi nghe tin đây là phim nhận được tràng pháo tay dài đến 12 phút tại LHP Cannes. Tuy nhiên, Người Môi Giới mang lại nhiều hụt hẫng khi dày đặc các vấn đề gửi gắm mâu thuẫn xã hội nhưng lại gây chán chường bởi tình tiết chậm và cách kể chuyện kém lôi cuốn.
Nội dung Người Môi Giới mở đầu bằng phân đoạn cô gái trẻ So Young (Lee Ji Eun) để đứa con ở trước “hộp em bé”, nơi chuyện nhận nuôi những đứa trẻ không được hạnh phúc vì nhiều lí do.
Anh chàng Dong Soo (Kang Dong Won) hiện đang là nhân viên bán thời gian tại cơ sở này. Cùng với ông chủ tiệm giặt ủi là Sang Hyun (Song Kang Ho), họ “thó” những đứa bé trong hộp và thực hiện các phi vụ giao dịch cho những cặp vợ chồng khó khăn trong việc có con.
Khi So Young đến để tìm lại con, cô phát hiện ra bí mật của hai người đàn ông này. Vì không thể tự nuôi con nên So Young đã cùng họ đi tìm cha mẹ xứng đáng hơn cho đứa trẻ. Cốt truyện cũng diễn ra song song với cuộc theo dõi của nữ thanh tra Soo Jin (Bae Doona) dành cho “biệt đội” mờ ám này.
Đầu tiên, mình đánh giá khá cao ý tưởng của đạo diễn qua việc khai thác câu chuyện có thật từ chiếc hộp em bé tại Hàn Quốc. Đây là đề tài vốn dĩ gây tranh cãi khá nhiều nên khi vào phim cũng tạo nên sự đa chiều trong suy nghĩ của các nhân vật.
>>> Xem thêm: Người Môi Giới: Xem trailer thôi cũng đã thấy câu chuyện đượm buồn
Chiếc hộp được khai thác dưới các góc quay đa điểm nhìn để thể hiện quan điểm của từng nhân vật. Với cô nàng So Young thì đây là nơi gửi gắm hi vọng nhưng cũng thể hiện sự vô định khi để lại mảnh giấy rằng “Mẹ sẽ quay lại” nhưng chính cô cũng chẳng biết được là mình có quay lại hay không.
Câu nói “Nếu không nuôi được thì đừng sinh nó ra” vào đầu phim của nữ điều tra viên Soo Jin cũng thể hiện định kiến của xã hội với những bà mẹ trẻ này.
Và mình cũng thấy được đâu đó sự tổn thương của anh chàng Dong Soo khi có xuất thân là đứa trẻ bị bỏ rơi. Câu chuyện về mẹ anh năm xưa như một vòng lặp quấn lấy tâm trí qua mảnh giấy hứa hẹn trở lại của So Young.
Người Môi Giới cũng khai thác được nhiều góc khuất bên trong các vấn đề an sinh xã hội của xứ kim chi. Các quy định về việc không cho phép bỏ đi một sinh linh được cài cắm một cách khéo léo qua cảm giác tội lỗi của người mẹ trẻ do Lee Ji Eun thủ vai.
Đời sống thực sự của những đứa bé tại các cơ sở nhận chăm sóc chúng cũng dần được hé mở. Đôi khi, điều lũ trẻ cần nhất không phải là sự xót thương của xã hội mà là sự công nhận như một người bình thường, được tự do làm những gì chúng muốn.
>>> Xem thêm: Người Môi Giới và loạt phim điện ảnh Hàn được quốc tế đánh giá cao
Việc Dong Soo và Sang Hyun tự nhận mình là “những người tốt” giúp những đứa trẻ ấy có cuộc đời tốt hơn so với sống tại các cơ sở này cũng phản ánh một sự thật ngấm ngầm đằng sau. Tất cả hiện kim hay lòng thương của xã hội liệu có đến được tận tay các số phận này hay không.
Mình khá ấn tượng với cách diễn xuất của Lee Ji Eun qua vai diễn bà mẹ chưa sẵn sàng trong Người Môi Giới này. Mình biết Lee Ji Eun với một định kiến là idol IU với vẻ ngoài tươi vui trong Dream High nhưng với So Young thì Ji Eun lại có đôi mắt buồn thật buồn.
So Young xuất hiện với dáng vẻ bất cần, với tâm thế của một người chưa từng sẵn sàng làm mẹ. Thậm chí trong đôi mắt ánh lên cảm giác né tránh khi phải đối diện với đứa bé. Tuy nhiên, khi nhìn thấy những “ứng cử viên” cha mẹ khác có thái độ không tốt, tình mẫu tử trong cô lại trỗi dậy.
Tuy mang dáng vẻ của một câu chuyện buồn nhưng Người Môi Giới lại không có cách thể hiện phải khiến mình sướt mướt như những bộ phim Hàn khác. Thậm chí hành trình với 5 nhân vật còn trở nên mắc cười bởi những tràng hài duyên dáng.
Đội ngũ dịch phụ đề cũng góp công kha khá khi Việt hóa lời thoại vui tươi và bắt trend. Mình cũng đánh giá cao sự tương tác vô cùng tự nhiên giữa 5 nhân vật. Backstory của từng nhân vật trên chuyến xe được lần giở qua chuyến hành trình lí giải chi tiết hơn về động cơ cho từng hành động của họ (trừ nhân vật So Young).
Có một chi tiết nhỏ xíu xiu mà mình thấy đạo diễn Kore-eda thể hiện rất tinh tế đó là khoảnh khắc em bé bất giác nắm lấy sợi tóc của người mẹ trong làn mưa xen lẫn nắng vàng. Rõ ràng người mẹ thì chưa sẵn sàng nhưng với đứa con của mình, cô đã có sợi dây liên kết vô hình.
Thể hiện tinh tế là thế nhưng mình nhận thấy Người Môi Giới cũng có những điểm hơi khó tiếp nhận, đặc biệt là với đại chúng.
Điều hạn chế đầu tiên phải nói đến đó là thời lượng quá dài của phim. Cả câu chuyện trải dài trong khoảng 129 phút là quá dài cho chừng đó tình tiết và không có cao trào cụ thể. Chưa kể đến nhịp phim cũng khá chậm nhằm bắt trọn chuyển biến cảm xúc từng nhân vật nhưng mình thấy khá dễ gây buồn ngủ.
Hơn thế nữa, Người Môi Giới đã có thể có hai chi tiết gây bất ngờ trọn vẹn nhưng lại được gợi ý hơi lộ liễu nên hoàn toàn không tạo được bất ngờ. Một yếu tố thiếu thuyết phục nữa là sự chuyển biến về định kiến hơi nhanh của nữ điều tra Soo Jin về cuối.
Kết thúc phim tuy được xây dựng theo lối mở nhưng mình thấy còn hơi chưng hửng và khá thiếu thuyết phục. Điều trùng hợp là nhân vật do bác Song Kang Ho thể hiện ở Người Môi Giới lại có cái kết khá giống với nhân vật của chú trong Parasite.
Và có thể do phần đầu đặt ra quá nhiều câu hỏi quá lớn nên kết phim cũng không có được kết cục thỏa đáng cho các nhân vật như So Young, Hae Jin và anh chàng Dong Soo dường như không xuất hiện ở những khung hình cuối.
Nhìn chung, Người Môi Giới thể hiện cái nhìn khá trọn vẹn và thành công cái nhìn của đạo diễn người Nhật là Kore-eda với đất nước Hàn Quốc. Và cũng vì thế nên mình thấy rằng câu chuyện sẽ hơi khó để cảm nếu không có sự am hiểu nhất định về văn hóa của đất nước này. Đây cũng sẽ là phim chống chỉ định hoàn toàn cho những ai là fan cứng của dòng phim có cao trào.
Bạn đã xem phim chưa, nếu có hãy để lại bình luận bên dưới nhé.
* Bài viết của Xì Bàng chia sẻ tại box Mọt phim Review
Nếu bạn quan tâm đến phim Hàn và muốn đọc review về các phim đến từ xứ sở kim chi , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Broker (Người Môi Giới)? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận